Mỹ thời gian qua đang âm thầm phát tín hiệu ngầm ủng hộ tịch thu khối tài sản hơn 300 tỉ USD bị phong tỏa của Nga tại các quốc gia phương Tây để viện trợ cho Ukraine và đang thảo luận vấn đề này với các đồng minh khác, theo tờ The New York Times.
Một quan chức Mỹ cấp cao giấu tên cho hay ngay cả khi Quốc hội Mỹ thông qua được gói viện trợ lần này cho Ukraine, sự ủng hộ ngày càng giảm của một bộ phận đảng Cộng hòa đối với Ukraine vẫn yêu cầu một nguồn tài trợ thay thế.
Dù vậy, một số ý kiến tỏ ra thận trọng trước ý tưởng này, khi nếu được thông qua sẽ là điều chưa có tiền lệ với số tiền lớn như vậy.
Số tiền có thể thay đổi cuộc chiến
Nguồn tin của The New York Times cho biết các cuộc đàm phán về việc chuyển tài sản phong tỏa của Nga cho Ukraine đã diễn ra rất sôi nổi giữa các quan chức hàng đầu của Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada và Nhật những tuần gần đây. Phía Mỹ được cho là nỗ lực thúc đẩy các đồng minh có thể cùng đưa ra chiến lược chính thức trước ngày 24-2-2024 - kỷ niệm hai năm ngày Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Một trong những chi tiết đang được cân nhắc là 300 tỉ USD sẽ được chuyển trực tiếp hay sẽ dùng để hỗ trợ Ukraine bằng cách khác.
Kể từ tháng 2-2022, Nga đã mất kiểm soát hoàn toàn khối tài sản hơn 300 tỉ USD nói trên sau khi Mỹ và đồng minh áp dụng các biện pháp phong tỏa nhằm trừng phạt Moscow. Việc thu giữ và sử dụng khối tài sản này là một bước tiến rất lớn và cần được xem xét thận trọng về mặt pháp lý.
Chẳng hạn, các quan chức Mỹ và đồng minh cũng đang thảo luận về cơ chế liên quan việc sử dụng quỹ, liệu số tiền này chỉ được dùng cho mục đích tái thiết cơ sở hạ tầng dân sự và bổ sung vào ngân sách Ukraine hay trực tiếp chi vào các gói viện trợ quân sự.
Tờ Financial Times trước đó đưa tin chính quyền Tổng thống Joe Biden có quan điểm rằng việc tịch thu tài sản của Nga là khả thi theo luật pháp quốc tế.
Chuyên gia Philip Zelikow thuộc Viện Hoover (Mỹ) nhận định 300 tỉ USD sẽ là số tiền có thể thay đổi hoàn toàn cán cân cuộc chiến và các cuộc thảo luận giữa Mỹ và đồng minh thực sự là “yếu tố sống còn cho Ukraine”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuần trước cho biết quyết định về việc sử dụng tài sản Nga bị phong tỏa như thế nào là một trong những “vấn đề rất quan trọng” mà ông đề cập trong chuyến thăm Mỹ mới đây. Ông dường như gợi ý rằng số tiền này nên hướng vào việc mua vũ khí, đồng thời nói thêm: “Tài sản của chính quyền Nga và đồng minh của họ nên được sử dụng để hỗ trợ Ukraine và bảo vệ người dân Ukraine khỏi sự tấn công của Nga”.
Trong một dấu hiệu đầu tiên cho thấy một số nước châu Âu đã sẵn sàng cho nước đi tịch thu tài sản của Nga, các công tố viên Đức đầu tuần này đã thu giữ khoảng 790 triệu USD từ tài khoản đặt tại Đức của một công ty tài chính Nga có tên trong danh sách thực thể bị trừng phạt của Liên minh châu Âu.
Trong khi đó, chính quyền ông Biden đến nay vẫn giữ kín mọi nội dung liên quan các cuộc đàm phán về tài sản của Nga bị phong tỏa. Theo ước tính của một số tổ chức tài chính, rất ít tài sản của Nga được đặt tại Mỹ, chỉ vào khoảng 5 tỉ USD. Tuy nhiên, một phần đáng kể dự trữ ngoại hối của Nga là đồng USD, cả ở Mỹ và châu Âu. Mỹ có quyền giám sát mọi giao dịch liên quan đồng USD và đang sử dụng các biện pháp trừng phạt để vô hiệu hóa các khoản này của Nga.
The New York Times cho hay khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi tháng 2, các quan chức Mỹ đã rất ngạc nhiên khi Nga không tìm cách hồi hương các tài sản đang đặt ở các nước phương Tây. Tuy nhiên, sau đó Washington nhận định quyết định này là nhằm tránh cho tình báo phương Tây phát hiện Nga chuẩn bị mở chiến dịch ở Ukraine.
Nga sẽ phản ứng như thế nào?
Việc thu giữ số tiền lớn như vậy từ một quốc gia có chủ quyền khác là điều chưa có tiền lệ và hành động như vậy có thể gây ra những hậu quả kinh tế và pháp lý khó lường. Nó cũng gần như chắc chắn sẽ dẫn đến các vụ kiện và trả đũa từ Nga.
Hồi cuối tháng 1, Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin cho biết việc Mỹ và đồng minh tịch thu tài sản của Nga là động thái “bất hợp pháp” và sẽ tạo cho Moscow “cơ sở đạo đức và pháp lý” để tịch thu lại tài sản của phương Tây, vốn “nhiều hơn số tiền bị đóng băng của Nga”.
“Một số chính trị gia Mỹ và châu Âu một lần nữa nói về việc lấy cắp các quỹ đóng băng của Nga để tiếp tục quân sự hóa Kiev. Một quyết định như vậy sẽ dẫn tới một phản ứng tương xứng từ Nga” - ông Volodin tuyên bố, theo đài RT.
Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cũng nói rằng động thái như vậy “vi phạm tất cả quy tắc hiện có”, đồng thời lưu ý rằng những cá nhân quyết định tịch thu tài sản dự trữ của Nga sẽ phải đối mặt với những hậu quả pháp lý và tư pháp “nghiêm trọng”.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov mới đây đã cảnh báo tương tự rằng Moscow sẽ phong tỏa nhiều tài sản trong các tài khoản loại C ở Nga. Tài khoản loại C là nơi lưu giữ tài sản phong tỏa của người nước ngoài ở Nga. Ngân hàng Trung ương Nga cho biết số tiền trong tài khoản loại C ở Nga vào khoảng 3 tỉ USD.
“Con số này không nhỏ và lợi nhuận từ việc sử dụng các tài sản đó cũng đáng kể. Chúng tôi có thể sử dụng chúng nếu các đối tác không thân thiện có động thái tương tự” - ông Siluanov cho hay.•
Sẽ thành công nếu phương Tây đoàn kết
Cựu Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert B. Zoellick cho rằng miễn là Mỹ và đồng minh đồng lòng hành động, việc tịch thu tài sản của Nga sẽ không ảnh hưởng đến đồng nội tệ của các nước này hoặc vị thế của đồng USD.
Cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Lawrence Summers nhận định luật pháp quốc tế cho phép các quốc gia nắm giữ tài sản của Nga có quyền hủy bỏ nghĩa vụ của mình với Nga và tịch thu các tài sản để gộp vào số tiền mà Nga phải trả “vì vi phạm luật pháp quốc tế khi đã tấn công Ukraine”. Ông viện dẫn trường hợp Iraq xâm chiếm Kuwait năm 1990, 50 tỉ USD trong các quỹ của Iraq đã bị tịch thu và chuyển qua Liên hợp quốc để bồi thường cho các nạn nhân ở Iraq và các nước khác bị ảnh hưởng do cuộc chiến.