Cần xây nhiều cầu giải quyết ùn ứ cho khu Nam TP.HCM

(PLO)- Khu Nam TP.HCM đang chờ hàng loạt dự án được khởi công và sớm hoàn thành để giải quyết tình trạng ùn ứ mỗi ngày.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 21-9, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông), cho biết hiện khu Nam TP.HCM đã rơi vào tình trạng kẹt xe mỗi ngày. Do đó, trong quy hoạch chúng ta rất cần những cây cầu vượt kết nối các quận 7, 1 và 8 nhằm giải quyết tình trạng này.

Tình trạng kẹt xe khu vực phía nam TP.HCM ngày càng nghiêm trọng. Trong ảnh: Lượng xe đông đúc trên đường Nguyễn Tất Thành (quận 4). Ảnh: ĐT

Tình trạng kẹt xe khu vực phía nam TP.HCM ngày càng nghiêm trọng.

Trong ảnh: Lượng xe đông đúc trên đường Nguyễn Tất Thành (quận 4). Ảnh: ĐT

Người dân mất nhiều thời gian di chuyển

“Tôi đã mất hàng giờ đồng hồ di chuyển qua cầu Kênh Tẻ sang đường Nguyễn Hữu Thọ để về nhà ở huyện Nhà Bè. Tuy đoạn đường chưa tới 3 km nhưng ô tô đã phải đứng hình cả giờ đồng hồ. Thực sự kẹt xe khi về quận 7, huyện Nhà Bè là nỗi ám ảnh của người dân khi lưu thông qua đây” - anh Lực (ngụ huyện Nhà Bè) chia sẻ.

Anh Nguyễn Hữu Giang (ngụ quận 7) cũng cho rằng tình trạng kẹt xe từ đường Huỳnh Tấn Phát lên đường Nguyễn Tất Thành vào giờ cao điểm sáng và tối thực sự là nỗi ngán ngẩm.

“Cứ đến cầu Tân Thuận (quận 7) sang đường Nguyễn Tất Thành (quận 4) là bị kẹt dù ở bất cứ thời điểm nào. Ô tô thì chiếm nguyên phần đường chật hẹp, xe máy leo lên hết cả vỉa hè nhưng vẫn không thể thoát kẹt. Ngày nào đi làm cũng mất gần 2 giờ đồng hồ dù đoạn đường không quá xa” - anh Giang than thở.

Trước thực trạng trên, Sở GTVT TP.HCM cho biết đơn vị đã có nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng ùn ứ trên đường Nguyễn Tất Thành. Theo đó, sở đã không cho xe container chạy trên đoạn từ cầu Khánh Hội đến cổng kho 5 (gần chân cầu Tân Thuận).

Bên cạnh đó, sở cũng đóng dải phân cách không cho xe quay đầu ở một số vị trí trong giờ cao điểm nhằm hạn chế giao cắt các hướng đi giữa những luồng giao thông.

Đối với khu vực đường Nguyễn Hữu Thọ, TP.HCM đã tiến hành mở rộng thêm một phần diện tích cầu Kênh Tẻ. Bước đầu thực hiện hầm chui dự án nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ.

Cần trông chờ vào các dự án lớn

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lương Minh Phúc, cho biết không chỉ đường Nguyễn Tất Thành mà nhiều tuyến đường kết nối khu Nam với trung tâm đã bị quá tải.

Ban giao thông cho rằng phía nam TP đang rất cần những cây cầu vượt kết nối các quận 7, 1 và 8 để thực sự mang lại hiệu quả trong quy hoạch giao thông.

Theo ông Phúc, TP đang rất cần những cây cầu vượt kết nối các quận 7, 1 và 8. Khi có các cây cầu kết nối như vậy mới thực sự mang lại hiệu quả trong quy hoạch giao thông.

Ông Phúc cũng cho biết một trong các dự án được ưu tiên đầu tư là công trình cầu đường Nguyễn Khoái. Dự án sẽ kết nối khu vực Him Lam, quận 7 sang quận 4 và đấu nối xuống đường Võ Văn Kiệt. Hiện nay, dự án này đã hoàn thành các bước trình tự thủ tục đầu tư và TP đang đợi bố trí vốn trong hạn bổ sung.

Dự án cần đầu tư tiếp theo là cầu vượt Bình Tiên, đi từ quận 6 nối dài qua kênh Tàu Hủ - Bến Nghé và sẽ nối vào đường Nguyễn Văn Linh. Khu vực này cũng chính là điểm đầu của dự án mở rộng quốc lộ 50 mà cuối năm 2022 sẽ triển khai thi công.

“Đối với dự án cầu vượt Bình Tiên, TP đang khảo sát lại hình thức đầu tư, có thể là PPP hoặc đầu tư công để triển khai sớm” - ông Phúc thông tin thêm.

Cũng theo ông Phúc, trong tương lai, tuyến đường vành đai 2 cũng có cây cầu chạy qua kênh Tàu Hủ - Bến Nghé và qua bến Phú Định. Tuy nhiên, cầu Phú Định hiện nằm trong nguồn vốn của dự án đường vành đai 2 và TP đang có kế hoạch triển khai trong thời gian tới. Dự kiến 2-3 năm nữa mới có thể đưa dự án vào hoạt động. Sau khi các dự án này hoàn thành sẽ giải quyết được tình trạng ùn ứ của khu Nam TP.

Ông Phúc cho biết thêm UBND huyện Nhà Bè cũng kiến nghị làm trục 15B song song với đường Huỳnh Tấn Phát, kết nối với điểm đầu của cầu Cần Giờ. Đây cũng là tuyến đường của trục bắc - nam góp phần giảm tải cho hệ thống giao thông hiện nay, đặc biệt là Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Tất Thành.

Bên cạnh đó, các trục đông - tây như trục kho B, kho C và hoàn thành dự án cầu Cây Khô cũng được huyện Nhà Bè đề xuất sớm triển khai và hoàn thành. Sau khi các dự án này được hoàn thành sẽ tạo điều kiện cho các xe di chuyển về hướng huyện Bình Chánh thuận lợi hơn.

Về tương lai, cầu Thủ Thiêm 4 được xây dựng cũng sẽ mở ra một hướng đi mới về TP Thủ Đức. “Như vậy, tất cả quy hoạch đều có và một số dự án đã ở bước chuẩn bị đầu tư. Sau khi cân đối được nguồn vốn thì 3-5 năm tới, hàng loạt dự án giao thông sẽ được triển khai đầu tư, giảm tải cho một số tuyến đường hiện hữu hiện nay” - ông Phúc nhận định.•

Tiến độ nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ

Ông Lương Minh Phúc cho biết dự án Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ đã hoàn thiện các thủ tục di dời điện, nước. Trong đó, mục tiêu từ nay đến cuối năm sẽ chiếm dụng nguyên mặt bằng ngã tư Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ để đẩy nhanh tiến độ hai hầm chui.

Ban giao thông đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công để đến ngày 30-4-2023 sẽ xong hầm chui HC2 và cuối năm 2023 sẽ hoàn thành hầm chui HC1. Dự án này hoàn thành sẽ tạo điều kiện lưu thông cho các xe trên đường Nguyễn Văn Linh, giảm giao cắt giữa các luồng xe, giảm thiểu ùn tắc giao thông trong khu vực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm