Chiều 6-4, ông Lê Tiến Dũng, giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Cần Thơ ký ban hành công văn số 771 hướng dẫn đối với hoạt động bến khách ngang sông.
Phải quy định rõ đối tượng đi phà, đò
Sở Giao thông cho rằng, thông báo số 720 và công văn số 743 trước đó có nội dung: Tạm dừng hoạt động tất cả bến khách ngang sông trên địa bàn thành phố trong 15 ngày, kể từ 1-4.
Riêng các trường hợp công vụ, cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết và chở bệnh nhân đi cấp cứu thì vẫn được phép hoạt động. “Do vậy, bến khách ngang sông vẫn được phép hoạt động để phục vụ các đối tượng có hoạt động như hai công văn trên đã nêu” – công văn nêu.
Thực hiện theo thông báo 720 của Sở GTVT TP Cần Thơ, các bến đò ngang đã tạm dừng hoạt động từ ngày 1-4. Ảnh: CHÂU ANH
Liên quan đến kiến nghị của các địa phương phản ánh được cho hoạt động trở lại một số bến đò trên địa bàn, vì việc tạm ngưng hoạt động các bến khách ngang sông đã ảnh hưởng lớn đến việc đi làm của người lao động.
Trong công văn 771, giám đốc Sở thống nhất đề nghị của các địa phương, cụ thể nếu tiếp tục hoạt động phải có pano tuyên truyền phòng, chống dịch, đồng thời phải quy định rõ đối tượng được phép chở.
Cạnh đó, phải kẻ vạch, phân ô trên phương tiện và đường dẫn xuống bến. Hành khách, nhân viên phục vụ bến phải rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, phương tiện phải khử trùng bằng dung dịch sát khuẩn sau khi chuyên chở.
Việc các bến đò ngang dừng hoạt động làm đường đi làm của người dân phía bờ Vĩnh Long xa hơn vì phải đi vòng. Ảnh: CHÂU ANH
Riêng đối với đề nghị của Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, theo công văn, vấn đề này phải có sự thống nhất của hai Sở GTVT.
Công văn nêu: “Hiện nay, Sở GTVT Vĩnh Long và Đồng Tháp đã ban hành thông báo tạm dừng hoạt động các bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh. Cần Thơ làm việc với các doanh nghiệp thống kê các trường hợp công nhân có nhu cầu đi phà từ phía bờ tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp sang Cẩn Thơ và ngược lại để đi làm, gửi về cho Sở để làm căn cứ trao đổi với Sở GTVT Vĩnh Long và Đồng Tháp xem xét giải quyết”.
Cấm đò phải đi xa hơn nhiều km
Trước đó, ghi nhận thực tế tại một số nơi, từ khi cấm đò ngang, người dân phải đi đường vòng xa gấp nhiều lần.
Từ khi các bến phà, đò ngang sông không hoạt động, nhiều người dân ở huyện Bình Tân, Vĩnh Long đi làm xa và vất vả hơn. “Đò ngang chạy thì chỉ mất khoảng 10km là tới chỗ làm, không có đò thì phải đi hơn 50km vòng đường cầu Cần Thơ” – chị Lý Thị A., ngụ huyện Bình Tân chia sẻ.
Cùng hoàn cảnh đi vòng, nhiều người dân ngụ xã Nhơn Nghĩa, thông tin nhiều ngày nay, đi từ nhà đến trung tâm huyện Phong Điền để mua hàng hóa hay làm giấy tờ, bà con phải chịu cảnh đi vòng, xa hơn hàng chục km.
Đò ngang không chạy, để rút ngắn thời gian đi lại, người dân dùng ghe, xuồng nhỏ để đi tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Ảnh: CHÂU ANH
Giải thích vì sao thông báo 720 của Sở GTVT TP quy định một số người được qua đò, nhưng chủ đò không hoạt động, ông ĐPP, chủ một bến đò ở quận Ô Môn cho biết công văn của sở có quy định ba đối tượng được qua đò, tuy nhiên bản thân bến ông không dám cho chạy.
“Muốn đò hoạt động phải có sự cho phép bằng văn bản của cơ quan chức năng vì nếu đưa phương tiện ra hoạt động sẽ có một số khách vãng lai đi theo rồi tôi biết làm sao?" – ông P. bày tỏ.
Ông HVT, chủ một bến đò ở huyện Phong Điền nói: “Mong sở có văn bản cho hoạt động lại vì bến này cũng đa số chở cán bộ đi làm, hoặc là bà con đi chợ mua thức ăn, lên huyện làm giấy tờ. Tôi cũng đã có kẻ sẵn các ô để bà con đảm bảo khoảng cách theo yêu cầu.”.