Cần hơn 24.000 tỉ khơi thông TP.HCM - Long An

TP.HCM tiếp giáp với nhiều huyện của tỉnh Long An. Tuy nhiên, giao thông kết nối giữa hai địa phương đến nay vẫn chưa được đầu tư đúng tầm.

Theo đó, Sở GTVT tỉnh Long An và TP.HCM đã có những trao đổi, hợp tác để tăng sự kết nối giao thông giữa hai địa phương.

23 vị trí kết nối giữa TP.HCM - Long An

Theo Sở GTVT TP.HCM, tổng vị trí kết nối giữa hai địa phương TP.HCM và Long An gồm 23 điểm với ba loại hình.

Cụ thể: Kết nối hiện hữu cần xem xét đầu tư để đảm bảo đồng bộ có 12 vị trí; kết nối đã có quy hoạch và cần có kế hoạch thực hiện để phát huy hiệu quả kết nối giao thông giữa hai địa phương có tám vị trí; kết nối cần nghiên cứu bổ sung quy hoạch có ba vị trí.

Sở GTVT TP.HCM cho biết trên cơ sở rà soát, góp ý của các sở, ngành và địa phương, trong 23 vị trí kết nối này có bảy vị trí kết nối đặc biệt quan trọng cần được xem xét ưu tiên đầu tư.

Hai sở GTVT nhận định các tuyến đường kết nối sẽ được quy hoạch như sau: Đường Nguyễn Văn Bứa, huyện Hóc Môn
(TP.HCM) kết nối với đường tỉnh 824, huyện Đức Hòa (Long An) tại vị trí cầu lớn hiện hữu.

Đường mở mới Tây Bắc, hiện phía TP.HCM đã có quy hoạch, phía Long An cần bổ sung quy hoạch. Sở GTVT TP.HCM kiến nghị đây là trục đường giao thông rất quan trọng, kết nối từ TP.HCM đi Long An và các tỉnh miền Tây. Khi tuyến đường này hình thành sẽ chia sẻ lưu lượng giao thông trên tỉnh lộ 9, tỉnh lộ 10 (TP.HCM). Từ đó tình hình giao thông khu vực được cải thiện, tạo điều kiện phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Với đường Võ Văn Kiệt nối dài, huyện Bình Chánh (TP.HCM) sẽ kết nối với Khu công nghiệp Hải Sơn - Tân Đô, huyện Đức Hòa (Long An). Phía Long An đã có đường kết nối hiện hữu, phía TP.HCM cần bổ sung quy hoạch từ vành đai 3 đến ranh Long An.

Còn với đường song hành quốc lộ 50, huyện Bình Chánh kết nối với đường trục động lực, huyện Cần Giuộc (kết nối này đã có quy hoạch và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận). Hiện cả TP.HCM và tỉnh Long An đều đang kêu gọi đầu tư dự án trong giai đoạn 2021-2025.

Quốc lộ 1A đoạn ranh TP.HCM - Long An luôn bị kẹt xe nghiêm trọng vào giờ cao điểm. Ảnh: ĐÀO TRANG

Cần số vốn rất lớn để đầu tư

Hai sở GTVT nhận định bài toán đặt ra là nguồn vốn để xây dựng các dự án kết nối này là rất lớn. Song mỗi địa phương cũng cần có quy hoạch và lên phương án đầu tư phù hợp.

Ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An, cho biết thực trạng giao thông kết nối như hiện nay là chưa thể đáp ứng được nhu cầu phát triển giữa Long An và TP.HCM. Có thể thấy các tuyến đường kết nối tới các khu công nghiệp của Long An hiện nay chưa phát huy được tiềm năng của tỉnh.

Trong khi đó, các tuyến đường kết nối giữa TP.HCM - Long An được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn tới đã quá tải. Các tuyến đường này có nhược điểm là thắt cổ chai nên việc đầu tư mở rộng là cần thiết để khơi thông giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho hai địa phương.

Sau buổi khảo sát và làm việc giữa TP.HCM và Long An, hai đơn vị đã đưa ra tổng 23 vị trí cần thực hiện kết nối. Trong đó, ưu tiên đầu tư cấp bách bảy vị trí trong giai đoạn 2021-2025.

Cụ thể, các dự án được hai sở GTVT rà soát, lập thủ tục chủ yếu là các tuyến đường hiện hữu rộng bình quân 18-22 m với bốn làn xe. Sau khi được đầu tư, khơi thông sẽ được nâng cấp lên khoảng 40 m với sáu làn xe.

Tổng kinh phí cho việc mở rộng, kết nối của các dự án này là rất lớn, dự kiến khoảng 24.400 tỉ đồng.

Trong đó, một số dự án chiếm tỉ lệ vốn rất lớn. Điển hình, dự án Nguyễn Văn Bứa (huyện Hóc Môn) - ĐT824 (huyện Đức Hòa) có tổng vốn đầu tư khoảng 2.800 tỉ đồng, dự án quốc lộ 50 qua Bình Chánh - Cần Giuộc có tổng vốn gần 1.500 tỉ đồng, dự án đường Long Hậu (huyện Nhà Bè) - ĐT826E (huyện Cần Giuộc) với 5.100 tỉ đồng, đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè) - ĐT826C (huyện Cần Giuộc) với 1.000 tỉ đồng.

Hai địa phương cũng thống nhất đầu tư xây dựng tuyến đường song song quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) - đường trục động lực (huyện Cần Giuộc), tổng chiều dài hơn 8,6 km, kinh phí 4.300 tỉ đồng.

Sau khi bảy dự án trên hoàn thành, hai địa phương sẽ tiếp tục lên kế hoạch nâng cấp 16 điểm kết nối khác.

Cần chú trọng phát triển, kết nối vùng

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, đánh giá việc nâng cấp, mở rộng các tuyến đường kết nối giữa TP.HCM - Long An là thực sự cần thiết và tất yếu.

Long An khá gần với TP.HCM và trên thực tế hạ tầng kết nối chưa đảm bảo, cao tốc kết nối cũng quá tải. Nếu có các tuyến đường kết nối thuận lợi thì sẽ giúp Long An phát triển kinh tế rất tốt và làm giãn dân TP.HCM về Long An.

Tuy nhiên, theo ông Nam Sơn, trước nay TP.HCM chỉ tập trung phát triển giao thông trong trung tâm, do đó TP cần chú trọng phát triển kết nối vùng không chỉ riêng Long An mà bao gồm cả Tây Ninh, Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình  Dương và khu vực miền Tây.

Song song đó, để không trông chờ vào nguồn vốn nhà nước, TP.HCM và Long An cần có quy hoạch cụ thể và kêu gọi nhà đầu tư cùng làm các dự án này, bởi các nhà đầu tư thường có vốn rất mạnh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới