Cảnh báo chóng mặt do rối loạn tiền đình mùa nắng nóng

(PLO)- Với những người phải làm việc ngoài trời, tiếp xúc nhiều với ánh nắng, thời tiết nắng nóng gay gắt mùa này dễ gây ra những trường hợp chóng mặt, choáng váng, say xẩm mặt mày.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời tiết nắng nóng gay gắt mùa này dễ khiến người ta choáng váng, say xẩm mặt mày, do tình trạng mất nước nhiều qua mồ hôi tăng, làm giảm lưu lượng tuần hoàn máu lên não gây ra hiện tượng chóng mặt, kiệt sức vì nhiệt, hay đột quỵ não.

Hiện tượng này dễ xảy ra với những ai phải làm việc ngoài trời nắng, nhất là người lớn tuổi và có các bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa mỡ, xơ vữa động mạch.

chóng mặt
Thời tiết nắng nóng gay gắt mùa này dễ khiến người ta choáng váng, say xẩm mặt mày.

Cẩn trọng với thời tiết nắng nóng

Mới đây, tôi tiếp nhận một vài bệnh nhân tới khám do chóng mặt.

Trường hợp đầu tiên, là khi bệnh nhân đang nằm trên giường, cơn chóng mặt xảy ra rất nhanh trong tư thế xoay đầu qua lại, ngồi bật dậy và nằm xuống. Đây là một trường hợp điển hình của chóng mặt tư thế kịch phát lành tính chiếm 50% của rối loạn tiền đình ngoại biên.

Trường hợp bệnh nhân thứ hai là than phiền choáng váng mất thăng bằng khi ngửa đầu hay cúi đầu, xoay đầu cổ qua lại. Hiện tượng này xảy ra rất nhanh làm bệnh nhân lo sợ bị té ngã hay đột quỵ. Tuy nhiên, triệu chứng choáng váng mất thăng bằng do vùng cổ gáy rất thường gặp ở những bệnh nhân trung niên do thoái hóa cột sống cổ và có chấn thương vùng cổ trước đó, có thể kèm theo xơ vữa hoặc tắc động mạch sống nền sau cổ.

20240420_171237.jpg
Bác sĩ Huỳnh Văn Phụng đang khám cho một bệnh nhân bị rối loạn tiền đình. Ảnh: TL

Ngày nay tình trạng choáng váng mất thăng bằng này cũng hay gặp ở giới trẻ do tiếp xúc nhiều với thiết bị công nghệ như điện thoại, màn hình vi tính... ngồi liên tục trong thời gian dài gây nên tư thế cổ xấu, căng cơ co kéo vùng gáy cổ.

Vùng cổ gáy có liên quan mật thiết với bộ phận tiền đình và thị giác và là vùng trung gian để dẫn truyền tín hiệu cảm giác sâu, bản thể từ tứ chi, lên não bộ cho nên khi có những tổn thương ở vùng cổ gáy ví như ngồi trong tư thế cổ gáy xấu và bất động trong một thời gian dài cũng gây ra triệu chứng choáng váng mất thăng bằng.

chóng mặt
Thường thì bệnh nhân hay than phiền chóng mặt đi kèm đau vùng cổ gáy như thể có bị chẹn ở vùng cổ gáy làm máu không lên não được. Ảnh minh hoạ: AI

Trên đây là hai trường hợp điển hình của hai bệnh nhân bị chóng mặt do rối loạn tiền đình và choáng váng mất thăng bằng do vùng cổ gáy gây ra.

Rối loạn tiền đình là gì?

Rối loạn tiền đình là bệnh lý gây ra một trạng thái mất cân bằng về tư thế làm cho người bệnh thường xuyên bị chóng mặt, quay cuồng, hoa mắt, ù tai, buồn nôn, đi đứng lảo đảo… gây khó chịu. Bệnh rất hay tái phát, từ đó làm ảnh hưởng đến công việc, nhất là ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống.

Cụ thể, khả năng giữ thăng bằng cơ thể tùy thuộc vào các cảm giác đến từ ba vùng chính là mắt, tai trong và các thớ thịt, khớp xương (cảm giác sâu). Bộ phận mê đạo và tiền đình ở tai trong có trách nhiệm cung cấp tín hiệu cho não bộ các cảm giác về tư thế và các chuyển động của cơ thể được các bộ phận này ghi nhận.

Sau đó não bộ tiếp nhận, phân tích, phối hợp các tín hiệu này để giữ vững cơ thể. Khi não bộ không bắt được các tín hiệu này hoặc các tín hiệu không rõ rệt, trái ngược nhau thì ta sẽ bị mất thăng bằng, chóng mặt.

Chóng mặt là một trạng thái ảo giác bệnh nhân thấy đồ vật xung quanh xoay tròn, hoặc có cảm giác bản thân bị xoay tròn, gặp trong tổn thương hệ thống tiền đình trung ương hay ngoại biên.

Thăng bằng là khả năng duy trì sự định hướng của cơ thể với không gian bên ngoài, điều này tuỳ thuộc vào những thông tin thị giác, tiền đình và cảm giác bản thể (cảm giác sâu), trong đó hệ thống tiền đình mà chúng ta thường được nghe nói tới có vai trò quan trọng là dẫn truyền thông tin đến não bộ.

Cho nên khi hệ thống tiền đình bị tổn thương sẽ gây tình trạng chóng mặt và các triệu chứng kèm theo như nôn ói, lay tròng mắt và mất thăng bằng hoặc cảm giác bị xô đẩy, lắc lư, loạng choạng.

Chúng ta cần phân biệt tình trạng chóng mặt và những trạng thái khác.

Cụ thể như choáng váng, cảm giác đầu bị hẫng, hay cảm giác mất thăng bằng và chao đảo, đứng không vững… nhưng không có bất kỳ ảo giác chuyển động, có thể gặp trong thiếu máu, thiếu dưỡng khí, hay hạ đường huyết, do hạ huyết áp thế đứng, do bị kích thích thần kinh phế vị quá mức (như do sợ hãi), rối loạn nhịp tim và chúng có thể dẫn đến mất ý thức như ngất, và đặc biệt rất hay gặp là tình trạng chóng mặt mãn tính với biểu hiện choáng váng, mất thăng bằng do vùng cổ gáy (cervicogenic Dizziness) dễ gây té ngã và làm bệnh nhân lo sợ trầm cảm.

Biểu hiện chóng mặt có thể dữ dội như ảo giác xoay tròn trong hội chứng tiền đình ngoại biên nhưng lành tính. Còn choáng váng mất thăng bằng tuy không có triệu chứng chóng mặt dữ dội nhưng có thể là tiềm ẩn những căn bệnh nguy hiểm nằm bên dưới như thiếu máu não, tai biến mạch máu não có thể do nắng nóng trên những bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh nền hay những nguyên nhân khác như hạ đường huyết, rối loạn nhịp tim.

Những bệnh lý thường gặp gây chóng mặt có ảo giác xoay tròn là hội chứng rối loạn tiền đình ngoại biên chiếm 40% các trường hợp chóng mặt mất thăng bằng trong đó chóng mặt tư thế kịch phát lành tính chiếm hơn 50% trường hợp, ngoài ra còn viêm mê đạo, viêm thần kinh tiền đình, hội chứng Meniere (do ứ dịch và tăng áp lực tai trong) và do thuốc.

Chúng ta cũng cần phân biệt chóng mặt do rối loạn tiền đình ngoại biên và chóng mặt do rối loạn tiểu não và tiền đình trung ương:

Trong rối loạn tiền đình ngoại biên (như trong các bệnh lý chóng mặt tư thế lành tính, bệnh Ménière, viêm thần kinh tiền đình…): Chóng mặt thường gây nhiều khó chịu hơn tổn thương trung ương nhưng xảy ra từng hồi ngắn và có thể kèm theo triệu chứng tổn thương thần kinh thính giác như ù tai hoặc điếc.

Còn chóng mặt do tổn thương trung ương (U góc cầu tiểu não, bệnh mạch máu não…) thì cường độ thường không dữ dội bằng, nhưng lại có những biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương báo động nguy hiểm như: rối loạn thị giác, đau đầu dữ dội, nói đớ, tê yếu tay chân…

Những lưu ý khi xuất hiện cơn chóng mặt

Tóm lại, 3 điểm chính cần được chú ý khi nói về chóng mặt là:

- Chóng mặt thật sự có ảo giác mọi vật xung quanh xoay tròn của Hội chứng rối loạn tiền đình ngoại biên chiếm 40% trường hợp.

- Rối loạn tiền đình trung ương tuy chỉ chiếm 10% tất cả trường hợp choáng váng chóng mặt nhưng có những triệu chứng cảnh báo những nguyên nhân nguy hiểm trong não như tai biến mạch máu não, viêm thân não và u góc cầu tiểu não.

- Cần phân biệt tình trạng chóng mặt thật sự do rối loạn tiền đình tuy có biểu hiện dữ dội nhưng lành tính và các tình trạng choáng váng mất thăng bằng có nguyên nhân nguy hiểm như: Thiếu và tắc mạch máu não, hạ đường huyết, hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim và đột quỵ do tim.

Sau đây là những dấu hiệu cảnh báo chóng mặt nguy hiểm :

Đau đầu mới xuất hiện hoặc dữ dội; Nhìn mờ /nhìn đôi; Mất thính lực; Nói đớ; Yếu và tê tay chân; Mất ý thức; Đau ngực hoặc tim đập nhanh hay chậm bất thường.

Mặc dù không thường gặp, nhưng trên đây là những biểu hiện khác thường không phải là cơn chóng mặt tư thế lành tính, mà là báo hiệu các bệnh lý nghiêm trọng khác như đột quỵ, u não, hoặc bệnh lý tim mạch, cần phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được xử lý kịp thời.

BS HUỲNH VĂN PHỤNG - Chuyên khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Vạn Hạnh

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm