Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) ngày 30-6 cho biết, tuần qua (từ 24-6 – 30-6-2024) ở nước ta xuất hiện các hình thức lừa đảo trực tuyến.
Dưới đây là một số hình thức lừa đảo mà bạn đọc cần biết để tránh:
Mạo danh cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh để lừa đảo
Công an TP Thủ Đức, TP.HCM vừa phát đi cảnh báo về phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới liên quan đến hoạt động xuất nhập cảnh. Đây được xem là hình thức thuộc nhóm đối tượng giả danh cán bộ công an thông qua mạng xã hội, mạng viễn thông để thực hiện hành vi lừa đảo nhưng cách thức tinh vi hơn.
Theo đó, các đối tượng thông qua mạng xã hội để tìm kiếm, tiếp cận với những người có nhu cầu xuất cảnh đi nước ngoài. Đối tượng lừa đảo sẽ hướng dẫn nạn nhân thực hiện các thủ tục nộp hồ sơ hộ chiếu, xin visa; yêu cầu nộp ảnh chân dung, ảnh chụp căn cước công dân để làm thủ tục.
Chỉ trong thời gian ngắn, các đối tượng gửi lại cho nạn nhân ảnh chụp hộ chiếu, visa được xác định giả mạo kiểu cắt ghép, chỉnh sửa. Đối tượng thông báo cho nạn nhân biết về thời gian xuất cảnh, yêu cầu có mặt tại sân bay nhận giấy tờ.
Khi nạn nhân có lòng tin bước đầu thì các đối tượng tiếp tục gửi văn bản giả mạo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an, có nội dung “xác minh, chứng minh nguồn thu nhập và tài chính”, yêu cầu phải chuyển khoản tiền lớn vào tài khoản của Cục Quản lý xuất nhập cảnh để hoàn thiện hồ sơ và sẽ chuyển trả lại sau 30-40 phút. Nếu nạn nhân tin tưởng, thực hiện chuyển tiền thì bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt.
Cảnh báo chiêu thức mạo danh chương trình Shark Tank Việt Nam
Công ty cổ phần TV HUB - nhà sản xuất của chương trình Shark Tank Việt Nam vừa cảnh báo về việc một số đối tượng có hành vi giả mạo TV HUB, chương trình Shark Tank, sử dụng hình ảnh các nhà đầu tư của chương trình để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều cá nhân.
Cụ thể, phía lừa đảo tiếp cận nạn nhân qua Facebook để giới thiệu việc làm, kêu gọi thực hiện nhiệm vụ like (thích), theo dõi Fanpage và bình chọn cho các "cá mập" của Shark Tank Việt Nam để nhận tiền lương mỗi ngày.
Sau đó, những đối tượng lừa đảo yêu cầu những người này nạp tiền vào hệ thống theo hình thức chuyển khoản đến số tài khoản của Công ty TNHH AWARD ENTER VN để quy đổi điểm và nhận lại tiền gốc cùng hoa hồng.
Khi đã nhận được tiền, phía lừa đảo cung cấp bản cam kết hoàn vốn có logo của chương trình Shark Tank và con dấu của Công ty TV HUB, đồng thời giới thiệu nạn nhân liên hệ đối tượng thứ ba để thực hiện nhiệm vụ tiếp theo.
Theo đó, đối tượng thứ ba đưa nạn nhân vào nhóm chat với các cộng tác viên khác để thực hiện các nhiệm vụ bình chọn. Tại đây, họ được yêu cầu truy cập vào đường dẫn https://binhchonsharktankvn.on... để bình chọn cho một trong số các “shark” của chương trình.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, họ tiếp tục nạp tiền vào hệ thống để quy đổi điểm và nhận lại tiền gốc lẫn hoa hồng tương tự bước 2.
Những ngày đầu thực hiện nhiệm vụ, nạn nhân sẽ nhận được đầy đủ tiền gốc và hoa hồng nên tin tưởng thực hiện nhiệm vụ của các ngày tiếp theo. Đến khi số tiền nạp vào hệ thống lên đến hàng chục triệu đồng nhưng không nhận được tiền gốc và hoa hồng, họ mới phát hiện mình đã bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước thông tin và phản ánh của người dân về sự việc trên, Công ty TV HUB cùng chương trình Shark Tank không tổ chức lôi kéo khán giả làm nhiệm vụ like, theo dõi, bình chọn, nạp tiền để nhận hoa hồng.
Mạo danh GHTK hoàn tiền đơn hàng để chiếm đoạt tài sản
Gần đây, Công ty Giao hàng tiết kiệm (GHTK) đã ghi nhận một số phản ánh về việc các đối tượng mạo danh, đăng tải các thông tin tuyển dụng sai lệch trên Fanpage giả mạo, liên hệ ứng viên yêu cầu nộp phí, chuyển tiền vào các ứng dụng (App) để được tuyển dụng hoặc tham gia vào hội nhóm hỗ trợ tuyển dụng,…
Theo đó, vào ngày 31-5, một đối tượng lừa đảo giả mạo nhân viên của Công ty Giao hàng tiết kiệm, đánh lừa nạn nhân về việc hoàn tiền đơn hàng GHTK nhằm chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, khoảng 19 giờ ngày 31-5, người dùng bị một người (giả dạng shipper/nhân viên của Giao hàng tiết kiệm) lừa nhắn tin với một tài khoản Facebook có tên Giao Hàng Tiết Kiệm về yêu cầu hoàn tiền cho đơn.
Tài khoản giả mạo yêu cầu nạn nhân truy cập trang web <https://chat.ichatlink.net/widget/standalone.htmleid=0f94fb38b4a56a51d069e2454d2e9d84&language=vi>; để thực hiện theo hướng dẫn.
Sau khi chuyển tiền, trang web yêu cầu đóng tài khoản doanh nghiệp để rút tiền về tài khoản cá nhân. Đồng thời tung thông tin rằng người dùng được tặng 500.000 VNĐ từ ngân hàng UnionPay Việt Nam.
Tuy nhiên, đối tượng tài khoản doanh nghiệp phải có số dư trên 3.500.000 VNĐ thì mới có thể thực hiện giao dịch. Trang web tiếp tục gửi thông tin lừa đảo, yêu cầu người dùng chuyển khoản thêm để có thể rút tiền.
Đối với thông tin trên, GHTK khẳng định, hoạt động tuyển dụng của GHTK tuân theo quy trình minh bạch, rõ ràng, TUYỆT ĐỐI KHÔNG phát sinh chi phí trong toàn bộ quá trình tuyển dụng cho đến khi nhận việc. GHTK chỉ có một app tuyển dụng duy nhất là GHTK,Co <https://app.ghtk.vn>; và có thể theo dõi toàn bộ hoạt động trên app.