Du lịch Cồn Sơn 'lên hương' nhờ cá lóc... biết bay

Ngày 9-8, Phó Chủ tịch UBND TP  Cần Thơ Lê Văn Tâm cùng các sở, ngành liên quan đã đi làm việc tại điểm du lịch cộng đồng Cồn Sơn thuộc quận Bình Thủy.

Đây là khu du lịch có sự bứt phá nhanh chóng, thu hút được nhiều sự quan tâm của khách du lịch, nhất là từ khi rộ lên thông tin về cá lóc bay.

Hiện trên Cồn Sơn có 15/74 hộ làm du lịch. Theo thống kê của Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, trong tháng 6 vừa qua nơi đây đón tiếp 245 đoàn với gần 2400 lượt khách du lịch. Doanh thu từ du lịch trong tháng 6 đạt hơn 370 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo ông Lê Minh Sơn – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, do sự phát triển nhanh đã làm phát sinh một số vấn đề trong khâu quản lý du lịch. Sắp tới sẽ mở lớp tập huấn cho các hộ về kiến thức du lịch cộng đồng, kỹ năng giao tiếp với du khách và kỹ năng tự quảng bá hình ảnh du lịch của hộ mình bằng tờ gấp hoặc trên mạng.

“Về thông tin một số báo cho rằng dự án mà TP mời gọi đầu tư vào Cồn Sơn đè bẹp du lịch là không có cơ sở. Đúng là TP có kêu gọi đầu tư nhưng dự án này chỉ chiếm 74 ha trong khi diện tích Cồn Sơn 231ha. Đến nay chưa có nhà đầu tư nào vào dự án này cho nên bà con cứ yên tâm” – ông Sơn thông tin.

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Tâm khảo sát tại điểm du lịch cộng đồng Cồn Sơn (quận Bình Thủy) ngày 9-8. Ảnh: NN

Bánh dân gian nam bộ tại Cồn Sơn. Nia bánh này thể hiện sự liên kết của nhiều hộ dân. Ảnh: NN

Một số hộ dân kinh doanh du lịch trên Cồn Sơn cho biết, đặc điểm văn hóa du lịch Cồn Sơn là du lịch cộng đồng, tức là người dân liên kết với nhau để làm, nên nếu nói phát triển du lịch theo hướng cạnh tranh, đua nhau làm thì không phù hợp với văn hóa cộng đồng ở Cồn Sơn. Có ý kiến cho rằng, Cồn Sơn cần một cơ chế và cần một sự thấu hiểu để phát triển.

Du lịch Cồn Sơ ngày càng phát triển đòi hỏi sự quan tâm sâu sát của cơ quan quản lý nhà nước nhưng trên hết vẫn là sự tôn trọng ý kiến người dân... Ảnh: NN

Phát biểu chỉ đạo sau cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Văn Tâm đánh giá, du lịch Cồn Sơn là mô hình rất đáng để nhân rộng và phát triển để Cồn Sơn trở thành điểm đến lý tưởng.

“Từ khi có cá lóc bay thì du lịch Cồn Sơn cũng phát triển. Nhưng cá lóc bay chỉ là một sản phẩm, còn là phong cách phục vụ, các sản phẩm của các nhà vườn khác, đặc điểm sinh thái sông nước, môi trường… tạo nên sự phát triển tổng thể cho Cồn Sơn” – ông Tâm nói.

Cũng theo ông Tâm, du lịch Cồn Sơn là một mô hình cần nhân rộng về sự liên kết, phối hợp làm du lịch. Sự phát triển này là của dân nên trong công tác quản lý, điều ành, lãnh đạo, hướng dẫn cần tôn trọng ý kiến của dân.

"Quan điểm của tôi không chỉ 15 hộ mà làm sao 74 hộ cùng làm, người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch, phát triển sản phẩm ao mương, vườn cây, tạo nhiều địa chỉ nổi tiếng như cá lóc bay. Trong quá trình phát triển cần lưu ý không nên phá vỡ cảnh quan, sinh thái sông nước. Còn hình thức hợp tác như thế nào thì cần nghiên cứu, do người dân quyết định”.

Hàng ngàn con cá lóc biết bay lên khỏi mặt nước- ảnh Internet

Được biết thời gian gần đây một hộ dân sống trên Cồn Sơn nuôi và “huấn luyện” được đàn cá lóc với hàng chục ngàn con có khả năng bay lên khỏi mặt nước, khiến khách du lịch đến khu du lịch này để tận mắt chứng kiến đàn cá bay ngày một đông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm