Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) đề án tái cơ cấu ngành đường sắt giai đoạn 2021-2025. Trong đó, mô hình sản xuất, kinh doanh của VNR được tổ chức lại hợp lý hơn theo hướng tăng hiệu quả quản trị DN, tập trung vào ngành nghề cốt lõi là vận tải đường sắt và kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt.
Tập trung đầu tư vào 15 nhà ga lớn
Cụ thể, VNR định hướng chuyển dịch từ trọng tâm là vận tải hành khách như hiện nay sang vận tải hàng hóa để bù đắp sản lượng vận tải hành khách bị sụt giảm nghiêm trọng do cạnh tranh với đường bộ, hàng không giá rẻ và ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Ngành đường sắt đặt mục tiêu năm 2023 sẽ thoát khỏi tình trạng thua lỗ và từng bước có lãi bù đắp khoản lỗ lũy kế của các năm trước. Ảnh: V.LONG |
Đáng chú ý, VNR sẽ tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt. Theo đó, ngành đề xuất phương án giao tài sản theo hình thức đầu tư vốn nhà nước tại DN, sau đó thí điểm đầu tư nguồn lực để nâng cấp 15 ga đầu mối về hàng hóa, hành khách.
Các ga đầu mối về vận chuyển hàng hóa được lựa chọn thí điểm gồm Đông Anh (ga và khu đất 2C), Giáp Bát, Kim Liên, Trảng Bom, Sóng Thần (ga và bãi hàng An Bình), Phan Thiết, Lào Cai, Đồng Đăng, Yên Viên, Cái Lân (ga + khu cảng). Ga đầu mối về hành khách được đầu tư gồm Hà Nội, Huế, Đà Lạt, Nha Trang, Sài Gòn.
Tại các ga đầu mối về hành khách, VNR sẽ xây dựng tổ hợp thương mại dịch vụ; về hàng hóa, xây dựng trung tâm logistics. Sau khi xây dựng, tổ hợp thương mại dịch vụ hoặc trung tâm logistics đảm bảo đáp ứng đầy đủ diện tích, công năng phục vụ hoạt động vận tải đường sắt.
Đồng thời có thể kinh doanh khai thác thương mại dịch vụ để tăng doanh thu ngoài vận tải, tạo sự thuận tiện tối đa cho hành khách và sẽ góp phần phát triển đời sống, kinh tế - xã hội của dân cư quanh khu vực nhà ga, vùng lân cận. Với phương án trên, VNR như dự kiến, tổng chi phí đầu tư hệ thống nhà ga hàng hóa và hành khách khoảng 6.592 tỉ đồng.
Song song việc nâng cấp các nhà ga, VNR muốn đầu tư các đầu máy hiện đại. Tuy nhiên, do vốn hạn chế nên VNR và các công ty con sẽ khẩn trương nghiên cứu phương án thuê phương tiện vận tải hoặc huy động vốn đầu tư. Nếu khả thi VNR sẽ thực hiện đầu tư mới 32 đầu máy công suất 1.800-2.000 HP và tiếp tục triển khai dự án lắp ráp 100 đầu máy đang triển khai từ giai đoạn 2016-2020. Đồng thời đầu tư 800 toa xe hàng và 50 toa xe khách, với số tiền dự kiến lên tới gần 2.600 tỉ đồng.
Về phương án cơ cấu lại tài chính, VNR sẽ tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu để tăng vốn điều lệ lên 3.250 tỉ đồng. Các năm tiếp theo phần tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt gồm toàn bộ nhà ga (297 ga), kho hàng, bãi hàng, toàn bộ tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát giao cho VNR theo hình thức đầu tư vốn nhà nước tại DN.
Tại các ga đầu mối về hành khách, VNR sẽ xây dựng tổ hợp thương mại dịch vụ; về hàng hóa, xây dựng trung tâm logistics.
Đang lấy ý kiến góp ý
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN cho biết đơn vị đã nhận được đề án của VNR. Theo đó, đơn vị nhận định đề án VNR đã nhận diện, đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, một số tồn tại, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm... trên cơ sở đánh giá toàn diện công tác cơ cấu lại của VNR giai đoạn 2016-2020.
Cụ thể ở đây là VNR đã xem xét cụ thể tình hình thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, công tác đầu tư phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số, kết quả cơ cấu lại VNR trên các mặt cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước; phương án sử dụng, sắp xếp nhà đất; tình hình cơ cấu lại quản trị DN; điều chỉnh vốn điều lệ và cơ cấu lại nhân sự…
Cạnh đó, đề án đã đề ra mục tiêu, kế hoạch đối với công tác cơ cấu lại VNR giai đoạn 2021-2025 theo hướng đổi mới sáng tạo, điều chỉnh linh hoạt cơ cấu, quy mô tổ chức sản xuất. Từ đó nâng cao chất lượng quản trị DN, khai thác có hiệu quả các nguồn lực của DN và nâng cao năng suất lao động, đảm bảo phát triển VNR bền vững và từng bước hiện đại.
“Đề án cũng nêu rõ việc hướng đảm bảo đủ việc làm, nâng cao đời sống của người lao động, trong năm 2023 đưa VNR thoát khỏi tình trạng thua lỗ và từng bước có lãi bù đắp khoản lỗ lũy kế của các năm trước...” - Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đánh giá.
Về việc VNR đề xuất tăng nợ dài hạn bằng việc vay ngân hàng trong và ngoài nước để đầu tư 32 đầu máy hoặc thuê phương tiện của các đối tác để đảm bảo hoạt động, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cho rằng đây là nội dung khó, ảnh hưởng trực tiếp, tác động dây chuyền và dài hạn đối với kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của VNR.
Tuy nhiên, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN nhận thấy các nội dung đề án của VNR đảm bảo cơ sở trình Thủ tướng xem xét phê duyệt. “Nhưng để thực hiện quá trình triển khai, phê duyệt đúng quy định, thực hiện hiệu quả đề án, đơn vị đang tham vấn các bộ, ngành trước khi trình Thủ tướng xem xét phê duyệt…” - Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN cho hay.•
Hợp nhất hai công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn
Giai đoạn 2022-2025, VNR xác định công ty mẹ - VNR tiếp tục là DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Nhà nước nắm giữ dưới 50%-65% vốn điều lệ trở lên đối với 41 công ty cổ phần. Cạnh đó, VNR sẽ hợp nhất Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn thành Công ty CP Vận tải đường sắt.