Giám đốc Sở GTVT Cần Thơ giải thích về việc cấm đò ngang

Trưa 3-4, nói về việc cấm đò ngang, ông Lê Tiến Dũng, giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, lý giải theo thông báo 720 ban hành ngày 1-4, một số trường hợp vẫn được đi đò ngang. Cụ thể, theo thông báo, các trường hợp công vụ, cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết và chở bệnh nhân đi cấp cứu sẽ được lưu thông.

Ông Dũng lý giải, trên địa bàn Cần Thơ, chỉ có cù lao Tân Lộc là người dân còn phải dựa vào đò. “Hiện nay sở và UBND quận Thốt Nốt đã cho hai trong số năm bến hoạt động. Hai bến này chỉ được chở những người theo như thông báo” – ông Dũng cho biết thêm.

Một trong năm bến phà từ Thốt Nốt đi cù lao Tân Lộc (ảnh chụp lúc còn hoạt động bình thường). Ảnh: CHÂU ANH

Theo giám đốc sở GTVT TP Cần Thơ, người dân sinh sông ở cù lao Tân Lộc nếu đến bến đò ngang này và cho biết là đi mua thực phẩm, nhu yếu phẩm thì vẫn đi được.

“Trong thông báo 720 nêu rất rõ, về nguyên tắc là cấm hết nhưng với những trường hợp công vụ hay người dân đi mua lương thực, thực phẩm thì đò ngang vẫn được phép chở. Ở đây chỉ hạn chế vài đối tượng chứ không cấm tuyệt đối”, ông Dũng nói.

Trả lời vấn đề PV PLO đặt ra về việc một số người dân ở Tân Quới, Tân Lược (huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) có nhu cầu đi đò qua sông để rút ngắn thời gian hơn đi vòng cầu Cần Thơ, ông Dũng nói: Thông báo thì 89 bến khách ngang sông đều phải thực hiện như nhau, nghĩa là tất cả phải tạm dừng hoạt động, trừ trường hợp người đi công vụ, người dân đi mua nhu yếu phẩm, thuốc men và chở người đi cấp cấp cứu.

Bến phà cồn Khương rút ngắn đường đi cho người dân bừ Vĩnh Long và Cần Thơ (ảnh chụp lúc còn hoạt động bình thường). Ảnh: CHÂU ANH

“Tại sao người ta không qua đây mua đồ, vì ở Vĩnh Long người ta thừa sức mua vật tư, cho nên người ta không đi thôi”, ông giải thích.

Cũng theo ông Dũng, theo thông báo 720, công nhân vẫn chưa được xét là trường hợp đặc biệt để qua sông bằng đò. Bởi người dân còn có đường khác để qua Cần Thơ là đi qua cầu Cần Thơ.

“Khi qua cầu Cần Thơ, những người này sẽ phải khai báo y tế ở trạm kiểm soát y tế tại siêu thị Big C. Lúc này các nhân viên ở đây sẽ kiểm tra thân nhiệt, lấy lịch sử đi lại. Như vậy là kiểm soát được người vào nội ô. Vấn đề quan trọng hiện nay phải kiểm soát người ngoài tỉnh đến địa bàn thành phố để bảo vệ vùng lõi bên trong” – ông Dũng giải thích.

Phương tiện tham gia giao thông phải khai báo y tế khi vào Cần Thơ

Ngày 1-4, sở GTVT TP Cần Thơ ban hành công văn số 743 hướng dẫn việc tạm dừng để kiểm soát phương tiện tham gia giao thông tại các điểm kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, các phương tiện vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt, xe hợp đồng, xe du lịch, xe trung chuyển, xe taxi phải dừng hoạt động trong 15 ngày kể từ ngày 1-4.

Các phương tiện được phép lưu thông gồm: xe công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, xe chở lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, nguyên vật liệu sản xuất, xe chở hàng hóa và xe chở bệnh nhân cấp cứu.

Đối với các xe ô tô không nằm trong đối tượng phải dừng hoạt động và xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông đi qua các trạm kiểm soát thì phải dừng lại để lực lượng chức năng kiểm tra y tế, lấy thông tin đi lại cá nhân và các thông tin khác theo quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm