Cần sớm xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

(PLO)- Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ được đầu tư theo bảy giai đoạn, tạo thành cảng trung chuyển hàng đầu có sức cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 12-5, UBND TP.HCM đã tổ chức hội thảo đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của nhiều lãnh đạo các cấp, chuyên gia đầu ngành trong hạ tầng, cảng biển.

Đầu tư cảng biển hơn 5,45 tỉ USD

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết thời gian qua hệ thống cảng biển đã được xây dựng đồng bộ, khai thác hiệu quả. Trong đó, cảng Tân Cảng - Cát Lái đạt 5 triệu TEU/năm, nằm trong top 22 cảng lớn nhất thế giới.

Theo ông Cường, huyện Cần Giờ giáp với Biển Đông, có tuyến hàng hải quan trọng, hội tụ đầy đủ điều kiện để phát triển cảng biển cửa ngõ quốc gia và cảng biển cửa ngõ quốc tế. Hơn hết, Cảng biển trung chuyển quốc tế Cần Giờ cũng nằm trong nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội xác định nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên các cơ sở về chính trị, pháp lý và thực tế, UBND TP đã giao nhiệm vụ cho Sở GTVT TP nghiên cứu và nay đã hình thành.

Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ của đơn vị tư vấn Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển. Ảnh: Đơn vị tư vấn cung cấp

Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ của đơn vị tư vấn Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển. Ảnh: Đơn vị tư vấn cung cấp

“Tôi đề nghị các đơn vị tập trung đánh giá tiềm năng, nhu cầu phát triển cảng biển quốc tế ở huyện Cần Giờ. Bên cạnh đó là giới thiệu mô hình cảng nước sâu thành công trên thế giới, những điều kiện thuận lợi và khó khăn để TP có thể áp dụng trong tương lai. Từ đó, TP có thể điều chỉnh quy hoạch phù hợp với nhu cầu phát triển, quy định nhà nước của huyện Cần Giờ một cách bền vững, hiệu quả lâu dài” - ông Cường nói.

Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế kỹ thuật biển Porcoast, cho biết dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nằm ở cửa sông Cái Mép, thuộc xã Thạnh An, huyện Cần Giờ với diện tích hơn 93 ha. Tổng chiều dài khoảng 7,2 km, phù hợp cho cỡ tàu từ 250.000 DWT. Dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 5,45 tỉ USD, được đầu tư theo bảy giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ hoàn thành vào năm 2027 và giai đoạn 7 sẽ hoàn thành vào năm 2045.

Theo ông Tuấn, cảng trung chuyển quốc tế đã nằm trong quy hoạch hơn 20 năm nhưng đến nay chưa thực hiện được. Tuy nhiên, để hình thành một cảng trung chuyển quốc tế, cần hội tụ đầy đủ yếu tố như vị trí địa lý, sự tham gia của hãng tàu vận tải, tiêu chí về hoạt động khai thác, giao thông kết nối cảng, thời gian vận chuyển, chi phí… Hiện cảng Cần Giờ đáp ứng đủ các tiêu chí trên.

“Cần Giờ có đường thủy vô cùng thuận lợi nhưng đường bộ lại vô cùng hạn chế và nếu muốn phát triển cảng Cần Giờ cần cung cấp giao thông kết nối. Theo đó, từ nay đến năm 2030 sẽ khai thác cảng Cần Giờ hoàn toàn theo đường thủy. Sau năm 2030, hệ thống giao thông đường bộ kết nối đồng bộ với cảng Cần Giờ theo quy hoạch chung của TP” - ông Tuấn nói.

Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nằm ở cửa sông Cái Mép, thuộc xã Thạnh An, huyện Cần Giờ với diện tích hơn 93 ha.

Cảng Cần Giờ cần gắn với cảng Cái Mép - Thị Vải

Góp ý tại hội thảo, TS Trần Du Lịch cho rằng khu cảng Cần Giờ rất thuận lợi và nhà đầu tư tham gia vào dự án cũng là doanh nghiệp hàng đầu.

“Nơi nào quy hoạch và nhà đầu tư cùng gặp nhau thì nơi đó sẽ thành công. Vì vậy, khu cảng Cần Giờ là một nơi cực kỳ tốt, vấn đề là làm sao để đẩy nhanh tiến độ dự án. Đến nay, thành công nhất của chúng ta là đã đưa dự án vào quy hoạch. Dự án quá lớn, vậy làm sao để vừa làm được cảng vừa phải giữ môi trường để đưa Cần Giờ thành khu vực tiềm năng thực sự?” - TS Trần Du Lịch bày tỏ.

Theo TS Trần Du Lịch, không nên cho rằng cảng Cái Mép - Thị Vải của Bà Rịa-Vũng Tàu và cảng Cần Giờ của TP.HCM, mà coi đây là cảng của Việt Nam. Hai cảng như hai bộ phận cấu thành cho một tổng thể, hình thành cảng quốc tế của cả vùng. Nếu đặt vấn đề như vậy thì sẽ tiếp cận và mang lại hiệu quả cho ngành logistics. Từ đó, giúp cho đề án xây dựng cảng Cần Giờ hiệu quả, tạo sức bật cho cả vùng Đông Nam Bộ.

Tương tự, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết vận tải đường biển chiếm tỉ trọng rất lớn. Hiện TP.HCM đang thực hiện rất tốt, đặc biệt TP có lợi thế về cảng. “Chúng ta cần nhìn Cần Giờ là một thực thể gắn liền với Cái Mép - Thị Vải, sau này có thể là cụm cảng Cần Giờ - Cái Mép. Vì vậy, cần sự phối hợp, điều phối, liên kết vùng giữa các đơn vị liên quan với nhau” - ông Hải nói.

Ông Hải cũng cho rằng hiện hạ tầng giao thông Cần Giờ chưa có và vì đây là cảng trung chuyển quốc tế nên cần hạ tầng sau cảng. “Vấn đề đặt ra là làm sao để nhanh chóng hoàn thành dự án này, nếu hoàn thành vào năm 2027 vẫn còn chậm. Chúng ta cần chớp lấy thời cơ, biến tiềm năng đó thành cơ hội phát triển kinh tế, phát triển ngành logistics Việt Nam” - ông Hải nói.

Theo TS Phạm Xuân Mai, TP cần sớm triển khai Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. TP đã và đang triển khai hàng loạt dự án có tổng mức đầu tư rất lớn. Vì vậy, cảng Cần Giờ với tổng mức đầu tư hơn 5,4 tỉ USD hoàn toàn có thể làm được và cần làm càng sớm càng tốt.•

Chỉ định doanh nghiệp có năng lực tài chính góp vốn đầu tư, điều hành

Cần Giờ có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên phù hợp với mô hình một cảng trung chuyển quốc tế tầm khu vực và thế giới. Chúng tôi kiến nghị lãnh đạo TP xem xét chỉ định, phân công các doanh nghiệp TP có năng lực tài chính, kinh nghiệm tham gia góp vốn đầu tư, điều hành, vận hành.

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nên học tập mô hình của PSA Singapore. Nghĩa là không phân chia thành nhiều chủ thể hoặc nhiều dự án thành phần nhằm tập trung cao về quy mô, trình độ khai thác, nâng cao năng lực cạnh tranh với khu vực.

Ông LÊ DUY HIỆP, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm