Tình hình trên bán đảo Triều Tiên những ngày qua vô cùng căng thẳng, khi Triều Tiên gần đây có nhiều tuyên bố và động thái rắn liên quan cáo buộc rằng Hàn Quốc đã cho máy bay không người lái (UAV) xâm nhập không phận Bình Nhưỡng.
Bình Nhưỡng kích nổ tuyến đường liên Triều
Ngày 15-10, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) nói rằng Triều Tiên đã cho nổ tung một số đoạn đường liên Triều ở phía Triều Tiên, theo hãng thông tấn Yonhap.
Theo JCS, vào khoảng giữa trưa ngày 15-10 (giờ địa phương), một số đoạn đường ở phía bắc của đường phân giới quân sự (MDL) giữa hai nước đã bị cho nổ tung. Cụ thể, các vụ nổ xảy ra tại các khu vực chỉ cách MDL 10 m vào khoảng 11 giờ 50 sáng (giờ địa phương) trên đường dọc theo tuyến Kyungui và khoảng 12 giờ trưa (giờ địa phương) trên đường dọc theo tuyến Donghae.
“Triều Tiên đã kích nổ một phần các tuyến đường Gyeongui và Donghae ở phía bắc MDL vào khoảng giữa trưa và đang tiến hành các hoạt động bổ sung bằng cách sử dụng thiết bị hạng nặng" - JCS thông báo, đồng thời cho biết thêm rằng phía Seoul đã tăng cường khả năng giám sát và sẵn sàng ứng phó.
JCS cho biết quân đội Hàn Quốc không chịu bất kỳ thiệt hại nào và họ đáp trả bằng cách nổ súng ở phía nam MDL như một biện pháp tự vệ, đồng thời cảnh báo các hành động của Triều Tiên có thể vi phạm Thỏa thuận đình chiến liên Triều (ký kết năm 1953). "Quân đội đang theo dõi chặt chẽ các hoạt động của quân đội Triều Tiên và duy trì tư thế sẵn sàng ứng phó, đồng thời tăng cường giám sát dưới sự hợp tác giữa Hàn Quốc và Mỹ" - theo tuyên bố của JCS.
Hàn Quốc cũng công bố đoạn video ghi lại cảnh Triều Tiên cho nổ tung một số đoạn đường liên Triều ở phía Triều Tiên.
Vụ việc trên xảy ra không lâu sau khi quân đội Triều Tiên hôm 14-10 tuyên bố sẽ "tách hoàn toàn" lãnh thổ của Triều Tiên khỏi lãnh thổ của Hàn Quốc, và cho biết đã thông báo cho quân đội Mỹ về động thái này để "ngăn chặn mọi phán đoán sai lầm và xung đột ngoài ý muốn".
Theo Yonhap, vụ Triều Tiên cho nổ tuyến đường liên Triều động thái mới nhất trong bối cảnh căng thẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên leo thang trở lại gần đây.
Các tuyến đường liên Triều là minh chứng của các giai đoạn xích lại gần nhau trong quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, bao gồm hội nghị thượng đỉnh năm 2018 khi lãnh đạo hai nước tuyên bố sẽ không còn chiến tranh và mở ra một kỷ nguyên hòa bình mới.
Thực hư UAV Hàn Quốc xâm nhập Bình Nhưỡng
Trước đó, ngày 11-10, Triều Tiên cáo buộc Hàn Quốc đã điều máy bay không người lái (UAV) rải “một lượng lớn” truyền đơn vào thủ đô Bình Nhưỡng với nội dung chống Triều Tiên, hãng thông tấn KCNA đưa tin. Bình Nhưỡng gọi việc Hàn Quốc rải truyền đơn vào Bình Nhưỡng là “hành động khiêu khích chính trị và quân sự”, có thể dẫn đến xung đột vũ trang.
Liên quan cáo buộc UAV Hàn Quốc xâm nhập Bình Nhưỡng, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tổ chức một cuộc họp với các quan chức an ninh hàng đầu để thảo luận về an ninh quốc gia trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tăng nhiệt, theo KCNA.
Tại cuộc họp, ông Kim đưa ra kế hoạch thực hiện “hành động quân sự ngay lập tức” và đề xuất “các nhiệm vụ quan trọng cần hoàn thành trong hoạt động răn đe chiến tranh và thực thi quyền tự vệ để bảo vệ chủ quyền quốc gia”. Không rõ cụ thể hành động quân sự mà ông Kim nói cụ thể là gì. Ngoài ra, bà Kim Yo-jong - em gái lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un - đã cảnh báo về một "thảm họa khủng khiếp" nếu UAV của Hàn Quốc lại bay qua thủ đô Bình Nhưỡng.
KCNA cũng đưa tin quân đội Triều Tiên ngày 12-10 đã yêu cầu 8 lữ đoàn pháo binh ở biên giới phía nam của nước này trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu và các lực lượng phòng không của nước này cần tăng cường nhiệm vụ bảo vệ thủ đô Bình Nhưỡng.
Về vấn đề này, Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết không thể xác nhận liệu các tuyên bố của Triều Tiên về sự xâm nhập của UAV Hàn Quốc có đúng hay không. Ngoài ra, phía Hàn Quốc cũng tố Triều Tiên tiếp tục thả bóng bay chứa rác vào không phận Hàn Quốc, gọi các hành động này của Bình Nhưỡng là đáng xấu hổ.
Như đã nói ở trên, phía Triều Tiên cáo buộc Hàn Quốc triển khai UAV xâm nhập Bình Nhưỡng, song Seoul chỉ nói rằng không thể xác nhận liệu các tuyên bố của Triều Tiên về sự xâm nhập của UAV Hàn Quốc có đúng hay không chứ không bác bỏ hay thừa nhận cáo buộc. Quân đội Hàn Quốc tuyên bố sẽ không trả lời các câu hỏi về UAV vì làm như vậy sẽ trở thành cái cớ để Triều Tiên tiếp tục các hành động khiêu khích trong tương lai.
Đến nay, câu trả lời thực sự cho các cáo buộc của Triều Tiên liên quan vụ UAV Hàn Quốc xâm nhập Bình Nhưỡng vẫn còn bỏ ngỏ, song vụ việc vẫn khiến căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên ngày càng leo thang.
Ông Putin đệ trình hiệp ước với Triều Tiên lên quốc hội Nga
Ngày 14-10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đệ trình một văn bản về việc phê chuẩn hiệp ước quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Triều Tiên lên Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga và đề nghị cơ quan này thông qua, theo đài RT.
Báo đài Nga sau đó đưa tin rằng đề xuất phê chuẩn đã được ghi nhận trong hồ sơ của cơ quan lập pháp.
Hiệp ước này được ký kết trong chuyến đi của ông Putin tới Bình Nhưỡng hồi tháng 6, gồm các cam kết của Nga và Triều Tiên trong việc cùng hợp tác để đảm bảo hòa bình và an ninh lâu dài trong khu vực và quốc tế.
Đáng chú ý, hiệp ước có một điều khoản là nếu một trong hai bên phải chịu một cuộc tấn công vũ trang của một quốc gia hoặc một số quốc gia và nhận thấy mình đang ở trong tình trạng chiến tranh, thì bên kia sẽ cung cấp ngay lập tức sự hỗ trợ quân sự và các hỗ trợ khác bằng mọi cách có thể theo Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc gia.
Hai nước cũng cam kết không ký kết bất kỳ thỏa thuận nào “có hại cho chủ quyền, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ, quyền tự do lựa chọn và phát triển hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa và các lợi ích quan trọng khác của bên kia” với bất kỳ quốc gia thứ ba nào.