Sáng 27-8, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (IPCT) tổ chức Diễn đàn xuất khẩu 2019 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả xuất khẩu trong bối cảnh hội nhập và xu hướng kinh tế số”. Tại diễn đàn, các diễn giả trình bày về nhiều vấn đề liên quan và các giải pháp nâng cao hiệu quả xúc tiến xuất khẩu.
Trong đó ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc IPCT, nhấn mạnh các giải pháp nâng cao hiệu quả xúc tiến xuất khẩu cần gắn kết mặt hàng xuất khẩu và thị trường, tận dụng cơ hội hội nhập kinh tế quốc tế. IPCT xác định khu vực thị trường TP.HCM cần đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu trong những năm tới là thị trường Mỹ, Trung Quốc, các thị trường các quốc gia trong các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, ASEAN, EVFTA, Nhật Bản, Hàn Quốc, Chile.
Có năm vấn đề các doanh nghiệp cần quan tâm trong các hiệp định thương mại FTA là lộ trình cắt giảm thuế, các rào cản phi thuế quan, quy tắc xuất xứ, sở hữu trí tuệ và mua sắm công.
TP.HCM sẽ đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, tập trung vào bảy nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, tiềm năng và ba nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực, các mặt hàng gỗ, sản phẩm từ gỗ.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpenel, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: THU HÀ
Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpenel, các thị trường châu Á, Mỹ và châu Âu là những thị trường tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Châu Á chiếm tới 60% dân số thế giới, đây được cho là thị trường nhiều tiềm năng.
Tuy nhiên, ông Hoàng lưu ý khi doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng hóa vào châu Á cần chú ý các đặc điểm thị trường. Cụ thể ở các nước phát triển, doanh nghiệp cần tập trung vào nhóm người cao niên, trong khi đó các nước đang phát triển nhóm người trẻ tuổi lại là đối tượng tiêu dùng chủ yếu. Theo đó xu hướng tiêu dùng chính ở châu Á là an toàn và tốt cho sức khỏe, sự vui vẻ, thoải mái, hạnh phúc; sự tiện lợi, dễ sử dụng, dễ tiếp cận; kỹ thuật số và thương mại điện tử; mua sắm đa kênh. Đơn cử Mỹ và châu Âu là những thị trường lớn cho sản phẩm hữu cơ, trong đó Mỹ chiếm tới gần 50% thị phần.
Ngoài ra để xuất khẩu thành công, doanh nghiệp cần tích hợp online và offline để nâng cao trải nghiệm mua hàng. Một số nền tảng còn tích hợp giọng nói để người mua có thể mua sắm mà không tốn nhiều thời gian cho việc gõ, tìm kiếm.
Cũng tại hội thảo, ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), đã trao đổi với doanh nghiệp cần lưu ý trong thương thảo hợp đồng xuất nhập khẩu, giải quyết tranh chấp trong thời đại công nghệ số. Trong đó, ông nhấn mạnh về xu hướng của các phương thức giao dịch trong bối cảnh kinh tế số như sự hình thành các nền tảng kinh doanh điện tử, việc trao đổi giấy tờ được chuyển từ bàn giấy sang email, thanh toán thông qua công cụ điện tử, hợp đồng điện tử.