Cần giám sát độc lập để quyết sách của Thủ tướng thực thi nhanh

(PLO)- Khi cơ quan tham mưu cũng là cơ quan thực thi chính sách thì quyết sách của Thủ tướng, Chính phủ sẽ khó, chậm đi vào cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Thủ tướng, Chính phủ liên tiếp ban hành Công điện 644 và Nghị quyết 105 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của QH, nói: “Công điện 644 và Nghị quyết 105 của Thủ tướng là những quyết sách quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt, hai văn bản này đã nhắm đúng vào những đòi hỏi cốt lõi của cải cách thể chế trong bối cảnh hiện nay”.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế, tại một phiên thảo luận của Quốc hội. Ảnh: PHẠM THẮNG

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế, tại một phiên thảo luận của Quốc hội. Ảnh: PHẠM THẮNG

Phải cắt giảm 20% thủ tục hành chính

. Phóng viên: Thưa ông, vậy những nội dung cốt lõi mà ông nhận thấy trong các quyết sách mà Thủ tướng vừa ban hành để các cơ quan có thẩm quyền thực hiện là gì?

+ ĐBQH Phan Đức Hiếu: Công điện 644 của Thủ tướng và Nghị quyết 105 của Chính phủ có ba điểm nhấn mạnh mẽ về cải cách thể chế, là những điều mà doanh nghiệp (DN), người dân chờ đợi và đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh DN đang chịu nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Thứ nhất, yêu cầu loại bỏ ngay theo thẩm quyền những thủ tục hành chính đang là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2025, cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% thủ tục hành chính.

Thủ tướng còn nhấn mạnh ngoài cắt giảm các thủ tục hành chính, quy định pháp luật phải nhắm tới giảm chi phí tuân thủ, yêu cầu cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ. Công điện 644 yêu cầu: “Kiên quyết chỉ ban hành và duy trì thủ tục hành chính thật sự cần thiết, với chi phí tuân thủ thấp”. Nghị quyết 105 còn quyết liệt, mạnh mẽ hơn khi yêu cầu “Tuyệt đối không ban hành quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian không cần thiết, trái quy định cho DN, người dân”.

Cải cách thể chế để giảm gánh nặng thủ tục và chi phí là điểm hết sức quan trọng không chỉ trong hiện tại mà còn ở tương lai.

. Nhưng vẫn còn rất nhiều kiến nghị của người dân, DN về khó khăn thể chế, thưa ông?

+ Đây là một nội dung đã được nhận diện trong chỉ đạo mới đây của Thủ tướng - Công điện 644 và nghị quyết cũng đã yêu cầu xử lý triệt để, dứt điểm các phản ánh, kiến nghị của người dân, DN về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, để phản ứng chính sách kịp thời trước yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống.

Tôi cho rằng những chỉ lệnh này của Thủ tướng ít nhất đang khởi đầu cho một quá trình cải cách thể chế. Nhưng thách thức lớn là thực thi nhanh, đầy đủ và hiệu quả các yêu cầu này. Điều này đòi hỏi các cơ quan hữu quan phải vào cuộc, phối hợp hành động quyết liệt. Bởi nếu không, những chi phí đắt đỏ do pháp luật có thể vô hình sẽ tiếp tục bào mòn sức khỏe của DN, người dân, sức chống chịu của nền kinh tế trước những biến động không lường được.

. Pháp luật rất đắt đỏ là câu ông từng nhắc đi nhắc lại nhiều lần, trong nhiều năm qua. Nhưng dường như pháp luật ngày càng… đắt đỏ hơn.

+ Pháp luật là cần thiết ở mọi quốc gia nhưng luôn có mặt trái là nó tạo ra không chỉ thủ tục hành chính và cả chi phí tuân thủ. Các chi phí ấy có thể kể ra là chi phí hành chính (chi phí nộp phí, lệ phí, chi phí giấy tờ và nhân công thực hiện thủ tục), chi phí đầu tư, chi phí cơ hội và còn có chi phí không chính thức. Trong các chi phí này thì chi phí tuân thủ đôi khi là rất lớn so với chi phí hành chính và tạo ra tác động không cân xứng giữa các DN với quy mô khác nhau.

Chẳng hạn quy định về PCCC yêu cầu trang bị thiết bị chữa cháy riêng tại từng DN - phát sinh chi phí đầu tư để DN mua sắm thiết bị đó. Nhưng cần lưu ý rằng: Chi phí hành chính tuân thủ các thủ tục hành chính không đáng ngại bằng các chi phí đầu tư để thực hiện các thủ tục do tạo thêm gánh nặng chi phí, bào mòn thêm sức khỏe của DN.

“Kiên quyết chỉ ban hành và duy trì thủ tục hành chính thật sự cần thiết, với chi phí tuân thủ thấp”.

Công điện 644.

“Tuyệt đối không ban hành quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian không cần thiết, trái quy định cho DN, người dân”.

Nghị quyết 105.

Đơn cử như các quy định về PCCC thì chi phí hành chính cấp phép, chứng nhận PCCC có thể không lớn nhưng chi phí mà một DN, cơ sở kinh doanh phải bỏ ra để đầu tư toàn bộ hệ thống PCCC để tuân thủ tiêu chuẩn thì mới là khoản tiền lớn. Bởi vậy, cải cách thể chế phải kèm với mục tiêu giảm chi phí kinh doanh, chi phí tuân thủ thì mới mang lại lợi ích thực sự cho người dân, DN và nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn tài chính của DN như hiện nay.

Cần cơ quan giám sát độc lập với cơ quan tham mưu

. Ngoài các quy định hiện hành đã và đang được áp dụng, chắc ông cũng nhận thấy DN, người dân đang lo ngại những tác động đắt đỏ do các quy định dự kiến được ban hành mới.

+ Đúng vậy, một số quy định dự kiến được ban hành như dự thảo quy định về tái chế đối với sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu (Fs) hoặc Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt nếu được sửa đổi và thông qua thì chẳng những vừa tăng mức thuế vừa mở rộng đối tượng chịu thuế… là những ví dụ cụ thể. Mặc dù những quy định này có mục tiêu quản lý nhưng nếu được ban hành thì DN có thể phải nộp thêm khoản nghĩa vụ tài chính lớn, dẫn đến chi phí của DN sẽ lại tăng lên, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa và cũng có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hẹp nguồn tái đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Vì thế, cải cách thể chế để giảm gánh nặng thủ tục và chi phí là điểm hết sức quan trọng không chỉ trong hiện tại mà còn ở tương lai.

. Theo ông, làm thế nào để thực hiện nhanh, hiệu quả và đầy đủ các yêu cầu của Thủ tướng, Chính phủ?

+ Một thực tế phải thừa nhận là các chính sách quyết liệt của Thủ tướng nếu vẫn “lối cũ ta về”, tức là được tổ chức triển khai thực hiện theo cách truyền thống: Giao cho các cơ quan có thẩm quyền trong chức năng, nhiệm vụ… thực hiện thì vẫn khó nhanh chóng đi vào cuộc sống. Bởi vì các cơ quan đó có thể chính là cơ quan đã tham mưu ban hành hoặc đang dự thảo ban hành quy định mới nên có thể khó có được kết quả cải cách như mong muốn.

Do đó, tôi cho rằng lúc này cần thiết phải có một “cơ quan” hay “bộ phận” độc lập (với các cơ quan tham mưu, xây dựng chính sách), đủ năng lực và thẩm quyền để giám sát và thúc đẩy yêu cầu cải cách thể chế. Thủ tướng Chính phủ cần nghiên cứu, xem xét thành lập một cơ quan giám sát thúc đẩy các chương trình cải cách thể chế của Chính phủ như nhiều quốc gia đã và đang làm…

Nếu Chính phủ ta cũng có một “cơ quan” giám sát độc lập như ở các nước thì cần nhấn mạnh rằng cơ quan này cũng phải có vị thế đủ để các cải cách thể chế và có năng lực chuyên môn chứ không phải là cơ quan hành chính và phải có vị trí, thẩm quyền đủ mạnh. Mặt khác, theo quy định của các nước thì giai đoạn cải cách thể chế cơ quan đó được hình thành, rồi vẫn tồn tại vì cải cách thể chế là một công việc thường xuyên, liên tục.

. Xin cảm ơn ông.•

Mô hình cơ quan giám sát độc lập ở các nước

Theo ĐBQH Phan Đức Hiếu, nhiều quốc gia trong quá trình cải cách thể chế đã thành lập các cơ quan có chức năng giám sát độc lập. Chẳng hạn, Hàn Quốc có Ủy ban Tổng thống về cải cách thể chế (Presidential Commission on Regulatory Reform) do tổng thống bổ nhiệm và thủ tướng làm chủ tịch, cơ quan này được thành lập bởi một đạo luật.

Mỹ có Văn phòng Thông tin và thể chế (Office of Information and Regulatory Affairs - OIRA) thuộc Văn phòng Tổng thống, gồm 40 chuyên gia được giao nhiệm vụ giám sát về cải cách thể chế. Cơ quan này được trao thẩm quyền rất lớn, có quyền bác đề xuất chính sách nếu không đạt chất lượng.

Vương quốc Anh thì có Hội đồng Chịu trách nhiệm thể chế (Panel for Regulatory Accountability), cơ quan quy định tốt hơn (Better Regulation Executive - BRE), bộ trưởng phụ trách cải cách thể thế (Regulatory Reform Ministers)… được Chính phủ ra quyết định thành lập.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm