Cảnh báo mua bán thiết bị gian lận trước kỳ thi tốt nghiệp THPT

(PLO)- Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, tình trạng mua bán thiết bị gian lận diễn ra sôi nổi trên các trang mạng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 15-6, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, TP về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tại hội nghị, vấn đề sử dụng công nghệ cao trong gian lận thi cử được quan tâm.

Học sinh, phụ huynh tìm mua thiết bị gian lận

Thông tin với hội nghị, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm ứng dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an, cho biết qua rà soát đã phát hiện nhiều hội nhóm trên mạng liên quan đến việc mua bán các thiết bị ghi âm, ghi hình, có thể sử dụng để gian lận trong kỳ thi. Qua xác minh, người mua thiết bị này có cả học sinh lẫn phụ huynh.

Bộ GD&ĐT quyết định không ban hành danh mục các máy tính cầm tay được phép mang vào phòng thi.

Phương thức, thủ đoạn không có gì mới, vẫn chủ yếu sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình, tai nghe thu nhỏ, thu phát sóng truyền hình ảnh ra ngoài để nhờ giải đề. Những người này chủ yếu mua thiết bị riêng lẻ, sau đó về tích hợp lại. Bộ Công an sẽ tiếp tục xác minh, làm rõ, xử lý đúng quy định, đồng thời tập huấn cho công an địa phương.

Thiếu tướng Mạnh đề nghị các địa phương, điểm thi, cán bộ coi thi chủ động phối hợp với lực lượng chức năng để phát hiện các trường hợp gian lận.

Bộ Công an cảnh báo việc phụ huynh và học sinh tìm mua thiết bị để gian lận. Trong ảnh: Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn, TP.HCM trong một tiết ôn tập. Ảnh: N.QUYÊN
Bộ Công an cảnh báo việc phụ huynh và học sinh tìm mua thiết bị để gian lận. Trong ảnh: Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn, TP.HCM trong một tiết ôn tập. Ảnh: N.QUYÊN

Đại diện Bộ Công an cũng cho biết khâu in sao, vận chuyển đề cũng rất quan trọng. Bởi qua kiểm tra tại một số điểm thi phát hiện một số yếu tố ảnh hưởng đến an toàn thi như một số thiết bị tại nơi bảo quản đề thi vẫn kết nối WiFi, phòng bảo quản đề có bộ thu phát WiFi.

Mặt khác, qua rà soát, hoạt động tấn công mạng vào hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ kỳ thi có sự gia tăng. Qua kiểm tra, các cổng thông tin điện tử phục vụ cho kỳ thi còn có lỗ hổng nhưng đến nay đã được khắc phục kịp thời, hệ thống CNTT được đảm bảo.

Lo khó phát hiện gian lận, nhiều hồ sơ chưa được xác nhận

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội, cho biết Hà Nội có 102.095 lượt thí sinh đăng ký dự thi. TP dự kiến bố trí 189 điểm thi. Điểm in sao đề được đặt tại một địa điểm an toàn, kín đáo, biệt lập trong khuôn viên một cơ sở giáo dục thuộc Sở GD&ĐT quản lý và được bố trí ba vòng độc lập, có đủ phương tiện phòng cháy, chữa cháy. Nơi bảo quản đề thi, bài thi có tủ sắt riêng biệt. Phòng bảo quản bài thi, đề thi được lắp đặt camera giám sát, ghi hình các hoạt động 24/24 giờ.

Tại hội nghị, ông Cương đề xuất Bộ GD&ĐT quy định thời gian tổ chức kỳ thi ngay trong khung kế hoạch thời gian năm học để các địa phương chủ động. Bởi thực tế, kỳ thi tốt nghiệp năm nay diễn ra trong tháng 6 khiến không ít địa phương gấp gáp trong quá trình chuẩn bị do thời điểm này có nhiều kỳ thi được tổ chức.

Giám đốc Sở GD&ĐT cũng băn khoăn về quy chế thi tốt nghiệp không còn quy định danh mục các loại máy tính cầm tay được phép mang vào phòng thi sẽ gây khó cho cán bộ trong việc kiểm soát do năng lực có hạn.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hùng Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho biết bộ quyết định không ban hành danh mục các máy tính cầm tay được phép mang vào phòng thi do thị trường này đang biến động liên tục, rất khó để nêu rõ loại nào được sử dụng.

Trong khi đó, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La cho biết đến thời điểm này tỉnh còn 9.000 hồ sơ chưa được xác nhận. Do sở không được phân quyền kiểm tra trực tuyến nên không nắm rõ được học sinh nằm ở đơn vị nào để chỉ đạo rà soát. Vấn đề này sở mong nhận được sự hỗ trợ từ Cục CNTT.

Bà Đặng Thị Oanh, Phó Cục trưởng Cục CNTT, cho biết con số 9.000 hồ sơ là trước đây, hiện nay còn 6.000 hồ sơ. “Cục chưa nhận được văn bản cũng như điện thoại để hỗ trợ. Tuy nhiên, cục sẽ nhanh chóng kiểm tra danh sách thí sinh chưa xác nhận ưu tiên cũng như chưa xác nhận được hồ sơ gửi về các địa phương để hoàn tất” - bà Oanh nói.

Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp theo nguyên tắc bốn đúng, ba không

Bốn đúng gồm đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình, không được bỏ bất cứ quy trình nào; đúng vị trí, chức trách, nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý tình huống. Ba không là không lơ là, chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng áp lực quá mức.

Bên cạnh đó, các tỉnh, TP quán triệt tinh thần phân cấp, phân quyền, tổ chức tốt công tác tập huấn, tập huấn kỹ, cá thể hóa từng đối tượng, rõ chức năng, nhiệm vụ cho các cán bộ tham gia coi thi.

Ông PHẠM NGỌC THƯỞNG,Thứ trưởng Bộ GD&ĐT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm