Sáng 12-7, kỳ họp thứ 13 HĐND TP Cần Thơ tiếp tục với phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) về các vấn đề như: thực trạng kết cấu hạ tầng, giải pháp an toàn giao thông, chất lượng phương tiện, vận tải hành khách công cộng… Theo đó, đã có 12 lượt đại biểu tham gia chất vấn với 19 câu hỏi được nêu ra.
Giám đốc Sở GTVT Lê Tiến Dũng trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 13 ngày 12-7. Ảnh: NN
Đại biểu Thiều Quang Thân hỏi về việc tổ chức thực hiện các đề án đầu tư xe buýt mới, kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới, điều tiết phương tiện vào trung tâm đã thực hiện đến đâu và việc xây dựng 4 cây cầu vượt tại bốn nút giao trên địa bàn quận Ninh Kiều đã có chưa?
Giám đốc Sở GTVT Lê Tiến Dũng cho biết, về đề án xe buýt, Sở đã tham mưu cho UBND TP sẽ mời gọi nhà đầu tư tham gia khai thác năm tuyến xe buýt không trợ giá giai đoạn 2019-2020 với tổng chiều dài mạng lưới 250,5 km, tần suất khai thác 15 phút/chuyến. Số lượng khoảng 135 xe đời mới, có máy lạnh, đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4. Bãi đỗ xe buýt kết hợp điểm đầu - cuối xe buýt (xây dựng mới ba bãi đỗ là Ba Láng, Kinh B và sân bay Cần Thơ) và nhà chờ, điểm dừng (501 điểm dừng, chờ). Hy vọng đến cuối năm TP sẽ có xe buýt mới.
Về điều tiết xe vào nội ô, kế hoạch của TP là xây đường vành đai nối QL 91, QL 1A vào đường Nam Sông Hậu để tách xe tải nặng đi tuyến đường này, không vào nội ô quận Ninh Kiều. Tuy nhiên, hiện nay tuyến đường vành đai chưa có thì Sở đã hướng dẫn cắm biển cấm xe tải nặng giới hạn theo giờ, chỉ đi vào các khung giờ không phải là giờ cao điểm.
Về bốn cây cầu vượt bằng thép do nguồn vốn lớn hơn 1000 tỉ, hiện chưa có vốn đầu tư. Bốn nút giao thông này Sở đã tổ chức khảo sát, báo cáo hai lần, nếu không có thay đổi thì sẽ báo cáo thông qua thường trực UBND TP, trước mắt cải tạo hai nút giao đường Mậu Thân – Nguyễn Văn Cừ và nút giao đường 3-2 với Nguyễn Văn Linh. Nếu kết dư dự án 3 còn thì xin nguồn vốn đó làm, hoặc xin vốn giai đoạn trung hạn 2016-2020. Hai nút giao còn lại (Nguyễn Văn Linh giao 30-4 và Trần Hưng Đạo – Mậu Thân) triển khai vào giai đoạn 2021-2026.
Ông Dũng cũng cho biết, hiện nay trên địa bàn quận Ninh Kiều quy hoạch 63 bãi đậu xe công cộng nhưng chưa có bãi nào kêu gọi được nhà đầu tư. Đến năm 2020 tiếp tục đưa 63 bãi này vào kế hoạch trung hạn bố trí vốn ngân sách trong trường hợp không có nhà đầu tư.
Quang cảnh phiên chất vấn Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ. Ảnh: NN
Về nguyên nhân gây mất an toàn giao thông, Chủ tịch HĐND TP Phạm Văn Hiểu đặt vấn đề: Lề đường không có thì người ta đi làm sao? Giờ coi việc chiếm vỉa hè là việc bình thường phải không, nếu bình thường thì không nói nữa. Xe đậu bất kỳ chỗ nào cũng được là sao? Kẻ làn mà không đi theo làn thì kẻ làm gì cho tốn nước sơn? Đây là chủ quan của chúng ta chứ không phải khách quan người tham gia giao thông.
Đồng thời, ông Hiểu cũng nói về đường đi bộ bến Ninh Kiều, tại sao cho khách sạn chặn lại để giữ xe? Hay như đường Nguyễn An Ninh, Châu Văn Liêm cho xe tải đậu xe giữa đường có đúng hay không? Vấn đề vệ sinh môi trường ở khu vực này cũng không đảm bảo…
Trả lời vấn đề này, ông Dũng cho hay, theo quy định tại Nghị định 100/2013 cho phép sử dụng vỉa hè ngoài mục đích giao thông nhưng vỉa hè phải còn 0,5 m để dành cho người đi bộ. Việc đậu, đỗ đường Nguyễn An Ninh và Châu Văn Liêm thì do quận Ninh Kiều không có bãi đậu xe nên UBND TP có quyết định cho phép đậu nhưng quận phải quản lý và đảm bảo vệ sinh. Sắp tới, Sở sẽ phối hợp quận Ninh Kiều chấn chỉnh việc đậu đỗ này. Đồng thời, ông Dũng cũng cho rằng có tình trạng đậu xe không đảm bảo giao thông và tới đây Sở sẽ mở chuyên đề lập lại an toàn giao thông liên quan đậu đỗ xe không đúng quy định.
Về QL 80 xuống cấp, ông Dũng cho biết, tuyến đường này dài 30 km do Bộ GTVT quản lý, lòng đường hẹp chỉ 5,5 m, nguy cơ tai nạn nhiều. Năm 2019 Tổng cục đường bộ bố trí 5,5 tỉ duy tu mặt đường, năm 2020 bố trí thêm 20 tỉ để cải tạo đường này để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.