Mạng lưới cao tốc kết nối phía Nam - Bài 2

Cần sớm đồng bộ hệ thống cao tốc kết nối TP.HCM

Hàng loạt dự án cao tốc như TP.HCM - Mộc Bài; TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (giai đoạn 2); TP.HCM - Chơn Thành; khép kín vành đai 2, vành đai 3... trở thành nhiệm vụ trọng tâm của ngành giao thông trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó, TP.HCM có vai trò vô cùng quan trọng trong việc là đầu mối kết nối các tuyến này.

Sơ đồ năm tuyến cao tốc kết nối TP.HCM đi các tỉnh lân cận.
Đồ họa: HỒ TRANG

Vai trò quan trọng của TP.HCM

Ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT, thuộc Trường ĐH Việt Đức, nhận định: TP.HCM là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước, đóng góp 1/3 ngân sách quốc gia. Đây là một siêu đô thị thực sự với hơn 10 triệu dân, tỉ lệ đô thị hóa gần 90% (Hà Nội khoảng 60%). Xung quanh TP.HCM là các tỉnh, thành rất phát triển như Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh và các tỉnh ĐBSCL.

Trong khi đó, ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất cả nước, đóng góp 80% sản phẩm nông nghiệp được xuất khẩu qua nước ngoài. Toàn bộ thị trường xuất khẩu đều đi bằng đường bộ từ ĐBSCL lên TP.HCM thông qua các cảng Cát Lái, Hiệp Phước và Cái Mép - Thị Vải.

Bên cạnh đó, các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và TP.HCM đã có hơn 30 triệu dân. Từ đó, nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ các vùng về TP.HCM sẽ ngày càng tăng. Cụ thể, tăng trung bình 10%-12%/năm, có nghĩa là cứ 5-6 năm thì nhu cầu vận chuyển sẽ tăng gấp đôi.

“Từ vấn đề trên đặt ra yêu cầu phải tăng cường mạng lưới hạ tầng giao thông cho vùng này để phục vụ sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu và du lịch. Nhà nước phải đưa ra biện pháp để giảm thiểu thời gian đi lại thông qua việc cải thiện các tuyến đường bộ, đường quốc gia bằng mạng lưới đường cao tốc” - ông Tuấn đánh giá.

Theo ông Tuấn, hiện Việt Nam đã có quy hoạch phát triển cao tốc và đã được phê duyệt, trải dài từ Bắc đến Nam. Tuy nhiên, việc phát triển cao tốc ở TP.HCM chậm hơn Hà Nội rất nhiều.

“Chúng ta cần phải so sánh và làm theo ở nước ngoài, tiêu chí xây dựng đường cao tốc như sau: Vùng nào đông dân và sản xuất GDP lớn thì ưu tiên hạ tầng giao thông cho vùng đó cả về thời gian cũng như mật độ” - ông Tuấn góp ý.

Vẫn theo ông Tuấn, để đảm bảo công bằng về phát triển vùng, miền thì Chính phủ cần có sự đánh giá ưu tiên về các vùng đầu tư. Trong đó, Chính phủ cần xây dựng tiêu chí đánh giá ưu tiên về thời điểm, mật độ đầu tư, nơi nào chưa đủ thì cần bổ sung cho phù hợp với sự đóng góp của tỉnh, thành đó.

“Hiện nay, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển ra các tỉnh lân cận trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Kéo theo đó, nhu cầu đi lại là rất lớn và TP.HCM cần khẩn trương khép kín vành đai 2 và vành đai 3 để giảm thiểu áp lực giao thông đi qua TP” - ông Tuấn phân tích.

Tương tự, kiến trúc sư - chuyên gia quy hoạch đô thị Ngô Viết Nam Sơn đánh giá: Nếu chúng ta không đầu tư vào cao tốc thì thực sự thiếu chiến lược, bởi có cao tốc thì hiệu quả kinh tế cao hơn hiện nay gấp ba lần. Vì vậy, để mang lại hiệu quả kinh tế, Nhà nước cần tập trung ưu tiên phát triển các tuyến đường cao tốc. Mà giai đoạn hiện nay cần ưu tiên phát triển cao tốc ở phía Nam, trong đó TP.HCM là đầu mối kết nối quan trọng.

Kỳ vọng liên kết vùng

Ông Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tây Ninh, cho biết: Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài là một trong sáu hành lang kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong khi đó, TP.HCM là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên việc kết nối TP.HCM với Tây Ninh, đặc biệt cửa khẩu quốc tế Mộc Bài là vô cùng quan trọng.

Ông Tài lý giải: Hiện nay, quốc lộ 22 là con đường độc đạo kết nối TP.HCM với tỉnh Tây Ninh và cửa khẩu Mộc Bài. Tuy nhiên, nhiều năm nay tuyến đường đã quá tải và ùn tắc kéo dài. Từ đó, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng, sức cạnh tranh giảm.

“Tây Ninh luôn quyết tâm cùng với TP.HCM, Bộ GTVT sớm triển khai xây dựng dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Chúng tôi sẽ xây dựng thành công tuyến hành lang kết nối đông - tây phía Nam với các nước tiểu vùng sông Mekong này” - ông Tài cho biết.

Ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An, nhận định: “Tôi luôn đánh giá cao TP.HCM với vai trò trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam”.

Theo ông Tài, tỉnh Long An đã đề xuất xây dựng một số tuyến đường kết nối TP.HCM - Long An - ĐBSCL với mục tiêu đưa tỉnh Long An trở thành đô thị vệ tinh của TP.HCM. Đồng thời, các tuyến này cũng giúp Long An thu hút được nhiều nhà đầu tư, là cầu nối giao thương về kinh tế giữa Đông Nam bộ - TP.HCM và ĐBSCL.

Đại diện Sở GTVT TP.HCM cũng cho rằng TP.HCM là một trong những địa phương có nhiều cảng biển lớn. Theo đó, phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu ở khu vực đều được vận chuyển ra vào ở TP.HCM. Điều này đã gây áp lực lên hạ tầng giao thông của TP. Trong khi đó, ngân sách đầu tư cho hạ tầng giao thông bị hạn chế, nhu cầu vận chuyển cao nên nhiều năm nay giao thông TP đã bị quá tải.

Theo đó, Nhà nước cần có kế hoạch, cân đối vốn để đầu tư phát triển mạng lưới đường cao tốc khu vực phía Nam, đặc biệt là các tuyến liên vùng và kết nối TP.HCM với ĐBSCL.

Hình thành các tuyến cao tốc vành đai TP

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cũng nhận định: TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, là cửa ngõ giao thương kinh tế của cả khu vực phía Nam. TP.HCM giữ vai trò rất quan trọng trong việc kết nối, giao thương của các tỉnh ĐBSCL với Đông Nam bộ.

Hiện nay, phần lớn hàng hóa của vùng đều thông qua khu vực TP.HCM để tiêu thụ và chuyển tiếp đi các địa phương khác. Trong đó, thông qua TP.HCM có tới 70% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng Đông Nam bộ như thủy sản, lúa gạo, trái cây...

Trong thời gian tới, ngành giao thông sẽ tập trung nguồn lực để hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông nối thông từ TP.HCM đến Cần Thơ, Cà Mau. Từ đó, từng bước đầu tư để thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía tây kết nối từ Tây Nguyên đến Kiên Giang.

Thứ trưởng Bộ GTVT NGUYỄN NHẬT 

Do vậy, việc kết nối các hình thức vận tải như đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển và hàng không giữa TP.HCM nói riêng, các tỉnh Đông Nam bộ nói chung với vùng ĐBSCL là hết sức cần thiết.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật thông tin: Theo quy hoạch được duyệt, TP.HCM sẽ hình thành các tuyến cao tốc vành đai, các tuyến hướng tâm. Lúc này các phương tiện sẽ không phải đi qua trung tâm TP mà có thể kết nối trực tiếp từ các tỉnh ĐBSCL, đến các tỉnh khu vực Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Thông qua các tuyến cao tốc, vành đai mới sẽ giảm được áp lực giao thông qua trung tâm TP.

Kết nối với TP.HCM rất quan trọng

Để vùng ĐBSCL có sự bứt phá trong thời gian tới, việc hình thành các dự án hạ tầng giao thông kết nối với TP.HCM là quan trọng.

Điển hình, khi tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ được hình thành cùng với các tuyến ngang sẽ góp phần tăng năng lực vận chuyển hàng hóa, hạ giá thành sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh, giảm thời gian đi lại của người dân. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút đầu tư của Cần Thơ nói riêng và cả vùng ĐBSCL nói chung.

Ông LÊ TIẾN DŨNG, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ

Cao tốc sẽ làm tăng năng lực cạnh tranh

Từ TP.HCM đi các tỉnh ĐBSCL hiện chỉ có quốc lộ 1 là tuyến độc đạo nên thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến công tác vận chuyển hàng hóa, tăng giá thành, giảm đi tính cạnh tranh của hàng hóa ĐBSCL.

Chính những khó khăn trên làm ảnh hưởng đến việc kêu gọi, thu hút đầu tư của vùng. Các nhà đầu tư sẽ xem xét yếu tố giao thông dựa trên các tiêu chí dễ dàng tiếp cận nhà máy, vận chuyển hàng hóa thuận lợi.

Về phía tỉnh, Tiền Giang đang phối hợp với nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận để thông tuyến vào cuối năm nay, góp phần chia lửa cho quốc lộ 1.

Khi tuyến này hoàn thành sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với tỉnh Tiền Giang. Cụ thể là thúc đẩy sự hình thành các cụm, khu công nghiệp dọc hai bên cao tốc, thu hút đầu tư, góp phần tăng trưởng kinh tế tỉnh, giải quyết việc làm cho người dân.

Ông TRẦN VĂN BONGiám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang

 

Kỳ cuối: Hiến kế đưa dự án cao tốc phía Nam nhanh về đích

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới