Cần nhận diện rõ hơn tham nhũng trong xây dựng chính sách

(PLO)- Có ý kiến cho rằng cần nhận diện rõ hơn hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách để ngăn "virus tham nhũng" lây lan.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ và Trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay”.

Đại biểu Quốc hội vi phạm pháp luật: Nhận diện rõ tham nhũng trong xây dựng chính sáchhoi-thao-tham-nhung-kiem-soat-quyen-luc 3.jpg
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: ĐH Kinh tế- Luật TP.HCM

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, cho biết hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học, nhà quản lý và các chuyên gia trao đổi, thảo luận để tìm ra giải pháp, hoàn thiện các cơ chế kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.

Nêu ý kiến, ThS. Lê Văn Phúc, Phân viện Học viện hành chính quốc gia tại TP.HCM, cho rằng một khi không có giải pháp đúng đắn và kiên quyết, vấn nạn tham nhũng sẽ không thể bị đẩy lùi.

"Tham nhũng là loại "virus chính trị" đáng sợ. Đáng sợ nhất là tham nhũng ngay trong cơ quan phòng chống tham nhũng..." - ThS. Lê Văn Phúc nói.

Ông nhìn nhận, tham nhũng ở nước ta hiện đã trở thành “quốc nạn”. Ông liệt kê hàng loạt vụ án liên quan tới tham nhũng trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đất đai, tài chính... và cho là tham nhũng sẽ gắn liền với quan liêu, khuynh hướng thân hữu.

Từ đó, ông cho rằng cần phải siết việc kiểm soát quyền lực, hạn chế sự lây lan của "virus tham nhũng" bằng việc đột phá trong tư duy lý luận, có cơ chế dư luận xã hội, tức là cần tính đến yếu tố công khai.

Tiếp cận ở góc nhìn về tham nhũng trong xây dựng pháp luật, TS Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng viện Chiến lược và khoa học thanh tra, cho rằng trong bất kỳ thể chế chính trị nào cũng tồn tại các nhóm lợi ích, nhóm thân hữu khác nhau luôn tìm cách tác động vào chính sách để mang lại lợi ích cho nhóm mình.

Ông cũng đưa ra các dấu hiệu để nhận diện bản chất của tham nhũng trong xây dựng pháp luật. Đó là hành vi diễn ra trong toàn bộ quá trình của hoạt động xây dựng pháp luật như nêu ý tưởng chính sách, đề xuất chính sách, soạn thảo chính sách…

Mục tiêu vụ lợi của hành vi tham nhũng trong xây dựng chính sách pháp luật thường là mục tiêu sâu xa, chưa thực hiện nhưng sẽ đạt được trên thực tế vì lợi ích không chính đáng đó đã được cài cắm vào nội dung văn bản quy phạm pháp luật sẽ được ban hành trong tương lai.

Đại biểu Quốc hội vi phạm pháp luật: Nhận diện rõ tham nhũng trong xây dựng chính sách-hoi-thao-tham-nhung-kiem-soat-quyen-luc.jpg
TS Nguyễn Quốc Văn cho rằng cần nhận diện rõ hành vi tham nhũng trong xây dựng pháp luật. Ảnh: ĐH Kinh tế- Luật TP.HCM

Cũng theo ông, các biểu hiện của hành vi tham nhũng trong xây dựng pháp luật khó phát hiện nhưng hậu quả thì lớn. Nó làm cho môi trường kinh doanh trở nên thiếu bình đẳng, cản trở sự phát triển lành mạnh của doanh nghiệp.

Ông cũng chỉ ra cấp độ cao nhất của tham nhũng trong xây dựng chính sách, pháp luật là lũng đoạn nhà nước, làm biến đổi, méo mó các quy tắc pháp lý và đạo đức, tác động tiêu cực lên toàn xã hội.

“Thời gian qua, không ít đại biểu quốc hội Việt Nam vi phạm pháp luật nghiêm trọng bị bãi miễn, không được xác nhận tư cách đại biểu, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự ít nhiều đều liên quan tới lợi ích nhóm, lạm dụng chức vụ, quyền hạn có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật” - ông nêu.

Tăng tính độc lập cho cơ quan giám sát

Còn theo ThS. Nguyễn Nhật Khanh, Khoa luật, Trường ĐH Kinh tế- Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, các quy định về hoạt động giám sát xã hội chưa tạo được sự độc lập của các chủ thể giám sát đối với hoạt động công vụ của các cơ quan nhà nước.

415016313-307667354976481-3053307920799341466-n-4931-5426.jpg
Th.S Nguyễn Nhật Khanh cho rằng cần cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật bảo đảm được tính độc lập của các chủ thể thực hiện giám sát. Ảnh: ĐH Kinh tế- Luật TP.HCM

Ông đơn cử MTTQ Việt Nam chưa thể hiện đầy đủ với tư cách là thiết chế quan trọng bậc nhất trong cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; vẫn còn phụ thuộc vào chính đối tượng bị giám sát là các cơ quan hành chính nhà nước về ngân sách, biên chế nên khó có tính độc lập.

Cùng đó, các quy định hiện hành chưa xây dựng được cơ chế phối hợp hiệu quả giữa hai loại hình giám sát xã hội với giám sát nhà nước để kiểm soát quyền lực của các cơ quan hành chính.

Ngoài ra, trình tự, thủ tục thực hiện hoạt động giám sát, pháp luật chưa tạo ra cơ chế công khai, cung cấp thông tin trong hoạt động giám sát, chưa xác định rõ trình tự, trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc tiếp nhận giải quyết kiến nghị giám sát…

Theo ông, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật bảo đảm được tính độc lập của các chủ thể thực hiện giám sát.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm