Cần nghiên cứu trao quyền chủ động biên chế cho TP.HCM

(PLO)- Một trong những vấn đề mấu chốt của cơ chế mới là cần trao quyền tự quyết định biên chế cho TP.HCM, nhằm nâng cao hiệu quả công việc và thu nhập cho công chức, viên chức.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TP.HCM đang tổ chức lấy ý kiến nhằm xây dựng cơ chế tự chủ mới ưu việt hơn, thay thế Nghị quyết 54. Nhằm góp thêm tiếng nói xây dựng, Pháp Luật TP.HCM trao đổi với PGS-TS Nguyễn Thị Cành, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, về việc hướng tới trao quyền tự quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức cho TP - một trong những điểm mấu chốt để TP cởi chiếc áo đã chật, bứt phá mạnh mẽ.

Đặc thù của đại đô thị

. Phóng viên: Không chỉ lớn hơn về mật độ dân cư, đời sống của đại đô thị ở TP.HCM cũng phức tạp hơn so với các địa phương khác. Theo bà, cần tổ chức biên chế cán bộ, công chức, viên chức ra sao để phù hợp với tính chất này?

+ PGS-TS Nguyễn Thị Cành (ảnh): Các đại đô thị trên thế giới cũng phát sinh nhiều vấn đề về trật tự xã hội, an sinh xã hội, giao thông, điện, nước… phức tạp hơn hẳn so với khu vực nông thôn. Mức độ phức tạp tương ứng với số lượng người tham gia quản lý và bộ máy quản lý mang tính đặc thù. Ví dụ, ở đô thị cần lập đội quản lý trật tự xã hội để giữ gìn an ninh trật tự. Ở nông thôn không cần lực lượng này vì mật độ dân cư thưa hơn, làng xã cách nhau xa hơn so với các phường.

Mặt khác, các đại đô thị như TP.HCM luôn tập trung nhiều bệnh viện, trường học, doanh nghiệp… nên thu hút số người vãng lai lớn. Vì vậy, số lượng công chức, viên chức cũng cần tăng lên để không chỉ phục vụ dân số cố định mà còn phục vụ người vãng lai.

TP.HCM không đòi nhiều nhưng biên chế phải đủ

Trong buổi làm việc vừa qua với bộ trưởng Bộ Nội vụ có vấn đề được dư luận quan tâm đó là chênh lệch số lượng biên chế thực tế với số lượng được giao. UBND TP.HCM sẽ có báo cáo đầy đủ hiện trạng, đặc điểm, nhu cầu của TP để đề xuất. Tinh thần là TP không đòi nhiều nhưng đề nghị biên chế phải đủ, phù hợp để đảm đương công việc.

Ông Phan Văn Mãi,

Chủ tịch UBND TP.HCM

Vấn đề là cần tính toán sao cho hợp lý. Từng danh mục ngành nghề, từng vị trí công việc đều có chức năng, nhiệm vụ, ngoài ra là những ngành nghề phát sinh không chỉ phục vụ cho TP.HCM mà còn phục vụ cho cả khu vực, tương ứng số lượng biên chế. Chẳng hạn, ngành y tế và ngành giáo dục không chỉ phục vụ người dân TP mà còn phục vụ người từ những địa phương khác, vì vậy cần công chức, viên chức tương ứng với tình hình thực tế này. Trên cơ sở đó, TP giải trình với trung ương để có cơ chế tự chủ biên chế phù hợp.

Ứng dụng công nghệ số để giảm biên chế.

. Công việc tại quận, phường ở TP.HCM nhiều và phức tạp hơn hẳn so với huyện, xã ở địa phương khác. Nhưng không thể tính toán máy móc cứ bao nhiêu người dân tương ứng với bấy nhiêu công chức, viên chức. Theo bà, cần giải quyết vấn đề này thế nào?

+ Bên cạnh chỉ số từng việc làm tương ứng số lượng nhân sự và trình độ, phải rà soát, phân tích tỉ mỉ xem mỗi chức năng, đơn vị nào, những ai thực hiện có bị chồng chéo không. Nếu có hiện tượng chồng chéo từ sắp xếp lại, cắt bớt đi. Từ đó, xây dựng chức danh nghề nghiệp, chỉ số làm việc cho mỗi vị trí công tác.

Dân số trung bình tại một quận, huyện của TP.HCM đông gấp 3,2 lần một quận, huyện cả nước. Mỗi biên chế phải phục vụ nhiều dân hơn hẳn các địa phương khác dẫn tới tình trạng quá tải nghiêm trọng hiện nay. Đồ họa: HỒ TRANG

Dân số trung bình tại một quận, huyện của TP.HCM đông gấp 3,2 lần một quận, huyện cả nước. Mỗi biên chế phải phục vụ nhiều dân hơn hẳn các địa phương khác dẫn tới tình trạng quá tải nghiêm trọng hiện nay. Đồ họa: HỒ TRANG

Không thể tính toán một cách máy móc dân số đông đến đâu thì số lượng công chức, viên chức lớn theo đến đó. Không thể tư duy theo hướng: Biên chế cho đô thị 1 triệu người dân thì gấp đôi biên chế cho đô thị 500.000 người dân. Ngoài dân số, cần xem xét mức độ phức tạp của công việc để bố trí người hợp lý. Ví dụ, đối với những khu dân cư ổn định thì không cần đội quản lý trật tự xã hội hoặc chỉ cần ít người. Những nơi đã ứng dụng công nghệ thông tin phổ biến thì không cần nhiều người nhưng lại yêu cầu trình độ nhân lực phải cao.

. Cũng về ứng dụng công nghệ thông tin, có ý kiến cho rằng cần đẩy mạnh xây dựng chính quyền số để tăng tốc độ giải quyết, đơn giản hóa thủ tục, tiết giảm nhân lực thay vì tăng biên chế?

+ Rõ ràng ứng dụng công nghệ số trong mọi lĩnh vực điều hành, quản lý hành chính thì giảm được biên chế rất nhiều. Thế nhưng cần có lộ trình chia thành nhiều giai đoạn ứng dụng công nghệ số để giảm biên chế với số lượng cụ thể.

Khi đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thì sẽ từng bước cắt giảm được nhân lực. Đơn cử sau này ứng dụng hệ thống điều hành bằng công nghệ thông tin từ cấp TP xuống quận, phường thì có thể họp online; các chức năng, nhiệm vụ trở nên đơn giản hơn, thậm chí có thể tiết giảm quy trình, đầu việc.

. Từ góc độ của người nhiều năm nghiên cứu về cơ chế, chính sách, bà có thể chỉ ra những vướng mắc cụ thể trong việc hướng đến tự chủ biên chế cán bộ, công chức, viên chức của TP.HCM?

+ Cũng như nhiều lĩnh vực khác, biên chế cán bộ, công chức, viên chức của TP đang vướng những quy định chung, cụ thể như Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Hiện chưa có Luật chính quyền đô thị làm cơ chế hoạt động cho đô thị. Với tình hình hiện nay, cơ chế dành cho đô thị cũng như nông thôn, phải có cơ chế riêng, phù hợp với đặc thù đại đô thị thì mới giải quyết được vướng mắc.

Cần tham khảo cơ chế - khoán biên chế

. Theo khảo sát của bà, các đô thị lớn trên thế giới xây dựng cơ chế tự chủ đối với biên chế công chức, viên chức như thế nào?

+ Nhiều đại đô thị trên thế giới giải quyết vấn đề này đơn giản, đó là triển khai cơ chế khoán. TP được khoán một khoản ngân sách và không phải xin ai nữa. Dựa trên tổng ngân sách của cả TP, thị trưởng ra quyết định chi cho điện, nước, dịch vụ dân cư… mỗi ngành một khoản. Dựa trên ngân sách được khoán, mỗi ngành tự cân đối, phân bổ đảm bảo bộ máy vận hành và phát triển, đảm bảo thu nhập cho công chức, viên chức. Cơ chế này cho quyền quyết định nhanh từ đó đạt được hiệu quả cũng nhanh.

Biên chế theo số dân thay vì đơn vị hành chính

Từ nhiều năm trước, khi nghiên cứu về chính quyền đô thị, tôi nhận thấy chính quyền đô thị khác ở tỉnh, bởi vì đô thị có đặc trưng tập trung dân cư đông đúc. Mặt khác, điều kiện ở quận rất khác so với điều kiện ở huyện và chính quyền quận phải giải quyết các vấn đề như quy hoạch đô thị, an sinh xã hội phát sinh.

Với mật độ dân số cao như TP.HCM, tỉ lệ dân số trên một công chức, viên chức lớn hơn nhiều địa phương khác. Biên chế cho quận, phường của TP mà chỉ như huyện, xã ở nơi khác thì không hợp lý. Về quy mô quản lý, một người không đảm nhiệm được số lượng người dân lớn như vậy. Cần xem lại để lựa chọn chỉ số biên chế theo dân thay vì theo đơn vị hành chính cào bằng.

PGS-TS NGUYỄN THỊ CÀNH

Cơ chế của chúng ta hiện nay là có khoán nhưng muốn đầu tư lại đụng quy định về đầu tư công, phải hỏi ý kiến trung ương, các bộ, ngành và không thể quyết định nhanh chóng.

Vì vậy, chúng ta mới bàn việc xây dựng và thông qua cơ chế đặc thù. Cơ chế này để cho TP.HCM quyền quyết định, từ đó kiếm tiền chứ không phải xin tiền.

. Khoán biên chế theo từng cấp có phải cũng là cách để nâng cao thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức không, thưa bà?

+ Đúng thế, vì các cấp và đơn vị được quyền quyết định biên chế, thu nhập, ít phụ thuộc vào mặt bằng chung. Trong cơ chế này, một người làm ba việc thì thu nhập phải gấp đôi, không như bây giờ cũng việc đó mà chia ba người làm thì lấy đâu ra thu nhập cao.

Mục đích của cơ chế khoán là tạo động lực mạnh để cải thiện bộ máy, nâng cao trách nhiệm, năng suất của từng cán bộ, công chức, viên chức. Việc này cũng tránh được tồn tại hiện nay như tăng lương, tăng hệ số lương nhưng một bộ phận công chức, viên chức không làm việc tích cực, né tránh trách nhiệm.

Cần tính toán lại TP đông dân thì cần bao nhiêu cán bộ, công chức, viên chức. Cần đi vào cụ thể tổng dân số, tổng số người vãng lai, độ phức tạp đời sống xã hội thế nào.

. Xin cám ơn bà.

.....................................

Khai thông tình trạng quá tải cho TP.HCM

Trong thời điểm TP.HCM tổng kết Nghị quyết 54 về cơ chế tự chủ và xây dựng cơ chế mới ưu việt hơn, tình trạng quá tải trong việc giải quyết thủ tục hành chính và thu nhập thấp khiến một số công chức, viên chức rời bỏ khu vực công thu hút nhiều ý kiến mổ xẻ, góp ý.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, từng phân tích: Cả nước có 705 quận, huyện, TP trực thuộc; bình quân mỗi quận, huyện có 137.000 người dân còn bình quân một quận, huyện của TP.HCM có 441.000 người dân. Tức dân số quận, huyện của TP bằng 3,2 lần dân số quận, huyện bình quân cả nước.

Áp lực này gây ra tình trạng quá tải hoặc sai sót, trục trặc trong giải quyết hồ sơ hành chính.

Một số quận, huyện, phường, xã của TP có dân số cực lớn. 10 quận, huyện có dân số từ 450.000 người trở lên, năm xã có dân số từ 100.000 người trở lên. Tiêu biểu như quận Bình Tân có dân số 811.000 người, gấp khoảng năm lần bình quân một quận cả nước. Có những cơ quan làm thêm giờ vẫn không giải quyết hết việc.

Đi cùng với sự quá tải của các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính là tình trạng không ít cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc vì áp lực lớn trong khi thu nhập không đủ sống. Ngay cả cơ chế thu nhập tăng 1,8 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ nếu được áp dụng triệt để cũng không thể đáp ứng nhu cầu của cuộc sống trong cơn bão giá hiện nay.

Hai bài toán khó này có thể được giải quyết bằng việc trao quyền để TP.HCM tự quyết định tổng biên chế và phân bổ số lượng cán bộ, công chức, viên chức theo tình hình thực tế tại mỗi đơn vị. Đi cùng với đó là cơ chế khoán ngân sách như nhiều đại đô thị trên thế giới đã làm, để các đơn vị tối ưu hóa chất lượng công việc của mỗi thành viên, từ đó vừa đảm bảo đủ người vừa tiết kiệm tối đa nhân sự, nâng cao thu nhập.

Muốn vậy, cơ chế của TP phải độc lập, không phụ thuộc vào các cơ quan trung ương và hàng loạt quy định chung cho những địa phương khác.

Thực tế, TP.HCM không đơn độc trên hành trình xây dựng và thuyết phục thông qua cơ

chế ấy. Bà Trương Thị Mai, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, mới đây khẳng định sắp tới khi có văn bản chính thức sẽ giao cho Ban Thường vụ cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, địa phương toàn quyền quyết định biên chế.

Tương tự việc cấp ngân sách, sau khi được giao một con số biên chế, các cơ quan sẽ họp Ban Thường vụ để tính toán số biên chế từng nơi và chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị. Năm 2026 sẽ cố gắng chuyển thêm một bước là biên chế được quyết định hoàn toàn dựa trên vị trí việc làm, chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan. Đây là lần đầu tiên thống nhất biên chế của toàn hệ thống chính trị, có quy định về quản lý biên chế.

Trước đó, Chính phủ đã có chỉ đạo đẩy mạnh cổ phần hóa những đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp thành công ty cổ phần. Với mô hình này, cơ chế khoán biên chế và nâng cao thu nhập càng có cơ hội được áp dụng.

Tình trạng quá tải công việc, thu nhập không giữ chân được nhân lực, không thu hút được người tài tại nhiều cơ quan nhà nước ở TP.HCM đang như dòng chảy nghẽn lại đòi hỏi khai thông nhanh chóng. Bởi vì TP tắc nghẽn đồng nghĩa khả năng cả nước gặp khó.

Những mong mỏi của TP đầu tàu kinh tế phù hợp với xu thế chung bắt đầu được thúc đẩy trên cả nước, cũng như mô hình thành công của nhiều đại đô thị trên thế giới.

ĐỒNG TUYẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm