Chiều 10-8, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Bộ GTVT tổ chức họp với 13 tỉnh, thành chuẩn bị tổ chức hội nghị chuyên đề về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại TP Cần Thơ.
Một trong những vấn đề được đưa ra góp ý về kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải của vùng giai đoạn 2016-2020 là lĩnh vực hàng không. Theo đó, kế hoạch sẽ thực hiện bốn dự án với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 5.000 tỉ đồng bằng vốn của doanh nghiệp. Trong đó có dự án đầu tư xây dựng sân bay An Giang với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 3.000 tỉ đồng.
Đại diện tỉnh An Giang cho rằng từ nay tới năm 2030 thì nên làm thông thoáng quốc lộ 91 để đi sân bay Cần Thơ cho thuận lợi. Sau năm 2030 mới tính đến việc đầu tư xây dựng sân bay An Giang.
Ông Trần Hữu Hiệp góp ý tại cuộc họp chiều 10-8. Ảnh: N.NAM
Đồng ý kiến này, ông Trần Hữu Hiệp - Vụ Trưởng Vụ Kinh tế (Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ) cho rằng cân nhắc lại việc đưa vào dự án đầu tư sân bay An Giang vì tổng mức đầu tư lớn, hơn 3.000 tỉ đồng, chiếm hơn 60% tổng mức đầu tư vào lĩnh vực hàng không.
“Nếu tập trung vào việc xây dựng sân bay An Giang sẽ mất vốn nhiều, trong khi bức xúc về lĩnh vực này không nhiều. Năm năm tới chúng ta chưa cần sân bay ở An Giang vì vốn đầu tư quá lớn. Về khoảng cách địa lý thì xung quanh An Giang có các sân bay Cần Thơ, Rạch Giá, Phú Quốc với bán kính rất gần. Mặt khác, có ý kiến cho rằng quy hoạch sân bay An Giang gần biên giới cũng cần phải cân nhắc lại. Do đó, việc đưa xây dựng sân bay An Giang vào kế hoạch năm năm tới cần hết sức cân nhắc” - ông Hiệp góp ý.
Cạnh đó, ông Hiệp cũng góp ý, trong kế hoạch đã đưa ra các danh mục dự án về đường bộ ưu tiên đầu tư trong năm năm tới. Tuy nhiên, trong những vấn đề ưu tiên đó thì “tôi cho rằng bức xúc nhất là ưu tiên cho những dự án đang đầu tư dở dang, chưa hoàn thành. Thứ hai là còn 60 xã trong 9/13 tỉnh, thành chưa có đường ô tô vào đến nơi. Vậy năm năm tới cần đầu tư dứt điểm cái này hay không? Thứ ba là cần có danh mục dự án giao thông liên kết vùng”.