Ngày 2-8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP Cần Thơ tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Quang Mạnh phát biểu tại hội nghị trực tuyến về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ngày 2-8. Ảnh: HD
Phát biểu kết thúc hội nghị, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho rằng diễn biến tình hình dịch bệnh những ngày qua là rất nhanh, nếu không có biện pháp ứng phó kịp thời thì làn sóng thứ hai của diễn biến dịch bệnh và nguy cơ, thách thức và sự tàn phá của nó sẽ lớn hơn rất nhiều.
Ông Mạnh đề nghị các quận/huyện, sở/ngành, đơn vị tuyệt đối không lơ là, chủ quan, không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng để bảo vệ tốt nhất tính mạng và sức khỏe người dân. Các cấp, các ngành phải chủ động, sẵn sàng ứng phó với diễn biến dịch bệnh xảy ra, không được chờ chỉ đạo ở trên xuống rồi mới thực hiện.
Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới, ông Mạnh yêu cầu các quận/huyện, sở/ngành quán triệt việc phòng chống dịch trong tình hình mới, với phương châm bốn tại chỗ trong các bước đi từ các khâu ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch một cách tốt nhất ở tất cả các địa bàn.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch nhưng không được mất bình tĩnh và không làm các sự việc nghiêm trọng hơn mức cần thiết. Đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội.
Dẫn chỉ đạo của Thủ tướng về việc đóng cửa cơ sở sản xuất kinh doanh nếu địa phương phát hiện ca bệnh, ông Mạnh yêu cầu các sở, ngành của TP sẵn sàng tinh thần, phương án để dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc dừng các sự kiện, hoạt động của người dân một cách bắt buộc khi tình hình dịch bệnh bắt buộc TP phải như vậy…
Cạnh đó, ông Mạnh đề nghị Sở VH-TT&DL chuẩn bị phương án thật kỹ theo từng kịch bản, từng cấp độ lan truyền của dịch bệnh để tham mưu cho UBND TP dừng các hoạt động kinh doanh không thiết yếu cho phù hợp.
Các cơ sở sản xuất kinh doanh phải đảm bảo việc phòng, chống dịch bệnh cho công nhân, người lao động. Người đứng đầu các tổ chức, cơ quan phải đảm bảo phương án an toàn cho cán bộ, công nhân viên, triển khai nghiêm túc tinh thần của Chỉ thị 19 của Chính phủ.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Cần Thơ họp trực tuyến với các địa phương ngày 2-8. Ảnh: HN
Cơ quan truyền thông đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, cập nhật thường xuyên tình hình diễn biến dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng chống dịch, khuyến cáo các nội dung chỉ đạo của TP và các cấp, các ngành.
Người đứng đầu UBND TP yêu cầu Sở Y tế cập nhật ngay kịch bản tác chiến về phòng, chống dịch như đã làm trước đây, trong đó rà soát về tồn kho vật tư y tế, nhất là sinh phẩm để xét nghiệm trên diện rộng. Trường hợp dịch bệnh diễn biến xấu hơn thì việc xét nghiệm diện rộng đòi hỏi ngành y tế phải tổ chức có bài bản, lớp lang, xây dựng phương án xét nghiệm nhanh.
Ông Mạnh đề nghị Sở Y tế cho xét nghiệm những người về từ Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Nam trong thời gian gần đây bằng đường bộ; Tổ chức bệnh viện dã chiến theo từng cấp độ của dịch bệnh.
Các cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát triệt để dòng người bệnh đi khám chữa bệnh và hạn chế việc thăm nuôi.
Công an TP phối hợp với các quận/huyện, phường/xã phát động quần chúng phát hiện người lạ cư trú trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp nhập cư trái phép để đưa vào khu cách ly; xử lý nghiêm các trường hợp khai báo không trung thực đối với ngành y tế…
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, trên địa bàn TP có ba cơ sở thực hiện xét nghiệm sàng lọc COVID-19 gồm Trung tâm kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện Đa khoa TP và Bệnh viện Nhi đồng; một cơ sở thực hiện xét nghiệm khẳng định là Trung tâm kiểm soát bệnh tật.
Tính đến ngày 1-8, phòng xét nghiệm COVID-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cần Thơ đã thực hiện xét nghiệm tổng cộng 3.543 mẫu, trong đó có 1.415 mẫu là các trường hợp có liên quan đến Đà Nẵng.
Về quản lý người nhập cảnh, qua rà soát đã phát hiện 3 người nước ngoài nhập cảnh trái phép và đã đưa đi cách ly tập trung ngày 31-7. Tính đến ngày 1-8, toàn TP có 1.795 người nước ngoài đang tạm trú, gồm các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Italia, Anh, Mỹ, Pháp…