Cần Thơ dành 3.300 ha để lập Trung tâm liên kết sản xuất theo cơ chế đặc thù

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 1-4, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cùng lãnh đạo các sở, ngành của TP làm việc với nhóm chuyên gia tư vấn định hướng thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL (gọi tắt là trung tâm) tại Cần Thơ.

Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL có quy mô dự kiến 3.300 ha, gắn với không gian xung quanh sân bay Cần Thơ. Ảnh: NHẪN NAM

Sau khi nghe nhóm chuyên gia báo cáo đề cương chi tiết về trung tâm và nghe các sở, ngành góp ý, ông Trường đánh giá “trung tâm đã gần tương đối rõ để thực hiện”.

Để hoàn chỉnh đề cương, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu một số công việc trong thời gian tới. Cụ thể, mô hình hoạt động của trung tâm là khu kinh tế công nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.

Trung tâm quản lý theo hình thức khu chế xuất – khu công nghiệp công nghệ cao do Ban Quản lý Khu công nghiệp – Khu chế xuất quản lý. Quy mô 3.300 ha theo dự kiến quy hoạch, chia làm nhiều giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 tập trung cho nơi sản xuất, chế biến tinh, hệ thống kho, cargo, thuế quan, phi thuế quan...

“Các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp người ta quan tâm lắm, người ta gửi văn bản để tham gia vào khu này cũng nhiều lắm. Người ta đề nghị tham gia quy hoạch và tham gia đầu tư một số hạng mục của khu này”- ông Trường cho hay.

Để thực hiện, ông Trường giao cho Sở NN&PTNT và Sở Công thương xác định danh mục các mặt hàng, các sản phẩm, các doanh nghiệp vào đây. Danh mục này phải được các Bộ NN&PTNT và Công thương phê duyệt. Theo ông Trường, vào khu này là chế biến tinh và xuất đi, hệ thống kho bãi.

Các Sở KHĐT và Xây dựng đưa vào quy hoạch tích hợp trong quy hoạch chung của TP. Ý định của TP là quy hoạch TP sân bay khoảng 10.000 ha, trong này có 3.300 ha là trung tâm này.

Sở GTVT phối hợp Xây dựng quy hoạch hạ tầng giao thông, kết nối giao thông đồng bộ với quy hoạch tích hợp, quy hoạch phát triển đô thị, để làm sao khu nào là khu chế biến, sản xuất, khu nào là hệ thống kho bãi, sản phẩm trưng bày, sàn giao dịch hàng hóa… Cạnh đó, tính toán giao thông đường hàng không cũng phải kết nối giao thông đường thuỷ.

Cùng với đó, Sở KH-ĐT phối hợp Sở Tài chính lên phương án về cơ chế tài chính; Sở TN&MT tham mưu cơ chế về đất đai; Sở TT&TT tham mưu giải pháp về công nghệ; Sở KH-ĐT, NN&PTNT là hai cơ quan đầu mối kết hợp chặt với các chuyên gia để cung cấp chia sẻ thông tin và hoàn thành sớm đề cương, làm sao trong một tuần nữa có đề cương hoàn chỉnh báo cáo Bộ NN&PTNT để Bộ còn thẩm định.

Nghị quyết 45/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ, trong đó có Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ.

Trong cuộc họp vào giữa tháng 2-2022, lãnh đạo TP Cần Thơ đã thống nhất sơ bộ vị trí quy hoạch các chức năng của trung tâm gắn với không gian xung quanh sân bay Cần Thơ, đường vành đai phía Tây, trung tâm công nghiệp, năng lượng Ô Môn, ranh giới trên địa bàn quận Bình Thủy, Ô Môn và Phong Điền.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm