Điều quan trọng nhất của việc thí điểm này là không sử dụng vốn Nhà nước khi thực hiện dự án” - ông Khương Thế Duy, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, cho biết, theo báo Giao Thông.
Theo ông Duy, cung đoạn này nằm trên tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt, có chiều dài 84 km nhưng năm 1968 tuyến này bị dừng khai thác và đã bóc dỡ hoàn toàn kết cấu hạ tầng. Đến năm 1991, đoạn hơn 6,7 km từ ga Đà Lạt đến Trại Mát được khôi phục và đang khai thác chạy tàu phục vụ du lịch. Do đó cung đoạn này được khai thác, vận hành độc lập, không có kết nối với các tuyến đường sắt khác. Dù vậy, hằng năm Nhà nước phải bù lỗ để phục vụ vận hành, khai thác tuyến đường sắt du lịch này, trong khi các lợi thế quỹ đất liên quan đến hạ tầng không được tận dụng để khai thác, có chỗ đang bỏ không hoặc bị lấn chiếm. Tại ga Đà Lạt vẫn còn một nhà xưởng chỉnh bị đầu máy toa xe nhưng không có phương tiện để phục vụ.
“Do không được duy tu, đầu tư cải tạo thường xuyên nên hiện kết cấu hạ tầng đoạn tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát đã xuống cấp, hư hỏng” - ông Duy thông tin thêm.
Theo Bộ GTVT, việc thí điểm thay đổi phương thức quản lý, vận hành khai thác theo hình thức xã hội hóa đầu tư đối với đoạn đường sắt trên là rất cần thiết. Việc làm này vừa thúc đẩy phát triển du lịch Đà Lạt, vừa giảm gánh nặng ngân sách trong việc quản lý, bảo trì, đầu tư cải tạo tuyến. Đồng thời còn tăng thu cho ngân sách nhà nước từ việc chi trả của nhà đầu tư khi kinh doanh, khai thác khu ga Đà Lạt...