Cần làm sạch những cán bộ hành dân

Tại huyện Bình Chánh, rất nhiều cử tri bức xúc về sự quan liêu của bộ máy chính quyền cấp xã. Bà Phạm Thị Thanh (xã Phạm Văn Hai) nói: “Vì sao công trình trái phép mọc lên? Tôi không hiểu lý do gì mà người dân nghèo chỉ cần đổ một bao cát hay đóng một cây cọc đã thấy cán bộ kéo tới xử lý. Trong khi đó những ngôi nhà to bự mọc lên ngang nhiên mà cán bộ không hề biết”.

Cử tri Phùng Văn Đạt (xã Đa Phước) thì cho rằng trong khi các bệnh viện tuyến trên quá tải thì các trạm y tế cấp xã chỉ ngồi chơi xơi nước: “Bà con lao động lỡ bị toác chân, trầy tay vào trạm y tế sơ cấp cứu, chỉ cần rửa vết thương, may lại là được vậy mà cán bộ chỉ rửa sơ sơ rồi chuyển lên tuyến trên. Lương y đó không phải là từ mẫu mà là từ biệt luôn”.

 
Bà Phạm Thị Thanh (xã Phạm Văn Hai) bức xúc về những tiêu cực của bộ máy cấp xã. Ảnh: THANH MẬN

Các đại biểu Quốc hội đều cho rằng cử tri đã rất sát thực tế, rất tinh tường khi thấy những khiếm khuyết trên của cán bộ cấp xã. “Chúng tôi đang điều chỉnh mô hình y tế tuyến xã, đồng thời tập trung cho bệnh viện tuyến huyện để tránh lãng phí” - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói. 

Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị UBND các cấp ở Bình Chánh phải có biện pháp xử lý để tránh tình trạng hành dân. “Ngân sách hằng năm bội chi liên tục, năm sau cao hơn năm trước. Trong đó có chi thường xuyên cho bộ máy công chức mà lại sa sút, hành dân là không được. Cần phải dọn sạch những cán bộ hành dân để làm trong sạch bộ máy” - ông Ngân nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Tươi, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của bà con cử tri và sẽ có kiểm tra, xử lý, trả lời lại cho bà con biết.

Một vấn đề nóng tại buổi tiếp xúc cử tri là chuyện dịch bệnh bùng phát thời gian qua. Vì sao dịch sởi bùng phát? Hiện nay dịch sởi đã được khống chế nhưng liệu có phát tán trở lại hay không? Sau sởi là nỗi lo bệnh gì nữa… là những câu hỏi lo lắng của cử tri Nguyễn Hồng Phúc (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) và các cử tri khác ở hai quận trên.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời rằng bệnh sởi đang ở giai đoạn khống chế, đến năm 2017 mới loại trừ được. Nhưng hiện nay Trung Quốc đã đề nghị giãn ra vì lo không đạt, do vậy không chỉ riêng nước ta mà các nước trong khu vực còn lâu mới thanh toán được bệnh sởi do tình hình bệnh sởi diễn biến phức tạp trên thế giới. Ngay như nước Mỹ đã thanh toán được bệnh sởi 14 năm thì năm ngoái dịch bắt đầu quay lại, ở Trung Quốc và Philippines năm ngoái cũng vậy.

“Dịch xuất phát từ cuối năm ngoái ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Ngay khi bắt đầu có dịch xảy ra, chúng tôi đã trực tiếp đến các tỉnh xảy ra dịch gây tử vong, làm việc với UBND và rất nhiều công điện, chỉ thị của Bộ Y tế đã gửi các địa phương để truyền thông vận động người dân đi tiêm ngừa” - bà Tiến nói.

Nhưng tại sao dịch vẫn xảy ra? Bà Tiến cho biết có ba nguyên nhân: Thứ nhất, chu kỳ bệnh hô hấp cứ ba đến năm năm lại quay lại. Thứ hai là có biến đổi khí hậu, miền Bắc cho đến giờ vẫn đang còn ẩm, độ ẩm cao và lạnh nên mắc bệnh nhiều hơn, tử vong nhiều hơn. Đặc biệt nguyên nhân chính là người dân sợ tai biến vaccine, không đi tiêm ngừa.

Cử tri Phạm Hai (quận 8) lo lắng về việc người dân bất an trước tai biến khi tiêm vaccine. Bà Tiến giải thích rằng ngay người lớn tiêm một liều thuốc để chữa bệnh cũng có một xác suất nhỏ tai biến như sốc, phản vệ, phản ứng thuốc gây tử vong.

“Một năm chúng ta có 4,5 triệu tiêm ngừa, chắc chắn tiêm ngừa phải có những tai biến. Chúng ta cần vận động người dân là tai biến thì có đó nhưng đổi lại không thể bằng số tử vong nếu ta không tiêm ngừa vaccine. Có những lỗi sơ ý khi tiêm vaccine gây ra những cái chết đau lòng khiến người dân quá sợ hãi, không dám đưa trẻ đi tiêm ngừa. Chúng tôi lo ngại sau bệnh sởi này, nếu không đưa các cháu đi tiêm ngừa viêm gan B thì đến 10-20 năm sau sẽ có một thế hệ bị nhiễm viêm gan B mãn tính, mà viêm gan là tiền thân của ung thư gan, xơ gan” - bà Tiến nhấn mạnh.

THANH MẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới