Sau chín năm triển khai, đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng núi Việt Nam” do Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ TN&MT) chủ trì đã xây dựng được một kho bản đồ, dữ liệu đồ sộ.
Từ Hà Nội, tìm Rào Trăng 3 trên bản đồ cảnh báo sạt lở
Bắt đầu từ câu chuyện về hai vụ sạt lở liên tiếp hôm 12 và 13-10, làm chết và mất tích 17 công nhân thủy điện Rào Trăng 3 và 13 cán bộ, chiến sĩ Quân khu 4 đi cứu hộ, Phó Viện trưởng Trịnh Xuân Hòa lật giở tấm bản đồ hiện trạng phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá, chỉ cho chúng tôi khu vực sạt lở đất đá tại thủy điện Rào Trăng 3, nơi vừa xảy ra thảm họa sạt lở khiến nhiều người thiệt mạng.
Trên bản đồ, địa điểm hai vụ việc chết người nằm trong vùng khoanh có nét mực đỏ - vùng có ký hiệu cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá cao. Tại khu vực này, trong quá khứ cũng từng xảy ra nhiều vụ sạt lở đất đá khác, được đánh dấu bằng các mũi tên đỏ.
Ông Hòa cho biết đây mới là bản đồ hiện trạng tỉ lệ 1/50.000 được viện hoàn thành năm 2019 và đã bàn giao cho địa phương. Hiện viện đang hoàn thiện các bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ tỉ lệ 1/50.000 cho các huyện miền núi của Thừa Thiên-Huế. Loại bản đồ này có nội dung cảnh báo, phân vùng nguy cơ sạt lở đất đá chi tiết hơn tới từng huyện, xã…
“Các bản đồ này chỉ đưa ra các dữ liệu, phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá, chứ không thể chỉ ra các điểm sạt lở chính xác, cũng như không thể dự báo thời điểm sạt lở được. Vì sạt lở ở đâu, lúc nào, thế nào còn rất nhiều yếu tố khác, chẳng hạn thời tiết, mưa lũ, biến động bề mặt. Khi sạt lở xảy ra trên thực tế, chúng tôi đều cập nhật vào kho dữ liệu chung”.
Ông Hòa nói và cho hay các bản đồ này sau khi hoàn thành đều được bàn giao cho các cơ quan liên quan và địa phương làm công cụ về quy hoạch, phân bố dân cư cũng như phòng chống thiên tai.
Ông Trịnh Xuân Hòa (trái) giới thiệu các bản đồ hiện trạng, phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá… Ảnh: TRỌNG PHÚ
21 tỉnh thành, 13.233 điểm sạt lở
Đề án này do Viện Khoa học địa chất và khoáng sản chủ trì triển khai từ năm 2012. Kết quả đến thời điểm này là lập được bản đồ hiện trạng sạt lở đất đá tỉ lệ 1/50.000, kèm báo cáo thuyết minh cho 21 tỉnh, thành có núi đồi, chủ yếu từ Đà Nẵng đổ ra phía Bắc.
Theo đó, đã điều tra, khảo sát địa chất, xác minh được gần 15.000 điểm từng xảy ra các tai biến địa chất, gồm 13.233 điểm sạt lở đất đá; 337 điểm lũ ống, lũ quét; 947 điểm xói lở ở bờ sông, suối, biển; 344 điểm khai thác mỏ sụt lún; 22 điểm sụt lún, karst ngầm…
Từ bản đồ hiện trạng, đề án cụ thể hóa được 15 bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá tỉ lệ 1/50.000 cho 15 tỉnh, thành miền núi, chủ yếu từ Nghệ An đổ ra phía Bắc. Theo đó, đánh giá và chỉ ra được sáu tỉnh, thành có nguy cơ sạt lở đất đá toàn tỉnh rất cao gồm Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang; tám tỉnh khác có nguy cơ cao và một tỉnh ở mức trung bình.
Toàn bộ kho tư liệu, dữ liệu, bản đồ này đã được chuyển giao cho cơ quan phòng, chống thiên tai trung ương và các tỉnh, thành, các huyện, xã. Đặc biệt, từ năm 2018-2019, các dữ liệu trên đã chuyển giao cho 44 xã trọng điểm tại năm tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Hòa Bình. Trong số này có sơ đồ hiện trạng sạt lở đất đá tỉ lệ 1/10.000, sơ đồ khoanh vùng sạt lở đất đá tỉ lệ 1/10.000.
“Sau khi chuyển giao, cơ quan thực hiện đề án cũng tiến hành tập huấn cho các chuyên viên được giao quản lý, sử dụng bộ sản phẩm đề án cũng như cán bộ phụ trách về công tác phòng, chống thiên tai để từ đó truyền tải các thông tin tới người dân” - ông Hòa nói.
Cơ sở khoa học giảm thiểu hậu quả thiên tai
Phó Viện trưởng Trịnh Xuân Hòa cho hay trong hai loại bản đồ này, bản đồ hiện trạng cung cấp thông tin chi tiết về từng vị trí, từng khu vực đã xảy ra sạt lở đất đá đến thời điểm đã được điều tra và các khoanh vùng sơ bộ khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá cao. Còn bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ cung cấp các thông tin về các mức độ nguy cơ xảy ra sạt lở đất đá mỗi khi các khu vực này hội tụ đầy đủ các điều kiện thuận lợi, kích hoạt các quá trình sạt lở đất đá xảy ra như mưa, lũ.
Dù không dự báo hay chỉ ra thời điểm, địa điểm cụ thể sẽ xảy ra sạt lở đất đá nhưng những dữ liệu, bản đồ trên là cơ sở khoa học quan trọng giúp các cơ quan phòng, chống thiên tai, các địa phương chủ động hơn trong công tác dự báo, cảnh báo, giảm thiểu hậu quả mỗi khi mùa bão lũ về.
“Chẳng hạn, căn cứ vào các sơ đồ hiện trạng, phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá được bàn giao tới từng xã, chính quyền địa phương có thể tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân tự phòng chống rủi ro. Đặc biệt, có thể xác định được khu vực nguy hiểm mà các hộ dân ở đó phải tạm di dời mỗi khi vào mùa mưa, lũ” - ông Hòa nói.
Ngoài phòng, chống thiên tai, bộ công cụ này cũng góp phần cung cấp cho các địa phương các thông tin, dữ liệu, cơ sở khoa học để phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sắp xếp lại dân cư, lồng ghép các kế hoạch, biện pháp phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do sạt lở đất đá gây ra.
Việc quan trọng nhưng thiếu kinh phí Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết đề án này ban đầu dự kiến triển khai trong vòng năm năm là xong nhưng chắc phải triển khai 15-20 năm do thiếu kinh phí. Do đó, phải làm từng giai đoạn, chọn những khu vực có nguy cơ cao làm trước. Làm đến đâu xong đến đó, rồi chuyển giao số liệu cho các địa phương và các cơ quan liên quan. Chẳng hạn, theo người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về ngành tài nguyên, môi trường, kho dữ liệu này đã được chuyển giao cho cơ quan dự báo khí tượng thủy văn để căn cứ vào đó, cùng với dự báo mưa, lũ thì cũng cảnh báo các tỉnh, thành có nguy cơ cao xảy ra sạt lở. “Mục tiêu cao nhất của dự án này là giúp các địa phương quy hoạch, bố trí sắp xếp dân cư, tính trước được khu vực nào nên hay không nên bố trí dân cư, mang tính chất phòng xa. Còn bài toán dự báo thì theo tôi được biết, đến nay chưa nước nào dự báo chính xác được các điểm sạt lở đất, bởi vì điều kiện đầu vào còn nhiều ẩn số nữa…” - ông Hà nói. |