Chiều 16-5, UBND TP Cần Thơ làm việc với tổ công tác hỗ trợ dự án “Tư vấn phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng biến đổi khí hậu với Cần Thơ là trọng tâm” là đại diện tập đoàn tư vấn BCG.
Theo đó, ông Yupu Zhao - Phó Giám đốc dự án (Tập đoàn BCG) giới thiệu về bốn chủ đề dự kiến phát triển du lịch ở Cần Thơ như nghỉ dưỡng trên sông, khám phá thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa và phiêu lưu, giải trí.
Ông Yupu Zhao - Phó Giám đốc dự án (Tập đoàn BCG) giới thiệu về các chủ đề dự kiến phát triển du lịch ở Cần Thơ tại cuộc họp chiều 16-5. Ảnh: NN
Cụ thể, về chủ đề nghỉ dưỡng trên sông vì sông nước là biểu trưng của ĐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng nên tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên này để phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Loại hình này thích hợp cho những gia đình có khả năng chi trả rất cao nếu biết thiết kế tour tuyến chu đáo, tỉ mỉ và có hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại. Theo nghiên cứu thì khách du lịch có thể sử dụng 90-100 USD/người/ngày cho loại hình này.
Chủ đề khám phá thiên nhiên thì khách hàng mục tiêu sẽ là giới trẻ, tuy khả năng tiêu tiền ít hơn nhưng sẽ có khả năng thu hút đông sự quan tâm hơn…
Ngoài ra, đơn vị tư vấn còn nêu về hai mô hình có thể xây dựng làm điểm nhấn là bảo tàng sông Mekong và tái thiết lại hệ thống bến phà cũ Cần Thơ. Cụ thể, xây dựng bảo tàng Mekong với các giá trị văn hóa gắn liền với sông Mekong. Với bảo tàng này sẽ nâng sự chú ý của du khách, định vị Cần Thơ nói riêng và Việt Nam nói chung trong các nước liên quan đến sông Mekong.
Còn bến phà cũ sẽ xây dựng với mục tiêu là điểm đến du lịch (với cảnh quan, mua sắm, thưởng thức phong cảnh…) thay vì chỉ là nơi chở khách du lịch.
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP Cần Thơ Lê Minh Sơn cho biết Cần Thơ không có biển, rừng, núi mà chỉ có sông nước, vườn cây trái quanh năm, di tích lịch sử, văn hóa.
Về nghỉ dưỡng trên sông thì rất thích hợp vì Cần Thơ có rất nhiều cồn dọc theo sông Hậu. Phần lớn các cồn này còn tự nhiên, chưa có sự khai thác nhiều của con người. Hiện nay mới chỉ có Tập đoàn Novaland khai thác khu nghỉ dưỡng trên cồn Ấu với dịch vụ nghỉ dưỡng đạt chuẩn 5 sao.
Ngoài ra, Cần Thơ còn cồn Sơn, cù lao Tân Lộc, cồn Khương, cồn Cái Khế, rất thích hợp khai thác loại hình nghỉ dưỡng cao cấp.
Một khu du lịch nghỉ dưỡng trên cồn Ấu (Cần Thơ) đã hình thành. Ảnh: TL
Cũng theo ông Sơn, loại hình du thuyền – phương tiện thủy có lưu trú thì Cần Thơ chưa có nên TP rất quan tâm. Về khám phá thiên nhiên thì Cần Thơ không có rừng, núi mà chỉ có vườn cây ăn trái nên có thể xây dựng loại hình trải nghiệm, thưởng thức trái cây… Về văn hóa, Cần Thơ là trung tâm của miền Tây nên ẩm thực khá phong phú, có nhiều loại hình nghệ thuật phát triển, đặc biệt là đờn ca tài tử, có nhiều làng nghề đặc trưng…
Ông Lê Tiến Dũng – Phó Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ cho biết theo quy hoạch, bến phà cũ Cần Thơ là cảng hành khách loại I, công suất trên 3 triệu lượt khách/năm, đón tàu từ 3.000 tấn trở lên. Khi xây dựng được bến tàu này TP sẽ dời toàn bộ tàu ở bến Ninh Kiều về bến phà này để trả lại cảnh quan cho bến Ninh Kiều.
“Nơi đây sẽ là đầu mối giao thông thủy nội địa trong vùng ĐBSCL và dọc sông Mekong đi các nước. Chúng tôi thống nhất đề xuất của bên tư vấn về các dịch vụ đi theo cảng này như trung tâm mua sắm, cà phê, cảnh quan, môi trường… Dự án này TP sẽ đưa vào danh mục dự án kêu gọi đầu tư tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP Cần Thơ trong tháng 8 tới. Tổng mức đầu tư khoảng 250 tỉ đồng” - ông Dũng cho hay.
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Văn Tâm lưu ý đơn vị tư vấn cần thiết kế các loại hình du lịch có sự kết nối giữa Cần Thơ với các địa phương để phát triển du lịch toàn vùng. Ảnh: NN
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ hoan nghênh đơn vị tư vấn đã xây dựng các chủ đề phát triển du lịch. Ông Tâm lưu ý là Cần Thơ không đại diện hết cho cả ĐBSCL, mỗi tỉnh có một đặc thù riêng nên trong thiết kế cần có sự kết nối để phát triển du lịch cả vùng. Đồng thời trong định hướng phát triển đó cần có sự quan tâm, hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương (như mở đường cao tốc, xây dựng thêm nhiều tuyến hàng không…) để toàn vùng phát triển.
Về xây dựng bảo tàng, ông Tâm cho biết Trường ĐH Cần Thơ cũng từng có ý tưởng về xây dựng bảo tàng nông nghiệp. Cần Thơ cũng có quy hoạch trung tâm văn hóa. Nhưng để làm hai cái này thì đều cần vốn từ ngân sách trong khi ngân sách đang khó khăn nên sẽ khó thực hiện dù biết bảo tàng nông nghiệp có thể trong tương lai rồi cũng sẽ làm…