Ngày 17-4, ghi nhận tại Khoa Thần kinh - Đột quỵ, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Bình Định, lượng bệnh nhân vào cấp cứu và điều trị do đột quỵ tăng lên.
Phóng viên đặt lịch hẹn với Bác sĩ (BS) CKII Nguyễn Văn Trung, Trưởng Khoa Thần kinh - Đột quỵ từ hai ngày trước, song khi tới Khoa Thần kinh – Đột quỵ để phỏng vấn, BS Trung liên tục bận rộn ở trong phòng cấp cứu.
Theo BS Trung, do nắng nóng gay gắt trong nhiều ngày liên tục nên lượng bệnh nhân nhập viện điều trị tăng cao, khoa luôn trong tình trạng quá tải.
Quá tải bệnh nhân
Thông tin với PLO, BS Trung cho biết Khoa Thần kinh - Đột quỵ có quy mô 70 giường bệnh, tuy nhiên lượng bệnh nhân luôn vượt so với số giường bệnh cũng như nhân lực của khoa.
Lãnh đạo BVĐK tỉnh Bình Định cho hay lượng bệnh nhân thường xuyên vượt 80 bệnh nhân/ngày. Với số lượng bệnh nhận liên tục tăng, giường cấp cứu cũng như hệ thống máy móc hoạt động hết công suất. BVĐK tỉnh đã điều động tạm thời để tăng số lượng nhân viên phục vụ cho khoa Thần kinh - Đột quỵ.
Theo chân các bác sĩ, điều dưỡng đến thăm các phòng bệnh, tại đây ai nấy đều bận rộn chăm sóc người bệnh, những trao đổi giữa các nhân viên y tế với nhau cũng rất ngắn gọn, gấp gáp.
Nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, huyết áp tăng, ông Nguyễn Ngọc S (61 tuổi, thị xã Hoài Nhơn) đang được các y tá chăm sóc phục hồi sức khỏe.
“Thời tiết này người lớn tuổi như chúng tôi dễ mắc bệnh quá. Tui vừa đi làm đồng về, thấy người mệt mỏi, xây xẩm mặt mày, may mà các con đưa tới bệnh viện kịp thời. Các bác sĩ thăm khám liên tục, các điều dưỡng tận tình chăm sóc, qua gần một tuần sức khỏe của tôi ổn rồi” - ông S nói.
Tiếp nhận và điều trị từ xa
Theo BS Trung, bệnh nhân tại BVĐK tỉnh Bình Định gia tăng do bệnh nhân nội tỉnh và một phần do các tỉnh lân cận chuyển đến.
Thời gian qua, đơn vị tiếp nhận bệnh nhân từ BVĐK tỉnh Gia Lai, BV Đại học Y Dược Hoàng Anh Gia Lai, BVĐK tỉnh Phú Yên.
Đặc biệt, có những bệnh nhân đột quỵ chuyển viện điều trị từ rất xa (khoảng 250km) từ BVĐK tỉnh Khánh Hòa tới BVĐK tỉnh Bình Định để thực hiện kỹ thuật tái thông mạch máu não.
Dẫn chứng cụ thể, quý 1 năm 2024, tổng số bệnh nhân vào khoa đột quỵ là 1.930 ca, trong đó bệnh nhân ở các tỉnh lân cận chuyển đến là 336 ca, chiếm khoảng 17%.
“Chúng tôi vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ Đinh TTT (50 tuổi) từ Khánh Hòa chuyển tới, trong tình trạng bị tắc động mạch não giữa bên trái do huyết khối từ tim trôi lên.
Quá trình di chuyển, hai BVĐK tỉnh đã phối hợp nhau để chuyển bệnh nhân an toàn và đón bệnh nhân tại BVĐK tỉnh Bình Định. Tiến hành can thiệp nội mạch dưới hệ thống máy DSA (hệ thống chụp mạch máu số hóa xóa nền), êkíp can thiệp của khoa Thần kinh - Đột quỵ đã lấy bỏ huyết khối, tái thông mạch thành công” - BS Trung chia sẻ.
Theo BS Trung, thời tiết nắng nóng là yếu tố làm gia tăng thêm mức độ trầm trọng của bệnh đột quỵ. Để ứng phó trước xu hướng bệnh nhân đột quỵ ngày càng trẻ hóa, gia tăng số lượng cũng như mức độ nặng của bệnh như hiện nay, mọi người cần hạn chế tình trạng căng thẳng; ăn uống lành mạnh (tăng cường trái cây rau quả); ngủ đủ giấc; kiểm soát huyết áp và đường huyết; giảm rượu bia; thuốc lá; khám sức khỏe định kỳ.
Khi hoạt động dưới trời nắng nóng cần có trang phục bảo vệ. Tránh việc thay đổi đột ngột giữa các môi trường chênh lệch nhiệt độ nhiều, cần có thời gian thích ứng với nhiệt độ ngoài trời.
BS Trung cũng khuyến cáo: “Hiện có tình trạng người dân sử dụng An cung ngưu hoàn để ngừa đột quỵ. Điều này không đúng!
An cung ngưu hoàn không phải là thần dược chống đột quỵ, các chuyên gia y tế khuyến cáo không được sử dụng cấp cứu hay điều trị cho bệnh nhân đột quỵ cấp”.