Ngày càng có nhiều người trẻ mắc bệnh ung thư, với tỷ lệ chẩn đoán tăng 1/4 trong hai thập kỷ.
Tiến sĩ Cathy Eng, bác sĩ ung thư ruột tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt ở Nashville, cho biết sự gia tăng của căn bệnh này ở những người dưới 50 tuổi đang được chú ý trên toàn cầu và những bệnh nhân khỏe mạnh đang ngày càng có biểu hiện ung thư ruột tiến triển ở độ tuổi 20, 30 và đầu 40.
Nguy cơ ung thư từ thực phẩm chế biến sẵn
Theo nghiên cứu được trình bày tại hội nghị ung thư lớn nhất thế giới, các trường hợp ung thư ruột khởi phát sớm gia tăng có thể liên quan đến những thay đổi trong hệ vi sinh vật đường ruột làm giảm khả năng đối phó với các tế bào tiền ung thư của cơ thể.
Cụ thể, mỗi ngày, theo nghiên cứu từ các nhà khoa học tại Vương Quốc Anh, có khoảng 100 người trẻ tuổi ( 35.000 người mỗi năm) được chẩn đoán mắc các bệnh ung thư thường thấy ở người lớn tuổi như ung thư ruột, vú và dạ dày.
Các nhà khoa học tin rằng xu hướng đáng lo ngại này đến từ việc mọi người, nhất là người trẻ ăn quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn.
Giáo sư Charles Swanton, bác sĩ trưởng của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh, cho biết ung thư chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn tuổi nhưng các nhà khoa học đang cảnh báo về sự hiện diện ngày càng tăng của nó ở những người trẻ tuổi.
Tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ, ông nói: “Trong những thập kỷ gần đây, tỷ lệ mắc bệnh ung thư ở thanh niên ở Anh đã gia tăng rõ rệt. Chúng tôi không có câu trả lời hay về lý do tại sao điều này lại xảy ra.
Phân tích của Cancer Research UK về dữ liệu gần đây nhất cho thấy tỷ lệ mắc ung thư ở thanh niên đã tăng từ 132,9 trên 100.000 người vào năm 1995 lên 164,6 vào năm 2019; tỷ lệ mắc bệnh tổng thể ở mọi lứa tuổi tăng 13%, từ 539 trên 100.000 người lên 611,5 trong khung thời gian này.
Nghiên cứu của Đại học bang Ohio trình bày tại cuộc họp ở Chicago cho thấy những người dưới 50 tuổi mắc bệnh ung thư ruột có các tế bào dường như già hơn 15 tuổi so với tuổi thật của họ.
Nó cho thấy chế độ ăn uống của phương Tây đang tác động đến sự cân bằng của vi khuẩn và tình trạng viêm trong ruột, có thể gây ra "sự lão hóa nhanh chóng" ở ruột kết.
Nên hạn chế ăn thực phẩm gây hại
Thực phẩm chế biến sẵn thường có từ năm thành phần trở lên, bao gồm: muối, đường, chất chống oxy hóa, chất ổn định, bảo quản.
Tuy tiện lợi và ngon miệng, nhưng việc tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến - bao gồm bánh mì tinh chế, bánh kẹo và thịt chế biến, các loại đồ hộp… có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh béo phì, tăng huyết áp và ung thư.
Một khả năng khác là các hợp chất có khả năng gây ung thư như acrylamide, được sinh ra trong quá trình chế biến thực phẩm công nghiệp.
Để hạn chế nguy cơ ung thư từ thực phẩm chế biến sẵn, người trẻ nên hạn chế những món ăn như sau:
Khoai tây chiên: Món chứa hương nhân tạo, màu nhân tạo và chất bảo quản, đồng thời chứa nhiều chất béo bão hòa, làm giảm lượng cholesterol tốt và làm tăng lượng cholesterol xấu. Điều này có thể khiến người ăn tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Hơn nữa, khoai tây chiên chứa các loại axit béo gây hại cho cơ thể.
Các loại thịt chế biến sẵn: thịt xông khói, thịt bò khô, xúc xích, lạp xưởng, thịt đóng hộp… Các loại thịt này thường được bảo quản bằng muối và những chất hóa học để bảo quản trong một thời gian. Tiêu thụ khoảng 50g thịt chế biến sẵn mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng lên tới 18%.
Ngoài việc làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư liên quan đến hệ tiêu hóa như: ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng thì các loại thịt chế biến sẵn còn là thủ phạm đe dọa sức khỏe của hệ tim mạch như làm tăng đường huyết, tăng nồng độ cholesterol xấu trong cơ thể, tăng huyết áp…
Mì ăn liền: Một gói mì có thể chứa gần 2.000mg natri, cao hơn 500mg so với mức mà cơ thể cần hấp thụ. Do vậy, sử dụng nhiều mì ăn liền dễ gây tăng huyết áp. Chất béo có trong mì ăn liền có thể là nguyên nhân khiến cơ thể thừa cholesterol.
Nước ngọt có ga: Loại đồ uống này không có chút giá trị dinh dưỡng nào, nó còn chứa chất tạo ngọt nhân tạo như aspartame, saccharin và sucralose cũng như liên quan tới chứng đau đầu, trầm cảm và tăng nguy cơ mắc đái tháo đường type 2.
Một số loại bánh mì: Bánh mì là một trong những loại thực phẩm mà người dùng rất cần chú ý khi đọc thành phần của nó. Người tiêu dùng nên tìm kiếm loại bánh mì nguyên cám hoặc không gluten, không chứa chất phụ gia, chất bảo quản.
Bánh ngọt đóng gói: Những chiếc bánh ngọt đựng trong bao bì nilon có vẻ không hỏng trong một thời gian dài thực ra chứa nhiều đường và chất bảo quản, sẽ không có lợi cho sức khỏe.
Với những lý do trên, để tránh nguy cơ ung thư từ thực phẩm chế biến sẵn, mọi người, nhất là những người trẻ nên ưu tiên lựa chọn thực phẩm tươi sống, tự chế biến tại nhà để đảm bảo an toàn và đầy đủ dinh dưỡng.