Nêu ý kiến tại hội nghị, GS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng cần thiết phải có Luật Trưng cầu ý dân. “Trưng cầu ý dân là một trong những điều kiện cao nhất của việc thực hiện quyền dân chủ của người dân. Cần nhanh chóng thông qua dự án luật này” - bà Quỳ nói.
Theo GS-TS Mai Hồng Quỳ, hiện nay trên thế giới nói nhiều đến chuyện làm sao để nhà nước gần gũi với người dân, sát dân, hiểu được nhu cầu của dân, giải quyết những bức xúc của người dân… có rất nhiều cơ chế nhưng một trong những cơ chế đó là lắng nghe ý kiến của người dân thông qua trưng cầu ý dân.
Quan trọng hơn, theo GS Quỳ, những ngày gần đây có một vấn đề làm cho bản thân bà vô cùng băn khoăn, đó là vấn đề về niềm tin xã hội. Vì niềm tin xã hội là tài sản lớn nhất mà một nhà nước có thể tạo dựng. GS Quỳ nói: “Cùng với những vấn đề khác, đó là những cái thôi thúc, là những căn cứ để chúng ta nhanh chóng suy nghĩ về những thiết chế thực hiện quyền dân chủ của người dân, làm sao cho người dân có tiếng nói ở những chỗ cần thiết và người dân được nói những điều người dân muốn nói”.
Một vấn đề khác cũng được đưa ra tham vấn tại hội nghị này là việc bỏ phiếu trưng cầu ý dân là quyền hay gọi là nghĩa vụ. Ông Nguyễn Văn Giáp, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Tiền Giang, cho rằng việc bỏ phiếu trưng cầu ý dân là nghĩa vụ chứ không phải quyền lực. Bởi vì ở các nước phương Tây họ xem quyền và nghĩa vụ như nhau. Còn ở Việt Nam, nếu nói là quyền thì không ai đi (đi bỏ phiếu - PV), bởi vì họ vin vào cớ họ có quyền không đi. “Bởi vậy tôi đề nghị luật phải nói rõ là nghĩa vụ, bởi vì đây là trưng cầu ý dân những chuyện hệ trọng, quyết định vận mệnh của đất nước” - ông Giáp đề nghị.