Cần thiết ban hành Luật phòng thủ dân sự

(PLO)- Việc ban hành Luật phòng thủ dân sự là cần thiết nhưng phải tránh chồng chéo, mâu thuẫn với một số luật chuyên ngành.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 23-8, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đã tổ chức hội thảo góp ý cho dự án Luật phòng thủ dân sự. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM Hà Phước Thắng chủ trì hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đều thống nhất về sự cần thiết ban hành Luật phòng thủ dân sự. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần rà soát các quy định của pháp luật có liên quan để tránh chồng chéo, mâu thuẫn với hệ thống pháp luật.

Bà Ung Thị Xuân Hương, đại diện Hội Luật gia TP.HCM, nêu một số điểm còn trùng lặp với quy định của các luật chuyên ngành. Như Điều 5 dự án luật quy định 13 loại thảm họa, sự cố thì có một số thảm họa, sự cố được quy định tại các luật chuyên ngành (Luật Bảo vệ môi trường, Luật PCCC...).

Do đó, bà Hương cho rằng cần rà soát các quy định của pháp luật có liên quan, nhất là những nội dung được quy định cùng lúc ở nhiều văn bản để hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự sẽ không chồng chéo.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng nêu điểm chồng chéo giữa dự thảo Luật phòng thủ dân sự và Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm trong quy định về lập quỹ phòng thủ dân sự. Theo ông Hưng, cần rà soát, chỉnh sửa thống nhất những quy định đang được nhiều luật chuyên ngành cùng điều chỉnh và quy định phù hợp để đảm bảo nguồn quỹ này hoạt động hiệu quả.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, đề nghị dự thảo luật bổ sung khái niệm “phòng thủ dân sự”, vì phòng thủ dân sự là lĩnh vực rất rộng, đã được quy định ở nhiều luật chuyên ngành như: Luật Phòng chống thiên tai; Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm; Luật Phòng cháy, chữa cháy; Luật Bảo vệ môi trường...

Theo Thượng tá Hà, việc làm rõ, cụ thể các khái niệm liên quan sẽ tạo điều kiện giúp hoạt động áp dụng luật, thực hiện luật được dễ dàng, thuận lợi, đảm bảo tính hiệu quả và thống nhất của hệ thống pháp luật trong đời sống xã hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm