Mới đây, nhiều sở GTVT nhiều tỉnh, thành miền Tây ban hành văn bản tạm dừng tất cả bến đò ngang khiến việc đi lại của người dân gặp khó.
Muốn qua sông nhưng đò không chạy
Ngày 1-4, Sở GTVT TP Cần Thơ ban hành thông báo tạm dừng tất cả phương tiện vận tải hành khách tuyến cố định, xe buýt, xe hợp đồng, xe du lịch, xe trung chuyển, xe taxi và các bến đò khách ngang sông, bến du lịch, bến tàu khách, các tuyến vận tải hành khách cố định trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1-4.
Với đặc thù sông nước, người dân một số nơi ở miền Tây vẫn còn phải lụy đò, phà. Ảnh: CHÂU ANH
Văn bản của cơ quan chức năng đã được các DN thực hiện nghiêm túc và từ đó, việc đi lại của bà con gặp trở ngại.
Cụ thể, theo phản ánh của nhiều công nhân ngụ Tân Quới, Tân Lược (phía bờ Vĩnh Long) nhưng làm việc tại Khu công nghiệp Trà Nóc, do đò ngang không hoạt động nên buộc lòng phải chạy vòng đường cầu Cần Thơ.
Đoạn đường này xa hơn hàng chục cây số, làm mất nhiều thời gian hơn. “Ngày đầu tiên tạm dừng đò ngang tôi chưa hay, khi đến bến đò thì mới biết, tôi phải chạy vòng cầu Cần Thơ, đến công ty thì trễ giờ làm” - một người ngụ Tân Quới (huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) kể.
Một người dân ngụ cồn Sơn (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), bày tỏ thông báo tạm dừng đò ngang của Nhà nước là muốn tốt cho bà con trong phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, tạm dừng toàn bộ đò ngang trong khi đó lại là con đường duy nhất để qua cồn nên bà con địa phương gặp chút khó khăn.
“Chấp hành chỉ thị cách ly của Thủ tướng là hạn chế đi lại, hằng ngày tôi vẫn qua bên kia sông đi chợ mua đồ dùng, nay không có đò ngang rất bất tiện” - một người dân cồn Sơn cho biết thêm.
Trước tình hình đó, khi có nhu cầu qua sông, người dân cồn Sơn phải sử dụng các phương tiện ghe, vỏ lãi cá nhân. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là các phương tiện này thường chỉ sử dụng đi lại quanh cồn nên nhỏ. Dùng các phương tiện này qua sông lớn như sông Hậu thì rất khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
“Hiện giờ chỉ biết sử dụng ghe nhà vào bờ đi chợ mua đồ, biết là sẽ nguy hiểm, nhưng không còn cách khác. Mong ngành chức năng cho đò ngang hoạt động, có thể quy định hai, ba chuyến/ngày, như vậy cũng đỡ cho bà con hơn” - một người dân cho hay.
Trước bất tiện của người dân khi đò ngang tạm dừng hoạt động, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, khẳng định nếu cho đò ngang chở công nhân đi lại thì làm sao cách ly theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ. “Cấm phà chạy tuyệt đối trong vòng 15 ngày, trừ các trường hợp đặc biệt như trong Thông báo số 720, sau đó mới tính tiếp” - ông Dũng khẳng định.
Người dân ở vùng nông thôn, nơi chưa có cầu nối nhịp đôi bờ thì đò ngang vẫn là phương tiện chủ yếu để di chuyển liên vùng. Ảnh: CHÂU ANH
Ban hành rồi sửa đổi, DN trở tay không kịp
Trong khi đó, tại Sóc Trăng, sau khi ban hành thông báo tạm dừng tất cả đò ngang, Sở GTVT tỉnh này nhanh chóng ban hàng thông báo mới cho hoạt động lại nhưng yêu cầu hạn chế vận chuyển hành khách. Theo ông HVL (một chủ DN kinh doanh phà), Sóc Trăng là tỉnh có nhiều địa phương nằm ở cù lao, như xã Phong Nẫm, cồn Mỹ Phước (thuộc huyện Kế Sách) và bảy xã, thị trấn của huyện Cù Lao Dung hoàn toàn chưa có cầu nối liền hai bờ. Do vậy nếu tạm dừng các phương tiện đưa khách sang sông sẽ gây khó cho sinh hoạt của người dân địa phương.
“Đáng lẽ ra, khi ban hành thông báo trước đó, Sở GTVT phải xem xét kỹ thực tế của các địa phương này, không thể dừng hoạt động một cách triệt để như các địa phương khác được” - ông L. bộc bạch.
Cũng theo người này, mặc dù sở có động thái thu hồi và ban hành văn bản mới khá nhanh, tuy nhiên DN cũng trở tay không kịp, vì khi nhận thông báo đầu tiên, DN đã thu hồi phương tiện tập kết về nơi tập trung, cho công nhân nghỉ về nhà.
“Chấp hành thông báo trước đó, chúng tôi đã đưa phương tiện về vị trí neo đậu, cho công nhân nghỉ về nhà. Sau đó, có thông báo mới, chúng tôi rất bất ngờ, bị động, không thể hoạt động lại liền để phục vụ kịp thời cho bà con” - ông L. cho biết thêm.
Hậu Giang chỉ tạm dừng đò dọc. Trong thông báo tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, Sở GTVT TP Hậu Giang đề nghị tạm dừng tất cả phương tiện đò dọc, riêng các phương tiện đò ngang trên địa bàn tỉnh chỉ hoạt động phục vụ công vụ và nhu cầu thiết yếu, dân sinh. Đồng thời, không được vận chuyển quá 50% theo giấy đăng ký phương tiện, bố trí người ngồi xen kẽ giữa các hàng ghế và giữ khoảng cách 2 m. |