'Kẹt cứng' trong khu đô thị mới Nam TP - Bài cuối

Cần gỡ nhiều điểm nghẽn siêu dự án khu đô thị mới Nam TP

“Đầu những năm 2000, đoàn công tác của Singapore đến tham quan khu đô thị (KĐT) mới Nam TP đã nhận định với quy mô lớn gần 3.000 ha thì KĐT này đã là một “siêu dự án”"' - ông Phạm Văn Toàn, Phó Trưởng ban Ban quản lý KĐT mới Nam TP (BQLKN), chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM sau loạt bài “Kẹt cứng” trong KĐT mới Nam TP”.

Còn gần 1/3 diện tích đất chưa giải phóng mặt bằng

. Phóng viênÔng đánh giá như thế nào về KĐT mới Nam TP (khu Nam) sau 25 năm triển khai đầu tư xây dựng?

Ông  Phạm Văn Toàn

+ Ông Phạm Văn Toàn: Năm 1994, khu Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch với quy mô 2.975 ha. Qua nhiều năm triển khai đầu tư xây dựng thì khu Nam đã từng bước được hình thành. Hiện nay trên toàn khu có 94 dự án với diện tích 2.137 ha (chiếm 82% diện tích), đã giải phóng mặt bằng được hơn 1.800 ha, chiếm tỉ lệ 66%.

Năm 2015, BQLKN ban hành kế hoạch định hướng đầu tư xây dựng hoàn thành khu Nam sẽ xong bồi thường giải phóng mặt bằng vào năm 2020 và hoàn thành xây dựng hạ tầng vào năm 2030. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về bồi thường giải phóng mặt bằng và thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng nên kế hoạch này đã không thực hiện được.

. Tính ra, về mặt xây dựng thì hiện nay khu Nam mới hình thành hơn 50% so với quy hoạch sau 25 năm triển khai. Như vậy thì có chậm không thưa ông?

+ Khu Nam có diện tích lớn gấp bốn lần KĐT Thủ Thiêm, có thể gọi là một siêu dự án. Vì vậy, không thể hoàn thành trong ngày một ngày hai mà phải trải qua hàng chục năm mới có thể hoàn thành. Nhất là trong bối cảnh đây là một KĐT thí điểm và trải qua nhiều thời kỳ với nhiều quy định pháp luật khác nhau.

Riêng khu A có diện tích 408 ha, trong đó có Phú Mỹ Hưng, được làm đầu tiên nhưng đến nay mới chỉ phủ kín khoảng 70% dù hạ tầng đã hoàn chỉnh. Lý do là việc đầu tư kinh doanh của chủ đầu tư còn phải tùy thuộc vào nhu cầu thị trường.

Trong thời gian qua khu Nam cũng đã có hàng loạt dự án hoàn thành, đưa vào khai thác hiệu quả, làm thay đổi diện mạo đô thị của khu vực quận 7, quận 8, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè như khu Phú Mỹ Hưng, các dự án nhà ở, công trình công cộng, các trường ĐH Tôn Đức Thắng, RMIT…

Bên cạnh đó cũng có những dự án chậm triển khai, TP cũng đã thu hồi một số dự án như tôi đã nêu trên (xem box - PV). Mặt khác, khu Nam cũng là dự án đầu tiên thí điểm nên sẽ có những bài học kinh nghiệm rút ra khi thực hiện các KĐT khác.

Sau 20 năm triển khai, đến nay dự án khu dân cư lô 13A của Công ty Hồng Quang với hơn 800 sản phẩm biệt thự, nhà phố, chung cư cao cấp mới chỉ có 55 căn nhà được xây dựng. Ảnh: NGUYỆT NHI

Cơ quan chức năng bất lực trước sự chây ỳ của chủ đầu tư?

. Ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM, một số dự án sau hàng chục năm triển khai nhưng chủ đầu tư chây ỳ không hoàn thiện hạ tầng khiến người dân rất bức xúc trong nhiều năm qua. BQLKN có trách nhiệm như thế nào trong vấn đề này?

+ Đối với các dự án này (đặc biệt là dự án khu dân cư lô 13A của Công ty Hồng Quang và khu dân cư Phi Long 5 của Công ty Phi Long), BQLKN rất chia sẻ với sự bức xúc của người dân trong nhiều năm qua. Chúng tôi cũng nhận được rất nhiều phản ánh của các cư dân sống trong các dự án này. Thẩm quyền của BQLKN là theo dõi, giám sát và báo cáo các sở, ngành có liên quan và UBND TP để kiến nghị giải quyết. BQLKN cũng đã theo dõi, giám sát liên tục, có rất nhiều cuộc họp, nhiều văn bản để đôn đốc chủ đầu tư hoàn thiện hạ tầng trong nhiều năm qua.

Thực tế, UBND TP cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, xử phạt chủ đầu tư hàng trăm triệu đồng (đối với Công ty Hồng Quang). Thậm chí cho thanh tra toàn diện dự án (như dự án khu dân cư Phi Long 5) để chỉ rõ những sai phạm của chủ đầu tư và chỉ đạo khắc phục. Sau những động thái này thì các chủ đầu tư có khắc phục nhưng không đáng kể. Đến nay, hạ tầng cũng còn dang dở.

. Thưa ông, chẳng lẽ cơ quan chức năng phải bất lực trước sự chây ỳ của chủ đầu tư hết năm này qua tháng khác?

+ Hiện nay, BQLKN đang nghiên cứu phương thức để chế tài chủ đầu tư dây dưa không làm hạ tầng. Mới đây chúng tôi cũng có báo cáo gửi UBND TP, trong đó kiến nghị một số giải pháp. Cụ thể là rà soát các dự án khác của chủ đầu tư để có thể thu hồi hoặc kiến nghị Sở KH&ĐT không tiếp tục giải quyết các thủ tục giao dự án mới cho đến lúc khắc phục xong hạ tầng. Cùng với đó là kiến nghị Sở TN&MT xử phạt vi phạm hành chính vì chậm làm thủ tục cấp sổ hồng cho dân.

Cũng cần nói thêm, các dự án như khu dân cư lô 13A hay Phi Long 5 là các dự án được thực hiện trước thời điểm Nghị định 90/2006 hướng dẫn Luật Nhà ở 2005, là thời điểm mà quy định pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng các dự án nhà ở chưa chặt chẽ. Sau Nghị định 90 là Nghị định 71/2010 thì việc đầu tư xây dựng các dự án phát triển nhà ở được quy định chặt chẽ hơn. Vì vậy, có ít chủ đầu tư có những vi phạm tương tự Công ty Hồng Quang và Công ty Phi Long.

Con đường nội bộ của dự án khu dân cư lô 13A trong khu đô thị mới Nam TP đã trở thành một ao nước nên người dân tranh thủ nuôi vịt. Ảnh: NGUYỆT NHI

“Thông” được điểm nghẽn thì khu Nam mới có thể bứt phá

. Hiện nay, không ít doanh nghiệp chưa thể triển khai dự án dù đã xong bồi thường giải phóng mặt bằng. Phải làm sao để tháo gỡ cho doanh nghiệp, đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng khu Nam?

+ Một trong những hạn chế lớn nhất chính là hiện nay khu Nam đang thiếu đầu mối để giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của doanh nghiệp. Theo quy định hiện nay, các dự án đầu tư xây dựng như xây một trụ sở cơ quan, một trường học, bệnh viện… cũng có một ban/bộ phận quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình để triển khai thực hiện.

Trong khi đó, khu Nam là cả một KĐT mới có quy mô tầm cỡ một siêu dự án, gồm nhiều công trình/hạng mục công trình thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Các dự án cần có sự triển khai và kết nối hạ tầng đồng bộ. Do đó càng cần phải có một ban quản lý đầu tư xây dựng đủ chức năng, thẩm quyền để làm đầu mối tiếp nhận, giải quyết thủ tục đầu tư xây dựng của các doanh nghiệp được nhanh chóng, thuận lợi. Qua đó nâng cao hiệu quả quản lý, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc đầu tư xây dựng KĐT.

Mới đây, trong cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội TP tháng 4, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo thành lập tổ công tác do Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình làm tổ trưởng để giải quyết các vướng mắc của từng dự án trên toàn TP. Đây là một giải pháp theo tôi là rất quyết liệt của TP để tập trung giải quyết các vướng mắc của các dự án trên địa bàn TP, trong đó có các dự án tại khu Nam. Với động thái này của TP, hy vọng các khó khăn, vướng mắc kéo dài của các dự án tại khu Nam sẽ sớm được giải quyết. Qua đó cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành KĐT.

. Xin cám ơn ông.

Tình hình đầu tư xây dựng các dự án tại khu Nam sau 25 năm

Năm 2012, toàn bộ 20 khu chức năng của khu Nam đã được lấp đầy chủ đầu tư. Tuy nhiên, do tình hình thị trường bất động sản khó khăn và một số chủ đầu tư hạn chế về năng lực nên có 38 dự án với tổng quy mô 408 ha đã bị thu hồi, hủy bỏ pháp lý đầu tư. Các dự án này nằm trong ba khu chức năng số 12 (107,8 ha), số 19 (196,6 ha) và số 20 (60,88 ha). 43 ha còn lại nằm trong các dự án thành phần khác. Hiện nay BQLKN đang phối hợp với các sở Xây dựng, KH&ĐT tiến hành thủ tục lựa chọn lại chủ đầu tư cho các khu chức năng và dự án này.

Về xây dựng, các dự án đã san lấp hơn 1.400 ha, chiếm 52% diện tích. Hạ tầng kỹ thuật của dự án cũng đã được đầu tư xây dựng và đang đầu tư xây dựng công trình kiến trúc trên diện tích hơn 1.054 ha. Mạng lưới giao thông chính của khu Nam đã hình thành nhưng chưa hoàn chỉnh theo quy hoạch.

Cụ thể là tuyến đường Nguyễn Văn Linh dài 17,8 km, lộ giới 120 m vừa là đường đô thị, vừa thuộc mạng lưới vành đai 2 nối liền các tỉnh miền Đông Nam bộ với các tỉnh miền Tây. Hiện nay đã xây dựng 10-14 làn xe và đang xây dựng hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ.

Đường Bắc - Nam giai đoạn 1-2, đường Nguyễn Tri Phương nối dài, cầu Tân Thuận 2, đường Nguyễn Văn Cừ, quốc lộ 50 tạo thành các trục kết nối khu Nam với nội thành.

Trong 94 dự án với quy mô 2.137 ha, có 55 dự án đã hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (1.241 ha); 19 dự án giải phóng mặt bằng đạt tỉ lệ từ 80% đến dưới 100% (đã bồi thường 287 ha, chưa bồi thường 36 ha); 12 dự án bồi thường đạt tỉ lệ 50%-80% (đã bồi thường 100 ha, chưa bồi thường 57 ha); tám dự án bồi thường đạt tỉ lệ dưới 50% (đã bồi thường 76 ha, chưa bồi thường 387 ha).

Theo BQLKN, những năm gần đây các doanh nghiệp bồi thường đạt tỉ lệ rất thấp. Riêng năm 2020 chỉ bồi thường được 4,2 ha. Các dự án chưa hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng chủ yếu không liền thửa nên rất khó triển khai xây dựng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới