Đã hàng chục năm dư luận lên tiếng cũng nhiều, rồi toàn ngành giáo dục tổ chức “Cuộc vận động nói không với bệnh thành tích” nhưng đâu lại vào đấy!
Năm ngoái có chuyện nghe qua thật đáng buồn. Tại kỳ thi HSG cấp tỉnh, Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa phát hiện 58 bài thi của HS nhiều trường học có đánh dấu bài thi. Thế đó, bệnh thành tích còn xuất hiện trong kỳ thi HSG nữa! Nếu các bài thi có “đánh dấu” thì các HS thi đạt danh hiệu HSG có còn giỏi nữa không?
Thêm một chuyện buồn… cười khác: Cũng năm ngoái tại tỉnh Tây Ninh, kết quả kỳ thi HSG lớp 9 của tỉnh này có đến 14/79 HS dự thi môn toán dính… điểm 0. Điều đáng nói là trước đó, một số em ở vòng thi HSG cấp huyện đã đạt giải nhì, giải ba!
Bệnh thành tích còn biểu hiện vào mỗi đầu năm học, hiệu trưởng thông báo cấp trên (tức là phòng giáo dục) khoán cho trường cuối năm phải đạt 80%-90% HSG và khá. Chỉ tiêu này được quán triệt đến từng giáo viên chủ nhiệm. Đến cuối năm, giáo viên nào không hoàn thành chỉ tiêu thì… lên phòng hiệu trưởng viết kiểm điểm. Nhưng khổ nỗi là HS đâu phải toàn khá, giỏi. Thế là gần cuối năm, giáo viên “ra chiêu”: Cho một số câu hỏi kèm đáp án bắt HS học thuộc lòng. Khi kiểm tra chỉ thay đổi vài chỗ “cho có”, ví dụ đề văn tả sân trường giờ ra chơi thì đổi trước khi vào lớp, đề toán thì thay vài con số cộng trừ. Vậy mà có em làm không được, phải tổ chức lại lần 1, lần 2… cho đến khi đạt điểm 9, 10 mới thôi. Thử hỏi với cách làm này HS nào mà không giỏi?!
Một nguyên nhân khác theo tôi cũng góp phần lớn làm lạm phát HSG. Đó là quy định xét tuyển vào lớp đầu cấp (lớp 6, 10) ưu tiên cho HSG, chưa kể nếu đạt danh hiệu này các em còn được cộng thêm điểm vào hồ sơ xét tuyển. Thế là sinh ra tình trạng phụ huynh “o bế” giáo viên để con mình được xếp loại giỏi. Năm nay, lần đầu tiên áp dụng quy định xét học bạ cộng với điểm thi để công nhận tốt nghiệp THPT, người ta dự báo con số HSG sẽ gia tăng chóng mặt!
Bệnh thành tích trong nhà trường đến nay chưa xóa bỏ được là vì sao? Vì những nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh thành tích nói trên chưa được xóa bỏ. Mà ai xóa bỏ? Phải từ cấp cao nhất (Bộ GD&ĐT) làm trước rồi mới đến các cấp thấp hơn, cuối cùng là đơn vị trường, lớp mà giáo viên chúng tôi là những người thừa hành thực hiện. Tôi mong có một cuộc họp toàn ngành để lãnh đạo các cấp cùng ngồi lại quyết tâm bàn cách tháo gỡ.
Nguyễn Trọng (giáo viên, TP.HCM)