9 tháng năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế Hậu Giang vươn lên dẫn đầu cả nước

(PLO)- Nếu năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hậu Giang chỉ cao hơn mức bình quân cả nước thì trong chín tháng năm 2023 đã vươn lên dẫn đầu cả nước.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 27-10, tại kỳ họp thứ 17 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2021-2026, UBND tỉnh đã báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

hau-giang.jpg
Nếu năm 2021, tốc độc tăng trưởng kinh tế của Hậu Giang chỉ cao hơn mức bình quân cả nước, thì trong chín tháng năm 2023 đã vươn lên dẫn đầu cả nước. Ảnh: CHÂU ANH

Theo báo cáo, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2021-2025 và các chương trình, đề án, dự án đầu tư đã được tỉnh triển khai đồng bộ, hiệu quả, đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đến nay, kinh tế của tỉnh đã phục hồi tích cực sau đại dịch, tiếp tục tăng trưởng nhanh, quy mô kinh tế được nâng lên.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 tăng 3,08%, cao hơn 0,5% so với mức bình quân của cả nước. Năm 2022, GRDP tăng 13,94%, đạt mức cao nhất của tỉnh từ trước đến nay, đứng thứ tư cả nước và tăng 35 bậc so với năm 2021.

Chỉ tính riêng trong quý I-2023, GRDP tăng 12,67%, đạt mức cao nhất cả nước; sáu tháng đầu năm 2023, GRDP tăng 14,21%, đạt mức cao nhất cả nước và thống kê chín tháng năm 2023, GRDP tăng 13,3%, dẫn đầu cả nước.

Các khu vực kinh tế đều tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng. Thu nội địa tăng bình quân 1.000 tỉ đồng/năm, tăng bình quân 15,54%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ và giảm dần tỉ trọng khu vực nông nghiệp.

Các mặt xã hội đều có bước phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng lên, tỉ lệ giảm hộ nghèo giảm vượt kế hoạch hàng năm.

Tuy vậy, báo cáo cũng chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại, như tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng nhanh nhưng quy mô kinh tế và GRDP bình quân đầu người còn thấp so với các địa phương trong vùng.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế đang đứng trước điểm nghẽn tăng trưởng do công tác chuẩn bị cơ sở hạ tầng và hiện thực hóa các dự án đầu tư mới vào tỉnh chuyển dịch chậm.

hau-giang-1.jpg
Hậu Giang hiện có hai khu công nghiệp, tổng diện tích khoảng 492 ha, tỷ lệ lấp đầy hơn 93%. Ảnh: CHÂU ANH

Ngoài ra, hai điểm nghẽn lớn nhất là chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng chiến lược đang được tập trung tháo gỡ nhưng chưa đạt tiến độ. Năng lực, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, kể cả cán bộ lãnh đạo các cấp chưa ngang tầm nhiệm vụ.

Vấn đề hạn chế nữa là nông nghiệp phát triển chưa bền vững, việc xây dựng quy hoạch vùng sản xuất tập trung quy mô hàng hóa lớn chậm được thực hiện. Việc liên kết chuỗi giá trị còn nhiều hạn chế, sức cạnh tranh thấp. Qúa trình triển khai các biện pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản còn hạn chế. Việc thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ít.

Trong báo cáo, UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã đề ra nhiều nhiệm vụ giải pháp để tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2021-2025, như cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội...

Hậu Giang hiện có hai khu công nghiệp, tổng diện tích khoảng 492 ha, tỉ lệ lấp đầy hơn 93%. Tỉnh đã thu hút được 63 dự án, trong đó có 45 dự án đã đi vào hoạt động, vốn đầu tư khoảng 26.993 tỉ đồng và 227 triệu USD. Giải quyết việc làm cho hơn 26.580 lao động.

Tỉnh còn có bảy cụm công nghiệp đang hoạt động với diện tích 486,55 ha, tỉ lệ lấp đầy hơn 70%; thu hút được 56 dự án và đã có 36 dự án đi vào hoạt động, vốn đầu tư là hơn 18.930 tỉ đồng và 390 triệu USD.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm