Ngày 17-9, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH) đã họp phiên toàn thể lần thứ 17 để thẩm tra dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự thảo Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND.
Đại biểu Chu Sơn Hà (Phó Trưởng Đoàn đại biểu QH TP Hà Nội) đề nghị quy định về vận động bầu cử trong dự thảo cần phải thật chặt chẽ để đảm bảo bầu cử công bằng, khách quan.
Ông Hà kể: Tôi từng chứng kiến bầu đại biểu HĐND ở xã thôi mà bà con trong họ đã cầm phiếu đi lãnh được xị rượu hoặc hai củ sắn, ít lạc rang… khi ủng hộ người trong họ mình vào làm “quan xã”. Rồi nhiều ứng cử viên làm doanh nghiệp trước khi bầu cử đã đi xuống hứa hẹn tài trợ, từ thiện cho địa phương nơi này, nơi kia vài chục triệu đồng, “cài cắm” như thế thì làm sao những ứng cử viên khác cạnh tranh nổi. Ứng cử viên do cơ quan nhà nước giới thiệu “vào là khó ăn rồi” nên rớt chứ đâu trúng cử được.
Các đại biểu đang thảo luận tại phiên họp sáng 17-9.
Ông Hà đề xuất có quy định cụ thể, tất cả khoản hỗ trợ (nếu doanh nghiệp của ứng cử viên có lòng tốt) thì phải gửi về đầu mối MTTQ quản lý và sẽ chuyển đến địa chỉ được tài trợ sau ngày diễn ra bầu cử.
Một số thành viên Ủy ban Pháp luật QH cũng góp ý cần cụ thể hóa hơn nữa cơ cấu phân bổ, quy trình giới thiệu đại biểu ứng cử vào QH, vì đã có phát sinh khiếu nại trong việc giới thiệu đại biểu khối trung ương về ứng cử ở địa phương, có hiện tượng “chạy đua” đăng ký để về đơn vị bầu cử nào dễ trúng cử. Ứng cử viên không trúng cử đã khiếu nại rằng bị “cố tình” đưa về ứng cử ở địa phương khó.
Ông Hà Minh Sơn, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu - Ủy ban Thường vụ QH, cho biết với nhiều thận trọng, dự thảo Luật Bầu cử đã quy định nội dung tuyên truyền, vận động bầu cử thành một chương riêng, cụ thể hóa phương thức tổ chức tiến hành vận động bầu cử, những hành vi bị cấm trong khi vận động bầu cử.
Dự luật này đưa ra hai hình thức: Vận động bầu cử thông qua hội nghị cử tri do MTTQ VN tổ chức và vận động bầu cử trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong quá trình soạn thảo có ý kiến đề nghị bổ sung thêm hình thức người ứng cử trực tiếp tiếp xúc cử tri để tự mình tiến hành vận động. Tuy nhiên, do cách thức tổ chức bầu cử ở nước ta có đặc thù riêng, người do tổ chức, cơ quan nhà nước giới thiệu ra ứng cử sẽ không có điều kiện tự vận động bầu cử như người tự ứng cử. Do đó, để đảm bảo công bằng, khách quan thì không nên quy định hình thức người ứng cử tự mình vận động bầu cử.
Ông Lê Minh Thông - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH cho biết nhiều thành viên ủy ban đã đề nghị bổ sung một số điều kiện mang tính ràng buộc trách nhiệm đối với người tự ứng cử, để hạn chế việc tùy tiện, thiếu nghiêm túc trong thực hiện quyền ứng cử, tránh tình trạng tự ứng cử tràn lan gây phức tạp, lãng phí trong công tác tổ chức bầu cử. Kinh nghiệm của nhiều nước thì người tự ứng cử phải thu thập được chữ ký đồng tình của một số lượng nhất định cử tri tại nơi dự kiến ứng cử.
BÌNH MINH
Đề nghị giao việc quản lý tòa án địa phương về cho Chính phủ Tại phiên họp này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã báo cáo xin ý kiến về ba vấn đề còn nhiều quan điểm khác nhau trong dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (CP). Trong đó, CP đề nghị không quy định cụ thể tên gọi và số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ trong cơ cấu tổ chức của CP mà giao cho CP quyết định để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của CP trong từng giai đoạn phát triển của đất nước. Không quy định “cứng” chức năng của bộ, cơ quan ngang bộ làm đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước mà CP sẽ đại diện và phân công cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, ngành. Riêng về các tòa án địa phương hiện đang do TAND Tối cao quản lý theo mô hình ngành dọc. Để đảm bảo nguyên tắc tòa án xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, hạn chế sự can thiệp vào quá trình xét xử của tòa án cấp trên đối với tòa án cấp dưới, CP cũng đề nghị giao việc quản lý tòa án địa phương về cho CP. Vì trước đây đã có thời kỳ QH giao cho CP thống nhất quản lý tòa án địa phương (Bộ Tư pháp thực hiện chức năng, nhiệm vụ này). Về các vấn đề trên, đa số ý kiến đại biểu tán thành phương án quy định “mềm” về cơ cấu, chức năng bộ - ngành để giao quyền chủ động cho CP quyết định phù hợp với tình hình phát triển đất nước. Tuy nhiên, nhiều ý kiến yêu cầu CP phải giải trình rõ hơn, thuyết phục hơn về việc chuyển giao quản lý tòa án địa phương từ TAND Tối cao về CP. Đồng thời, cần làm rõ về phân cấp chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ - ngành với chính quyền địa phương. |