Cẩn thận với thiết bị điện gia dụng

Tuy nhiên, việc sử dụng không đúng hướng dẫn, đồ dùng quá cũ hay những sự cố bất ngờ vẫn có thể xảy ra...

Không chủ quan với mọi sản phẩm gia dụng

Các nhóm thiết bị điện dễ phát sinh giật điện và cháy nổ gồm: bàn ủi, bếp điện, lò nướng, ấm điện, bình thủy điện và nồi cơm điện. Theo thiết kế, nguyên lý hoạt động của nhóm đồ dùng này là sử dụng dây đốt bên trong (điện trở) để làm nóng trực tiếp hay gián tiếp nên nguy cơ rò rỉ điện là rất cao nếu nhà sản xuất không sử dụng nguyên liệu chất lượng hoặc do lắp ráp sai kỹ thuật.

Bình thủy nhiệt, một trong những thiết bị điện dễ bị giật và chạm do rò rỉ nước.
Bình thủy nhiệt, một trong những thiết bị điện dễ bị giật và chạm do rò rỉ nước.

Nếu dây dẫn sử dụng nhựa bọc không chất lượng dễ mau bị lão hóa do nhiệt, giòn, chảy... hoặc sử dụng dây dẫn không đúng công suất thiết kế cũng gây nên hiện tượng cháy nổ. Điều đặc biệt nguy hiểm hơn khi các sản phẩm này luôn được lắp ráp và vỏ bảo vệ cũng bằng kim loại nên khi có hiện tượng chập điện bên trong sẽ nhanh chóng truyền qua người. Nhất là đối với các loại bình đun siêu tốc (sôi nhanh sau vài phút), sản phẩm này sử dụng công suất rất lớn nên mức độ rủi ro càng cao. Không chỉ vậy, nguồn dây dẫn điện và ổ cắm của gia đình đôi khi cũng không kịp đáp ứng với công suất sử dụng của các thiết bị này cũng có thể gây ra hiện tượng chập điện và cháy nổ.

Một sản phẩm cũng dễ bị chập điện và cháy nổ là loại ăngten xoay ngoài trời. Đây là một thiết bị suốt ngày phơi sương, phơi nắng nên mô-tơ rất nhanh chóng bị hư và lão hóa. Không chỉ vậy, sản phẩm này đa số là hàng trôi nổi của Trung Quốc nên chất lượng cũng không thể kiểm tra chất lượng. Đã vậy, khi sử dụng dây dẫn, người tiêu dùng lấy luôn loại dây dẫn chỉ dùng trong nhà sử dụng cho ăngten ngoài trời nên lớp nhựa bọc cũng nhanh chóng bị giòn và chảy. Dây dẫn bị chập, đến khi mưa đến sẽ nhanh chóng dẫn điện, người tiêu dùng sơ ý chạm vào đầu nối tivi, hậu quả khó lường.

Micro, hát karaoke thì vui nhưng nếu để ý, bạn sẽ thấy có hiện tượng tê tê ngay khi micro chạm vào môi hay tay đang cầm. Về bản chất, hiện tượng giật tê tê (cũng có khi giật rất mạnh) không phải do micro mà do các thiết bị điện khác như amply, đầu đĩa truyền dẫn sang.

Một vài lời khuyên

Không sử dụng quá nhiều thiết bị gia dụng cho một ổ cắm điện vì đường dây và ổ cắm sẽ quá tải, gây cháy nổ. Nên sử dụng cầu chì an toàn cho mỗi ổ cắm nhằm hạn chế rủi ro khi các thiết bị gia dụng có sự cố bên trong. Nên thay đường dây dẫn điện nếu thấy hiện tượng giòn, gãy..., nhất là đối với những đường dây tiếp xúc nhiều với ánh nắng hay ngoài trời. Nếu có thể, không sử dụng những thiết bị gia dụng quá lâu năm hay quá cũ.

Khi nghi ngờ có hiện tượng chập điện, không được đi chân đất và chạm tay ướt vào các thiết bị gia dụng mà nên dùng bút thử điện để kiểm tra. Tuyệt đối không sử dụng nếu thiết bị có hiện tượng rò rỉ điện.

Hàng ngày, hạn chế tối đa việc chạm trực tiếp vào các thiết bị điện gia dụng, nhất là bình thủy điện, nồi cơm điện, bàn ủi và nên dùng miếng đệm lót cách điện. Ngắt điện hay rút phích cắm sau khi sử dụng xong. Bạn có thể mua và lắp thêm bộ chống rò rỉ điện hay thiết bị chống giật ELCB.

NG.MẪN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm