Căng thẳng cuộc chiến bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc

(PLO)- Cuộc cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường chip bán dẫn giữa Mỹ - Trung Quốc đang nóng hơn bao giờ hết khi Mỹ quyết đổ thêm hàng chục tỉ USD hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Cuộc cạnh tranh chất bán dẫn vốn đã nóng giữa Mỹ và Trung Quốc (TQ) lâu nay một lần nữa thu hút sự chú ý với việc Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 9-8 ký ban hành Đạo luật Khoa học và CHIPS trị giá 280 tỉ USD, một nỗ lực mạnh nhằm thúc đẩy các ngành công nghệ cao ở nước này. Mỹ dự tính sẽ chi 200 tỉ USD trong 10 năm nghiên cứu lĩnh vực bán dẫn, trước mắt chi 52 tỉ USD trợ cấp trực tiếp cho các nhà sản xuất chip bán dẫn trong nước nhằm giải quyết tình trạng thiếu chip kéo dài và giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia khác như TQ.

Trung Quốc đang đuổi kịp Mỹ về công nghệ

Đài CNN cho biết TQ từ lâu được đánh giá là thế lực đáng kể trong lĩnh vực sản xuất công nghệ. Theo một phân tích gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CISIS), nước này cũng nhanh chóng giành chỗ đứng trên thị trường chip bán dẫn, trong đó đứng đầu toàn cầu về lắp ráp, đóng gói, thử nghiệm và đứng thứ tư (trước Mỹ) về chế tạo tấm wafer - một thành phần yếu tố quan trọng trong sản xuất chip.

“Đó thực sự là mạng lưới khổng lồ. Dù nội địa hóa đến đâu thì sự phụ thuộc lẫn nhau là không tránh khỏi. Đây là vấn đề thuộc về toàn cầu hóa, dù cách này hay cách khác” - chuyên gia Zachary Collier cho biết. Theo ông và nhiều chuyên gia khác, các quốc gia dù cố gắng xây dựng các cơ sở sản xuất trong nước như thế nào thì vẫn không thể tách khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là lĩnh vực phức tạp như chip bán dẫn.

Mỹ hiện phụ thuộc TQ về sản xuất chip bán dẫn và các sản phẩm công nghệ khi các công ty Mỹ như Apple, Google, Microsoft... đều có đối tác đặt nhà máy tại đây. Đại dịch COVID-19 đã gây ra sự thiếu hụt nguồn cung chip trên toàn cầu khi các đợt phong tỏa nghiêm ngặt của TQ đã khiến các nhà máy bị đình trệ và ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng. Nhiều khu vực đang xem xét lại cách tiếp cận để có thể độc lập hơn và giảm sự phụ thuộc vào dây chuyền sản xuất chip của TQ.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nhiều lần đánh giá cao tầm quan trọng của việc chuyển các hoạt động trong chuỗi cung ứng hàng hóa về các nước thân thiện, cụ thể là chuyển chuỗi cung ứng qua các đồng minh như Hàn Quốc và Nhật. Không chỉ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã đề xuất các khoản đầu tư trị giá hàng chục tỉ USD trong những năm tới để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn của toàn khu vực châu Âu.

Chip bán dẫn được trưng bày tại hội nghị bán dẫn thế giới ở TP Nam Kinh (Trung Quốc) hồi tháng 8-2020. Ảnh: ORIENTAL IMAGE

Về phía TQ, nước này vẫn tập trung phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn như một phần của kế hoạch năm năm được Bắc Kinh công bố năm ngoái.

“Ngày càng có nhiều sự công nhận rằng công nghệ sẽ quyết định ai chiến thắng trong nền kinh tế toàn cầu thời gian tới” - bà Kenton Thibaut, chuyên gia của tổ chức Atlantic Council’s Digital Forensic Research Lab (Mỹ), cho hay. Dù vậy, bà cũng nói thêm rằng việc hoàn toàn tự chủ trong lĩnh vực sản xuất chip vẫn rất khó vì cần đạt được độ chín trong nhiều lớp công nghệ và các lĩnh vực chuyên sâu liên quan.

Mỹ nỗ lực tạo khoảng cách

Theo CNN, công ty sản xuất chip bán dẫn Đài Loan (TSMC) - nhà sản xuất chip có hợp đồng lớn nhất thế giới đã bắt đầu kế hoạch đầu tư 12 tỉ USD để xây dựng nhà máy ở bang Arizona (Mỹ), dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động từ năm 2024. Một nhà sản xuất Đài Loan khác là GlobalWafers gần đây cũng đã cam kết 5 tỉ USD để xây dựng nhà máy ở bang Texas.

Trước đó, các công ty SK Group và Samsung của Hàn Quốc cũng bắt đầu tăng cường sự hiện diện trong lĩnh vực sản xuất công nghệ tại Mỹ bằng các kế hoạch hàng chục tỉ USD để xây dựng nhà máy. Các công ty bán dẫn trong nước như Intel cũng làm điều tương tự.

Theo các chuyên gia, đạo luật Khoa học và CHIPS có khả năng thúc đẩy nhiều công ty đưa nhà máy đến Mỹ hơn trong thời gian tới. “Xây nhà máy là quá trình tiêu tốn nhiều tiền của và thời gian. Do đó, các công ty chỉ chuyển dịch khi được thúc đẩy bằng tài chính và chính sách tốt” - PGS Zachary Collier thuộc ĐH Radford (Mỹ) nhận xét.

Theo công bố của Tổng thống Biden, gói tài trợ 53 tỉ USD trong khuôn khổ đạo luật mới sẽ được giải ngân trong năm năm tới để mở rộng sản xuất bán dẫn của Mỹ, trong đó bao gồm 1,5 tỉ USD hỗ trợ cho các công ty viễn thông cạnh tranh với các công ty TQ như Huawei. Các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất bán dẫn cũng sẽ được khấu trừ thuế 25%.

Ông Collier ước tính Mỹ hiện chiếm khoảng 1/4 nhu cầu chip bán dẫn toàn cầu nhưng sản lượng do các công ty sản xuất tại đây chỉ khoảng 12%. Trước đó, báo cáo tài chính quý II-2022 của TSMC cho biết thị trường Bắc Mỹ hiện chiếm tới 65% doanh thu, trong khi TQ là 10% và Nhật là 5%.

“Các công ty sẽ tiến vào nước Mỹ nhờ chính sách tốt. Dù vậy, việc thay thế TQ trong một sớm một chiều có lẽ là không hề dễ dàng” - ông Collier nói.

Còn theo bà Thibaut, TQ đang có lợi thế với chiến lược phối hợp quảng bá các công nghệ của mình và cung cấp cơ sở hạ tầng quan trọng cho các quốc gia có nhu cầu. Mỹ và các nước khác cũng cần phát triển một chiến lược xoay quanh công nghệ không chỉ tập trung vào việc cạnh tranh với TQ, mà còn chủ động cung cấp các giải pháp thực sự cho các nhu cầu thực tế.•

Trung Quốc chỉ trích đạo luật chất bán dẫn của Mỹ

Sáng 10-8, Bộ Ngoại giao TQ chỉ trích đạo luật mới của Mỹ là mối đe dọa đối với thương mại khi sẽ “làm gián đoạn thương mại quốc tế và tác động xấu đến chuỗi cung ứng chip bán dẫn toàn cầu”, đồng thời là một cuộc tấn công vào doanh nghiệp TQ. Hội đồng Xúc tiến Thương mại quốc tế TQ và Phòng Thương mại quốc tế TQ cũng cho rằng đạo luật mới sẽ nâng cao lợi thế của Mỹ trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn, từ đó tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các quốc gia, tờ China Daily đưa tin.

Sự gián đoạn nguồn cung chip sau đại dịch đã cản trở sản xuất nhiều mặt hàng từ điện thoại thông minh đến ô tô, làm nổi bật sự phụ thuộc của thế giới vào chip Đài Loan (nơi sản xuất 90% chip cao cấp) và các nhà máy TQ lắp ráp hầu hết thiết bị điện tử. Nhiều nhà quan sát cho rằng đạo luật của Mỹ có thể là một phần phản ứng của nước này với cảnh báo rằng nguồn cung có thể bị gián đoạn nếu TQ tấn công Đài Loan - một khả năng được bàn đến nhiều sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Bắc tuần rồi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới