Cản trở nhà báo tác nghiệp bị phạt tới 30 triệu đồng

Ngày 6-1, Chính phủ đã ban hành Nghị định 02/2011/NĐ-CP quy định riêng về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, thay thế cho phần tương ứng trong Nghị định 56/2006/NĐ-CP vốn bao quát quá rộng vấn đề xử phạt hành chính trong tất cả hoạt động văn hóa-thông tin.

Tăng mức phạt bảo vệ nhà báo

Điểm mới của văn bản này là quy định mức phạt khá cao với hành vi cản trở bất hợp pháp hoạt động báo chí. Chẳng hạn, người xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo khi đang hoạt động nghiệp vụ đúng luật sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng. Mức phạt tăng gấp đôi nếu có hành vi cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng luật.

Với các hành vi có tính chất nghiêm trọng hơn như đe dọa, uy hiếp tính mạng hoặc hủy hoại, cố ý làm hư hỏng hoặc thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động của phóng viên sẽ bị phạt 20-30 triệu đồng. Ngoài hình thức phạt tiền, người vi phạm còn phải xin lỗi và buộc trả lại phương tiện, tài liệu bị thu giữ trái phép.

Các hành vi cản trở bất hợp pháp hoạt động báo chí sẽ có mức phạt khá cao. Trong ảnh: Phóng viên đang tác nghiệp tại một phiên tòa. Ảnh minh họa: HTD

Nghị định cũng nêu khá chi tiết hình thức xử phạt với các vi phạm về nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí, mạo danh báo chí. Chẳng hạn, người cản trở việc cung cấp thông tin cho báo chí hoặc không cung cấp thông tin như nghĩa vụ được quy định trong Luật Báo chí sẽ bị phạt tiền 1-3 triệu đồng; mạo danh nhà báo, phóng viên để hoạt động báo chí nhằm trục lợi thì bị phạt 3-5 triệu đồng. Nếu lợi dụng tư cách nhà báo để trục lợi hoặc can thiệp trái pháp luật hoặc cản trở hoạt động đúng pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì bị phạt 5-10 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng thẻ nhà báo không thời hạn.

Phạt nặng cơ quan báo chí làm sai

Bên cạnh các biện pháp xử lý hành vi cản trở, đe dọa, gây khó khăn cho nhà báo tác nghiệp nêu trên, nghị định liệt kê hàng chục hành vi được coi là vi phạm của chính cơ quan báo chí, phóng viên kèm theo mức phạt rất nghiêm khắc.

Chẳng hạn, phóng viên nước ngoài hoạt động không có giấy phép do cơ quan nhà nước cấp sẽ bị phạt tiền 20-30 triệu đồng. Cơ quan báo chí đưa tin sai sự thật, minh họa, rút tít không phù hợp nội dung thông tin, làm người đọc hiểu sai; tiết lộ bí mật đời tư khi chưa được đồng ý của người đó hoặc thân nhân người đó (trừ trường hợp pháp luật quy định khác); đăng phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của họ… thì bị phạt tiền 3-5 triệu đồng.

Trường hợp báo chí miêu tả tỉ mỉ hành động dâm ô, chém giết rùng rợn, phi nhân tính trong các tin, bài viết, hình ảnh; đăng tin bài, tranh, ảnh kích dâm, khỏa thân, hở thân thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam, cơ quan vi phạm sẽ bị phạt 10-30 triệu đồng.

Còn nhiều loại hành vi khác bị nghị định coi là vi phạm và bị xử phạt như vi phạm quy định về cải chính; về trình bày, phát hành sản phẩm báo chí… Các hành vi như không ghi rõ họ, tên thật hoặc bút danh của tác giả, nhóm tác giả của tin, bài khi sử dụng đăng, phát trên báo chí; sử dụng tin, bài để đăng, phát trên báo chí nhưng không biết rõ tên thật, địa chỉ của tác giả cũng bị coi là vi phạm và bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 1-3 triệu đồng.

Điều khoản "không dẫn nguồn" mâu thuẫn với Luật Báo chí

Trong Nghị định 02/2011 có một điều khoản gây tranh cãi là việc cơ quan báo chí không viện dẫn nguồn tin khi đăng, phát trên báo cũng bị coi là vi phạm và bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 1-3 triệu đồng. Quy định này có thể mâu thuẫn với Luật Báo chí, vốn cho phép phóng viên, cơ quan báo chí được giữ bí mật để bảo vệ nguồn tin. Cụ thể, Luật Báo chí quy định rõ: “Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của viện trưởng VKSND hoặc chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng”.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới