Cần tăng ngân sách để lại cho TP.HCM vì 'chưa có đường vành đai nào xong'

(PLO)- Bà Phạm Phương Thảo nhìn nhận phường, xã ở TP.HCM không chỉ thiếu người mà còn thiếu tiền; do đó tỉ lệ điều tiết ngân sách phải để lại cho TP không nên chỉ là 21% mà ít nhất phải bằng Hà Nội với 32%.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 30-7, Học viện Cán bộ TP.HCM phối hợp cùng cơ quan thường trực Tạp chí cộng sản tại miền Nam tổ chức hội thảo khoa học về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM theo tinh thần Nghị quyết 54/2017.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu, chuyên gia đã đóng góp để TP.HCM đề xuất một cơ chế mới thay thế Nghị quyết 54.

Phường, xã không chỉ thiếu người mà còn thiếu tiền

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, đặt vấn đề: “Không ở đâu mà ba đột phá chiến lược vẫn còn là ba điểm nghẽn như ở TP.HCM”.

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: LÊ THOA

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: LÊ THOA

Theo bà Thảo, có những việc vượt ra ngoài Nghị quyết 54, thậm chí đụng tới cơ chế, chính sách, pháp luật, đòi hỏi phải xử lý, phải gỡ ở tầm cao, kể cả tầm của Bộ Chính trị.

“Phải có ý chí quyết tâm chính trị mới gỡ được các điểm nghẽn của TP” - bà Thảo nói và cho rằng cần giảm bớt “cơ chế xin - cho”, nghị quyết mới phải tạo sự chủ động cho TP.

Bà Phạm Phương Thảo cho rằng một trong những vấn đề cần phải giải quyết nhanh là gỡ khó về biên chế, nhất là cán bộ công chức, người làm việc không chuyên trách ở phường, xã theo một tiêu chí thống nhất về quy mô dân số và tính chất phức tạp của công việc.

“Làm sao để xử lý vấn đề biên chế mà Bộ (Bộ Nội vụ - PV) nói dôi dư nhưng TP.HCM nói không dôi dư” – bà nêu và dẫn chứng có khi một phường ở TP chỉ 20.000 dân nhưng công việc phức tạp, mỗi ngày xử lý hàng ngàn văn bản, mỗi năm đón mấy trăm ngàn khách du lịch. Điều đó buộc cán bộ phải làm xuyên đêm, ngay cả cán bộ đóng dấu cũng gặp áp lực tâm lý.

Bà Thảo đề xuất trước mắt nên giao cho TP chủ động biên chế bởi trả lương cho cán bộ phường, xã là do TP chủ động theo ngân sách của TP, do Thành uỷ thống nhất chỉ đạo và HĐND TP quyết định.

Song song đó, bà nhìn nhận phường, xã ở TP không chỉ thiếu người mà còn thiếu tiền. Bà đề xuất tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TP không nên chỉ là 21% mà ít nhất phải bằng Hà Nội với 32%, vì năm 2003 TP từng được nhận 33%.

Trong khi đó, cơ sở vật chất của Hà Nội đã đàng hoàng, Vành đai 3 cũng thực hiện xong, còn TP.HCM thì “chưa có đường vành đai nào xong”. Thậm chí phần thu vượt cũng nên để lại hết cho TP.HCM để làm hạ tầng, giảm quá tải.

Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM cũng đề xuất phải làm mạnh hơn các giải pháp thu hồi mặt bằng nhà đất do bộ, ngành trung ương quản lý. Bà gợi ý TP có thể xử lý về mặt Đảng trong trường hợp Đảng bộ trực thuộc TP.

“Mặt bằng chưa giao, sử dụng không đúng mục đích, gây lãng phí mà hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hết à!” – bà đặt vấn đề và cho rằng có thể đăng công khai, minh bạch các địa chỉ này cho người dân biết.

Thí điểm dịch vụ casino

Tháo gỡ các khó khăn về tài chính cho TP, PGS.TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Maketing, đề nghị cho phép TP.HCM thí điểm đánh thuế tài sản đối với các nhà ở, giao dịch nhà vì giá trị nhà của TP lớn. Ông cho rằng đây sẽ là nguồn thu rất lớn cho TP.

PGS.TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Maketing. Ảnh: LÊ THOA

PGS.TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Maketing. Ảnh: LÊ THOA

Đồng thời, lấy kinh nghiệm từ Trung Quốc, cho phép TP thu thuế phần giá trị thặng dư từ việc đầu tư cơ sở hạ tầng như đường giao thông, đường sắt đô thị… Ông cũng đề xuất TP thí điểm thu phí từ rác thải cacbon và để lại 100% cho TP.

Đáng chú ý, PGS.TS Phạm Tiến Đạt đề xuất TP.HCM thí điểm thực hiện các dịch vụ liên quan đến cá cược, casino, vui chơi cộng đồng. Ông dẫn chứng theo kinh nghiệm tại Phú Quốc, tỉ lệ thu ngân sách từ dịch vụ này rất lớn.

Ông cũng gợi ý việc thí điểm cho tư nhân đầu tư toàn bộ cơ sở hạ tầng và nhà nước sẽ thuê, mua lại vì nếu dùng ngân sách nhà nước đầu tư thì cơ chế sẽ rất lâu… Hiệu trưởng trường Đại học Tài chính – Maketing tin tưởng nếu TP có các cơ chế này thì tỉ lệ thu ngân sách cho TP sẽ gia tăng lên nhiều.

Đề xuất đi “lòng vòng qua nhiều bộ”, phải xem có lợi ích nhóm?

Theo ông Hồ Nam, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Thành uỷ TP.HCM, nếu đã gọi là cơ chế, chính sách đặc thù thì không nên đặt nặng việc thanh tra, kiểm tra, điều tra, khởi tố.

Thậm chí có những vấn đề không cần đặt nặng hình sự hoá mà cần giải trình, công khai, minh bạch, tổng kết thực tiễn, nâng cao vai trò giám sát, phản biện.

Ông Hồ Nam, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Thành uỷ TP.HCM. Ảnh: LÊ THOA

Ông Hồ Nam, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Thành uỷ TP.HCM. Ảnh: LÊ THOA

Theo ông Nam, cần thực hiện theo Kết luận 14 của Bộ Chính trị liên quan đến chính sách khuyến khích đội ngũ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm…

Đáng chú ý, qua thực tế, ông Nam nhìn nhận nhiều đề xuất của TP.HCM là hợp lý, đúng với tình hình của TP nhưng khi đi “lòng vòng qua nhiều bộ thì quay về điểm xuất phát”.

“Ý kiến phản hồi mất cả chục năm trời, có vấn đề không phản hồi; do đó không loại trừ bộ, ngành đó có lợi ích nhóm. Tại sao đề xuất đúng với tình hình TP, từ người dân, chính quyền lại để chậm trễ thế?” – ông Nam phân tích và cho rằng nếu đề xuất sai thì bác bỏ, còn đề xuất hợp tình, hợp lý, đúng với tình hình thực tế của TP thì phải xem đây là nhiệm vụ chính trị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm