Đó là những góp ý của các chuyên gia kinh tế tại tọa đàm "Giải pháp tăng trưởng kinh tế cuối năm 2023 - đầu năm 2024" do báo Người lao động tổ chức ngày 3-11.
Tại đây, đa số các doanh nghiệp cũng như các chuyên gia đều cho rằng kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn và tình trạng này có thể kéo dài sang đến năm 2024. Do đó, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 tăng 6,5% theo nghị quyết của Quốc hội khó có thể đạt được.
Điểm mặt chuỗi khó khăn
Nhận diện về những khó khăn của các doanh nghiệp trong ngành dệt may, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng VPĐD Hiệp hội Dệt may Việt Nam tại TP HCM (Vitas) cho biết: Ngành dệt may Việt Nam là một trong những ngành có quy mô rất lớn với 70.000 doanh nghiệp và sử dụng 3 triệu lao động. Năm ngoái ngành này đã xuất khẩu 44,4 tỉ USD và thuộc top 2 ngành xuất khẩu lớn của Việt Nam và đối với thế giới Việt Nam là đứng thứ 3 về xuất khẩu sản phẩm dệt may.
Sau dịch, ngành dệt may ghi nhận sự bùng nổ về đơn hàng, đi đến đâu cũng nhận được chung một câu hỏi là làm sao để tìm được lao động.
Thế nhưng sáu tháng cuối năm 2022 thì tình hình thiếu đơn hàng bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm, và 6 tháng đầu năm 2023 thì đơn hàng càng sụt giảm trầm trọng hơn nữa.
"Có thể nói chưa bao giờ ngành dệt may Việt Nam gặp phải hoàn cảnh khó khăn như vậy. Giá thành đầu vào của nguyên liệu tăng nhưng doanh nghiệp lại không thể tăng giá thành sản phẩm" - bà Mai nói.
Nói về vướng mắc lớn nhất của ngành gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, cho biết: Tính chung 10 tháng đầu năm nay, ngành gỗ xuất khẩu khoảng 10,8 tỉ USD, giảm 19,9% so với cùng kỳ. Ước tính đến cuối năm nay, tăng trưởng vẫn giảm so với năm ngoái chứ chưa thể kỳ vọng sẽ xuất hiện dấu hiệu đột phá lớn.
Sau một thời gian tăng trưởng liên tục trong 10-15 năm, với tỉ lệ tăng trưởng đạt từ 10-15% mỗi năm khiến doanh nghiệp gỗ Việt Nam đi vào vùng an toàn, làm xuất khẩu nhưng sản xuất ở nội địa, chờ nhà mua hàng quốc tế đến. Khi đơn hàng hiếm, doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam mới lo đi xúc tiến thương mại nhưng lại thiếu những mặt hàng mới, hấp dẫn người tiêu dùng…
Làm gì để kéo nền kinh tế vượt qua khó khăn?
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng: Để tập trung vào tăng trưởng, chúng ta cần đẩy mạnh vào đầu tư công vì đà giải ngân đang tốt. Còn thị trường nội địa đang suy yếu nên cần chính sách kích cầu để tạo đà cho tăng trưởng kinh tế.
Khi thị trường nội địa tăng trưởng sẽ ảnh hưởng tích cực đến nhóm doanh nghiệp nội địa, còn khu vực FDI chủ yếu đáp ứng cho thị trường nước ngoài. Chính vì vậy, nếu hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp Việt Nam, cùng với đầu tư công sẽ tạo cho kinh tế Việt Nam có nền tảng vững chắc hơn.
TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng: Với bối cảnh như hiện nay, khó khăn của nền kinh tế tại Việt Nam có thể kéo dài đến năm 2024. Do đó, năm nay có thể không đạt mục tiêu nhưng quan trọng là thể chế chính sách nhằm tạo nền tảng cho phục hồi, tăng trưởng mạnh hơn trong giai đoạn 2024-2025.
"Trước thực trạng khó khăn như hiện nay, tôi kiến nghị các cơ quan chức năng cần tháo gỡ các điểm nghẽn đến nơi đến chốn. Chẳng hạn, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều nỗ lực giảm lãi suất nhưng cũng cần rà lại tất cả các gói tín dụng ưu đãi, gói tín dụng nào không hiệu quả thì cần có hướng xử lý.
Bên cạnh đó, tôi kiến nghị cần có đạo luật chuyển đổi xanh để các doanh nghiệp không bị lỡ mất cơ hội, bởi đây là yêu cầu mang tính thời đại, nhất là trong bối cảnh thế giới chung hiện nay, chúng ta có nhiều cơ hội. Vì vậy, cần tận dụng cơ hội khi doanh nghiệp vẫn còn khả năng chống chịu được. Muốn vậy cần tập trung tháo gỡ vướng mắc thị trường bất động sản ở cả cung và cầu, bởi lĩnh vực này có tác động tới nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế” - TS Lịch nêu quan điểm.
Chính phủ và Quốc hội đang bàn kéo dài chương trình hỗ trợ đến năm 2024 nhưng tôi hy vọng sẽ kéo dài tới 2025 để tạo ra tạo luồng gió thúc mọi người tiêu dùng nhiều hơn...
TS Nguyễn Đình Cung
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nhấn mạnh: Về phía cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, các cơ quan chức năng đừng quản lý theo quy trình, mà phải quản lý bằng kết quả. Phải gọi tên những gì quy trình nào đang thực sự là rào cản và sẵn sàng cắt bỏ nó. Chứ không thể nói đến các rào cản khó khăn một cách chung chung được. Bởi nói chung chung thì không ai chịu trách nhiệm cả.
Do đó, tôi mong Chính phủ liệt kê khoảng 5-10 vấn đề mà hiện nay là bức xúc nhất, cản trở lớn nhất đối với người dân và doanh nghiệp và giao cho ai đó chịu trách nhiệm. Sau đó, tạo áp lực từ trên xuống, áp lực từ ngoài vào để tạo động lực cho họ thay đổi. Cần phải thay đổi cách tiếp cận như vậy trong năm 2024 thì mới có thể giải quyết được những vấn đề vướng mắc hiện nay.
Về phía doanh nghiệp, dù đang rất khó khăn, nhưng tôi tin họ sẽ không bỏ cuộc. Thời gian gần đây, ngành nghề nào cũng nói đến sự chuyển đổi như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Và tất nhiên chuyển đổi nào cũng gây tốn kém về chi phí nguồn lực của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tôi cho rằng doanh nghiệp đừng nhìn sự chuyển đổi này như một rào cản mà hãy nhìn nó như một cơ hội. Khi xem sự chuyển đổi là cơ hội thì chúng ta sẽ đối mặt với thách thức này một cách dễ dàng hơn.
Bởi chỉ có chuyển đổi thì mới nâng cao được năng lực cạnh tranh, mới vươn ra được thị trường quốc tế và mới đáp ứng được yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng và như thế hàng hoá của chúng ta cũng được nâng lên một giá trị cao hơn” - TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.