Bộ GTVT thừa ủy quyền Chính phủ vừa hoàn thành dự thảo báo cáo Quốc hội về việc triển khai xây dựng đường Hồ Chí Minh. Theo đó, dự án đường Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng năm 2000, dự kiến năm 2020 nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) quy mô tối thiểu hai làn xe với chiều dài khoảng 2.744 km. Hiện dự án hoàn thành 2.218 km, đạt 80,8% và đang triển khai đầu tư 237 km, còn lại khoảng 289 km chưa bố trí được vốn.
Thiếu vốn cho dự án
Cụ thể, khu vực phía Bắc còn đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn và Đoan Hùng - Chợ Bến với chiều dài 160 km. Trong đó, đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến dự kiến thực hiện theo hình thức BOT và hoàn thành trong năm 2020. Tuy nhiên, do lưu lượng xe thấp nên phương án đầu tư theo hình thức BOT không khả thi, do vậy cần nghiên cứu chuyển đổi hình thức đầu tư cho phù hợp.
“Như vậy, để nối thông khu vực phía Bắc cần bố trí 17.867 tỉ đồng để triển khai hai đoạn trên” - Bộ GTVT cho biết.
Khu vực miền Trung hiện đang tiếp tục đầu tư đoạn La Sơn - Túy Loan theo hình thức BT. Dự kiến trong năm 2022 đưa vào khai thác toàn tuyến. Với dự án Cam Lộ - La Sơn được khởi công và triển khai thi công tháng 9-2019, phấn đấu cơ bản hoàn thành trong năm 2021. “Có nghĩa khu vực miền Trung đến năm 2021 sẽ hoàn thành toàn bộ. Giai đoạn sau năm 2021 tùy thuộc nhu cầu vận tải trên tuyến và khả năng nguồn lực sẽ nghiên cứu đầu tư hoàn chỉnh đoạn Cam Lộ - Túy Loan theo quy hoạch…” - Bộ GTVT cho hay.
Ở khu vực Tây Nguyên, Bộ GTVT cho biết đang triển khai hai tuyến tránh đô thị (tuyến tránh thị trấn Ea Drăng, tỉnh Đắk Lắk và tuyến tránh TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) với tổng chiều dài 48 km, dự kiến hoàn thành trong năm 2020. “Như vậy, khu vực này hoàn thành đầu tư toàn bộ giai đoạn hai làn xe…” - Bộ GTVT thông tin.
Khu vực phía Nam đang thi công dự án kết nối trung tâm đồng bằng sông Mekong đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (55 km) bằng vốn ODA, dự kiến thông xe cuối năm 2020 và hoàn thành nửa đầu năm 2021.
Với đoạn Chơn Thành - Đức Hòa (Long An), ban đầu dự kiến đầu tư bằng vốn nhà nước với số tiền 2.547 tỉ đồng và hoàn thành trong năm 2016. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về vốn, Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT chuyển đổi sang đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT với quy mô đường cao tốc bốn làn xe. Tuy nhiên, do phương án tài chính không khả thi nên Bộ GTVT đã báo cáo và được Thủ tướng chấp thuận không triển khai dự án theo hình thức BOT. Hiện nay, dự án đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để báo cáo cấp có thẩm quyền đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Đối với phần còn lại của dự án Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang, tỉnh Bạc Liêu), dự kiến hoàn thành vào năm 2018. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên chưa triển khai. Hiện nay, dự án đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.
Nếu nối thông khu vực phía Nam cần bố trí 6.343 tỉ đồng để triển khai hai dự án thành phần với tổng chiều dài khoảng 129 km. “Còn để hoàn thành nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh hai làn xe cần thêm khoảng 24.210 tỉ đồng để đầu tư 289 km còn lại…” - Bộ GTVT cho hay.
Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan trên địa phận tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ảnh: CTV
Đầu tư tiếp các đoạn còn lại
Bộ GTVT cho rằng việc hoàn thành, đưa vào sử dụng đường Hồ Chí Minh mang lại hiệu quả nhiều mặt đối với các khu vực và các địa phương nơi dự án đi qua. Điển hình khu vực Tây Nguyên, việc đưa vào khai thác 419 km sớm hơn 1,5 năm đã rút ngắn thời gian chạy xe, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Theo báo cáo của các địa phương Tây Nguyên, trong những năm gần đây tốc độ tăng trưởng kinh tế các tỉnh này đều tăng so với trước khi tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên chưa được đầu tư xây dựng.
Cạnh đó, tuyến đường này đã phá vỡ thế ngõ cụt, đảm bảo giao thông thuận tiện. Người dân có thể đi đến các tỉnh phía Bắc, phía Nam bằng đường Hồ Chí Minh, xuống các tỉnh ven biển và kết nối với nước Lào, Thái Lan…
Tuyến đường Hồ Chí Minh còn kết nối các khu vực du lịch nổi tiếng như Vườn quốc gia Cúc Phương, Bến En, Phong Nha - Kẻ Bàng, Bạch Mã, Ngọc Linh… tạo thành chuỗi địa điểm du lịch. “Cạnh đó, giúp giảm tải cho quốc lộ 1. Lưu lượng xe hằng năm lưu thông trên đường Hồ Chí Minh ngày càng tăng cao, nhất là các tuyến Hà Nội - Thanh Hóa - Vinh, khu vực Tây Nguyên… Tuy nhiên, hiện nay do chưa thông tuyến toàn bộ nên năng lực vận tải của tuyến đường phần nào bị hạn chế…” - Bộ GTVT thông tin.
Để đầu tư các tuyến còn lại, Bộ GTVT cho biết trong năm tới, đơn vị sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để đầu tư một số đoạn như Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn (dài 30 km với mức đầu tư 1.651 tỉ đồng), phần còn lại của đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận (dài 55 km với tổng mức đầu tư 3.796 tỉ đồng) và đoạn Chơn Thành - Đức Hòa (dài 74 km với tổng mức đầu tư 2.547 tỉ đồng).
“Đối với dự án Đoan Hùng - Chợ Bến (dài 130 km với mức đầu tư 16.216 tỉ đồng), do nhu cầu vận tải chưa cao và thực tế các quốc lộ song hành hoàn toàn đủ năng lực đảm nhận nhu cầu vận tải trong khu vực nên sẽ xem xét đầu tư theo quy mô đường cao tốc trong giai đoạn đến năm 2030…” - Bộ GTVT cho hay.
Nâng cấp đường mòn Hồ Chí Minh theo tiêu chuẩn đường cao tốc Dự án đường mòn Hồ Chí Minh triển khai hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 đến năm 2020 hoàn thành các dự án thành phần để nối thông toàn tuyến với quy mô hai làn xe. Giai đoạn 2 sau năm 2020 nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Dự án có tổng nhu cầu vốn để nối thông toàn tuyến (giai đoạn 2) là 100.288 tỉ đồng. Trong đó, các dự án đã và đang đầu tư có tổng nhu cầu vốn là 76.078 tỉ đồng. Gồm vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ là 35.544 tỉ đồng, vốn huy động đầu tư theo hình thức BOT là 7.103 tỉ đồng, vốn huy động đầu tư theo hình thức BT là 11.485 tỉ đồng, vốn huy động vay ODA là 21.946 tỉ đồng. Từ năm 2014 đến nay, các dự án được phân bổ nguồn vốn để triển khai là 63.418 tỉ đồng. Về tiến độ thực hiện, Bộ GTVT cho rằng còn khoảng 289 km không đáp ứng tiến độ yêu cầu do điều kiện nguồn lực hạn hẹp và nhu cầu vận tải chưa cao. |