Các nước trong khu vực cần có những biện pháp về ngoại giao và thực tiễn để dẹp tham vọng này.
Phản ứng trước các động thái "gây hấn" của Bắc Kinh
Giám đốc Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) Peter Jennings nhận định việc Trung Quốc triển khai bất ngờ hệ thống tên lửa đất đối không đến đảo Phú Lâm đã “hâm nóng bầu không khí” trong khu vực.
Theo ông Jennings, hành động thúc giục kiềm chế và bình tĩnh như Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull và người đứng đầu New Zealand đã thực hiện hồi tuần trước là đủ hợp lý nhưng thực tế vấn đề biển Đông đang biến từ tranh chấp thành một cuộc khủng hoảng. Do đó, những tuyên bố như thế là không đủ.
Ông Jennings cho rằng cách tiếp cận tốt hơn sẽ là tăng cường và phối hợp các phản ứng giữa Mỹ và khu vực trước Trung Quốc. Lựa chọn này phải bao gồm một phản ứng ngoại giao chung mạnh hơn trước Bắc Kinh.
‘Phòng bệnh hơn chữa bệnh’ trước nguy cơ Trung Quốc lập ADIZ
Trong một bài viết được Financial Review dẫn lại, ông Jennings cảnh báo rằng Trung Quốc có thể sẽ lập ADIZ trên biển Đông và các nước phải hành động ngay lập tức để ngăn chặn nguy cơ này.
Các tàu quân sự và dân sự của Trung Quốc ngày càng hoạt động “náo nhiệt” ở biển Đông. (Ảnh: Financial Review)
Trong khi đó, giáo sư chính trị tại Đại học hàng đầu Philippines De La Sall - ông Richard Javad Heydarian mới đây cũng đã bày tỏ lo ngại rằng Trung Quốc có thể sẽ dần tiến tới việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông.
Theo ông Jennings, trước hết, các nước có lợi ích liên quan phải cảnh báo Trung Quốc chống lại việc tuyên bố ADIZ trên một phần hoặc toàn bộ khu vực biển Đông.
Việc tuyên bố lập ADIZ có thể là một bước tiếp theo mà Bắc Kinh sẽ làm trong việc khẳng định quyền kiểm soát của mình đối với khu vực và có thể “được nước làm tới” theo sau động thái đơn phương lập ADIZ trên biển Hoa Đông vào năm 2012.
Thứ hai, một giải pháp để làm giảm khả năng này là các nước có lợi ích liên quan phải xây dựng một hệ thống liên lạc hàng không chung.
Singapore đã thiết lập một hệ thống tương tự để phục vụ việc chia sẻ dữ liệu về các hoạt động của tàu thuyền. Một hệ thống hàng không như thế cũng nên được thiết lập để cản trở mộng lập ADIZ của Trung Quốc.
Cuối cùng, các nước tuyên bố có lợi ích chiến lược trong tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông cần phải thực sự chứng minh lợi ích đó bằng cách điều tàu quân sự và máy bay đi lại qua khu vực này.
Như vậy, theo ông Jennings, lựa chọn đơn giản cho các nước trước nguy cơ trên là thực hiện quyền quốc tế hợp pháp (tự do hàng hải và hàng không), nếu không các nước có thể mất khả năng hoạt động trong khu vực của mình nếu “chấp nhận số phận” trước sức mạnh quân sự của Trung Quốc.