Cảnh báo: Rộ nạn lừa đảo qua điện thoại, Facebook, Zalo mới

Chỉ trong vài tháng trở lại đây, Công an quận 3 tiếp nhận đơn thư tố cáo tám vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội: Facebook, Zalo, Skype…

Nhiều vụ thủ đoạn “xưa như Trái đất” nhưng người dân vẫn bị dính chấu, thậm chí có người mất cả tiền tỉ.

Tin nhắn đến tay, ‘bay’ ngay trăm triệu

Nhiều chiêu trò lừa đảo xưa cũ nhưng người dân vẫn bị lừa.

Đó là câu chuyện của chị H. (64 tuổi, quận 10). Hôm đó, chị H. nhận được tin nhắn của người bạn qua Facebook (Cộng hòa Czech) với nội dung rằng: “Em cần tiền cho người nhà giải quyết công việc ở Việt Nam, chị giúp em chuyển tiền cho chị TKO, số tài khoản…".

15 giờ cùng ngay, chị H. tới ngân hàng chuyển 120 triệu vào số tài khoản trên. Cứ nghĩ đã giúp được bạn ai dè chỉ khi bạn gọi tới nói rằng tài khoản Facebook người này bị hack, không yêu cầu mượn số tiền nói trên, chị H. mới tá hỏa biết mình bị lừa. Chị ngay lập tức tới trình báo công an thì đã trễ.

Một câu chuyện khác là trường hợp của chị T. (66 tuổi, quận 1).

Thông tin ban đầu, chị T. nhận được cuộc gọi báo nhận bưu phẩm và hướng dẫn chị nhấn phim số 9 để liên hệ người gửi.

Sau khi bấm phím 9, chị T. “được” nói chuyện với một người đàn ông xưng thiếu tá Quân. Người này đe dọa và đề nghị điều tra tài khoản của chị T. đồng thời yêu cầu chị chuyển số tiền 140 triệu đồng vào số tài khoản 1010984160. Để tạo niềm tin, người này cung cấp một số điện thoại để chị liên hệ trực tiếp.

Người này khẳng định sau khi điều tra, nếu đúng đây là số tiền sạch và chị không liên quan đến vụ việc, toàn bộ số tiền trên sẽ được hoàn trả cho chị đầy đủ.

Đến ngày hôm sau, không thấy vị này chuyển lại tiền, chị gọi lại số điện thoại trên thì nhận thông báo số này không có thật. Chị T. tá hỏa đến công an trình báo.

Có thủ đoạn mới

Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM về câu chuyện này, Trung tá Lê Minh Lê (Đội trưởng Đội tổng hợp, Công an quận 3) cho biết rất nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra chỉ vì người bị hại nhẹ dạ cả tin. Từ khoảng giai đoạn Tết đến nay, chiêu trò lừa đảo qua điện thoại xuất hiện thủ đoạn mới.

Một nhóm giả cơ quan điều tra gọi điện thoại lừa đảo bị triệt phá.

Bước đầu, chúng vẫn “phủ đầu” nạn nhân bằng cách đưa các thông tin về việc bị hại có liên quan đến đường dây tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, rửa tiền mà cơ quan công an đang điều tra. Đồng thời, chúng sẽ dò hỏi các thông tin về tài khoản ngân hàng, tiền gửi tại các ngân hàng của bị hại có liên quan đến đường dây tội phạm như trước đây…

Tuy nhiên, điểm khác là các đối tượng lừa đảo qua điện thoại (giả danh công an) sẽ yêu cầu bị hại ra một ngân hàng khác để mở một tài khoản đứng tên của chính người bị hại, đồng thời đăng ký dịch vụ Internet Banking cho tài khoản bằng số điện thoại do chúng cung cấp.

Từ đó, chúng yêu cầu bị hại cung cấp toàn bộ tên đăng nhập (username), mã kích hoạt, mật khẩu (password) của tài khoản Internet Banking vừa mở và dễ dàng chuyển tiền sang tài khoản khác bằng Internet Banking.

“Với phương thức, thủ đoạn như trên, các đối tượng làm cho bị hại nghĩ rằng tiền vẫn trong tài khoản đứng tên mình nên không mất, từ đó dẫn đến mất cảnh giác. Mặt khác, đối với nhân viên của các ngân hàng TMCP, khi khách hàng đến giao dịch chuyển/nộp tiền vào tài khoản của chính khách hàng nên nghĩ rằng không phát sinh vấn đề lừa đảo gì, từ đó không biết để cảnh báo cho khách hàng về nguy cơ bị lừa đảo” - Trung tá Lê Minh Lê phân tích.

Ông nhấn mạnh với những cuộc gọi thoại thông báo nợ cước điện thoại, người dân không cần suy nghĩ mà cúp máy vì đây là thông tin lừa đảo.

Trước đó Công an quận 3 đã nhiều lần cảnh báo người dân thông qua các cuộc họp tổ dân phố, đồng thời gửi thông báo đến các ngân hàng, trụ sở ngân hàng trên địa bàn quận 3 yêu cầu nếu người dân chuyển tiền với số tiền lớn phải kiểm tra kỹ, khuyến cáo thủ đoạn lừa đảo cho người dân biết.

Ngoài ra, qua ghi nhận của Phòng Cảnh sát kinh tế Công an thành phố, hiện nay các đối tượng lừa đảo không chỉ gọi vào điện thoại bàn mà chúng còn nhắn tin hoặc gọi vào điện thoại di động thông báo khách hàng nợ cước và sau đó sử dụng kịch bản lừa đảo như các vụ tương tự.

PC46 xử lý hơn 200 bị can, khởi tố hơn 150 vụ án hình sự

Từ cuối năm 2013 đến nay, tại TP.HCM liên tục diễn ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn: Gọi điện thoại mạo danh nhân viên VNPT thông báo nợ cước điện thoại, mạo danh điều tra viên Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội và công an các tỉnh, thành, hăm dọa đòi bắt giam khiến người dân lo sợ chuyển tiền vào tài khoản do nhóm người này chỉ định và bị chiếm đoạt.

Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC46, Công an TP.HCM) cho biết PC46 đã xử lý hơn 200 bị can (cả người Việt Nam và người Đài Loan, Trung Quốc), khởi tố hơn 150 vụ án hình sự, thu hồi tài sản hơn 50 tỉ đồng trả cho người bị hại, tịch thu nhiều thiết bị viễn thông công nghệ cao sử dụng để lừa đảo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm