Đó là các hành vi cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của tòa, cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ, vi phạm nội quy phiên tòa, không thi hành quyết định của tòa về việc cung cấp chứng cứ cho tòa.
Theo Điều 390 BLTTDS, thủ tục, thẩm quyền xử phạt, mức tiền phạt đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định. Như vậy, nếu thực thi đúng luật thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải ban hành một pháp lệnh về thủ tục, thẩm quyền xử phạt, mức tiền phạt đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự. Đây sẽ là căn cứ pháp lý để tòa án áp dụng đối với người vi phạm.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là đến nay, pháp lệnh này vẫn chưa ra đời. Mặt khác, cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn thi hành Chương XXXII của bộ luật.
Mặc dù Điều 40 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính có quy định về thẩm quyền xử lý vi phạm của tòa nhưng cũng chỉ là quy định chung về thẩm quyền xử phạt. Một loạt vấn đề chi tiết khác như trình tự, thủ tục, mức phạt cụ thể đối với từng loại hành vi, ai thi hành, giải quyết khiếu nại ra sao… đều chưa có.
Việc tòa không xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự đã ảnh hưởng đến sự nghiêm minh của pháp luật. Nhiều vụ án không được giải quyết đúng thời hạn, bị hủy án, xử đi xử lại nhiều lần do tòa không thể thẩm định, định giá tài sản tranh chấp… vì đương sự bất hợp tác. Không chỉ các cấp tòa mệt mỏi mà quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người liên quan ngay tình cũng bị xâm phạm.
Vì vậy, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành các văn bản về thủ tục, thẩm quyền xử phạt, các hình thức phạt, mức phạt… đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự là một điều rất cần thiết.
Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ, Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa