Cảnh báo trẻ mắc sốt xuất huyết trở nặng, tử vong

(PLO)- Số ca nhập viện trễ cũng gia tăng nên trẻ mắc sốt xuất huyết nặng chiếm tỉ lệ nhiều hơn so với các mùa dịch trước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày gần đây, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 (TP.HCM) ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) phải nhập viện điều trị và nặng có dấu hiệu gia tăng, thậm chí có trường hợp tử vong.

Nhiều trẻ nhập viện trễ

Chăm sóc bé K (tám tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) bị mắc SXH tại phòng cấp cứu Khoa truyền nhiễm BV Nhi đồng 2, chị Vũ Thị Hải Yến kể cách đây sáu ngày, sau khi đi học về thì đến tối bé sốt cao 38-40 độ kèm rét run, cho uống thuốc hạ sốt không hạ. Do vậy, sáng hôm sau chị đã đưa bé vào BV Nhi đồng 2 thăm khám và cho về nhà theo dõi. Tuy nhiên, hai ngày sau bé vẫn còn mệt nên chị đưa bé vào viện. Tại đây, bé được các bác sĩ truyền dịch, bù nước. Theo chị Yến, bé trai đã từng mắc SXH khi 15 tháng tuổi với các dấu hiệu giống như vậy. “Theo tôi tìm hiểu, bệnh SXH không chỉ mắc một lần là khỏi nên lần này tôi cũng theo dõi sát bé để kịp thời đưa đi nhập viện” - chị Yến chia sẻ.

Bệnh nhi sốt xuất huyết nặng đang điều trị tại Hồi sức nhiễm COVID-19 BV Nhi đồng 2. Ảnh: HOÀNG LAN

Bệnh nhi sốt xuất huyết nặng đang điều trị tại Hồi sức nhiễm COVID-19 BV Nhi đồng 2. Ảnh: HOÀNG LAN

Không đưa con đến BV kịp thời như chị Yến, chị Tô Thị Thái, phụ huynh bé Q (tám tuổi, ngụ Bình Dương), kể lại bé Q có biểu hiện sốt cao, mệt kèm đau bụng. Chị nghĩ bé bị bệnh thông thường nên đưa đi khám và được cho men tiêu hóa, thuốc hạ sốt để uống. “Đến ngày thứ tư, tôi thấy bé vẫn còn sốt li bì và đau bụng, nghĩ chắc có vấn đề nghiêm trọng hơn nên đưa bé vào BV Nhi đồng 2 để làm xét nghiệm máu mới ra bệnh SXH” - chị Thái kể và cho biết khi đến BV, bé được bác sĩ chẩn đoán sốc và phải cấp cứu, truyền dịch chống sốc.

ThS-BS Nguyễn Đình Qui, quản lý Khoa truyền nhiễm BV Nhi đồng 2, cho biết số trẻ nhập viện điều trị và khám ngoại trú tại khoa đều tăng gấp đôi so với hai tuần trước. Cụ thể, khoa đang điều trị nội trú cho 30-35 ca bệnh, trong đó có 5-7 trẻ phải nằm ở phòng cấp cứu và truyền dịch.

Điều đáng lưu ý là số ca nhập viện trễ cũng gia tăng nên trẻ mắc SXH nặng chiếm tỉ lệ nhiều hơn so với các mùa dịch trước. Đa phần trẻ nặng có yếu tố thừa cân, béo phì. BS Qui nhận định có thể do ảnh hưởng của dịch COVID-19, người dân ngại đến BV hoặc nghĩ đến bệnh cảnh COVID-19 nhiều hơn.

Mới đây (ngày 20-4), BV Nhi đồng 2 đã tiếp nhận một trường hợp mắc SXH tử vong là bé gái năm tuổi, ở Bình Dương. Bé nhập viện trong tình trạng sốc sâu, xuất huyết phổi, tổn thương gan, thận. Mặc dù được tích cực hồi sức chống sốc, lọc máu 48 giờ đồng hồ nhưng tổn thương tạng không cải thiện. Bé mất do tổn thương đa cơ quan. Bé gái có cơ địa thừa cân, nặng 34 kg, một tháng trước đã từng mắc COVID-19.

BS CKII Đỗ Châu Việt, Trưởng Khoa hồi sức nhiễm COVID-19 BV Nhi đồng 2, cho biết hiện khoa đang có hai ca SXH nặng, hai bé đều có cơ địa thừa cân, trong đó có một bé gái (tám tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh) được đưa đi nhập viện trễ và một bé trai (10 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) dù đưa đến kịp thời nhưng quá trình bệnh tự diễn tiến nặng. Theo BS Việt, đây là hai nhóm bệnh trở nặng khoa thường xuyên tiếp nhận.

Phòng ngừa muỗi gây bệnh

BS Qui lưu ý đa phần trẻ mắc SXH ở mức độ nhẹ, chỉ khoảng 20%-30% diễn tiến nặng và có khoảng 2%-3% trẻ nguy kịch phải thở máy, lọc máu. Do đó, phụ huynh cần để ý các dấu hiệu của trẻ để đưa đi thăm khám, loại trừ các bệnh cảnh khác kịp thời.

Theo BS Qui, trong ba ngày đầu, SXH thường có dấu hiệu sốt như các bệnh viêm họng, sốt siêu vi, COVID-19. Do đó, phụ huynh có thể thực hiện test COVID-19 cho trẻ tại nhà để loại trừ nguyên nhân này. Nếu trẻ có hai ngày sốt cao liên tục không hạ hoặc ngày thứ ba vẫn còn sốt, cần đưa trẻ đi thăm khám tại cơ sở y tế để làm xét nghiệm máu xác định chính xác nguyên nhân và theo dõi.

Đặc biệt, SXH có thể chuyển nặng và rơi vào sốc, tổn thương các cơ quan ở ngày thứ tư, thứ năm và trễ hơn là ngày thứ sáu nên không được chủ quan. Lúc này trẻ có bớt sốt nhưng mệt nhiều hơn, có thể ói, đau bụng, chảy máu cam, ói ra máu, đi cầu phân đen… Trẻ bị sốc sâu có thể dẫn đến tổn thương các cơ quan, tổn thương gan, thận, suy hô hấp và dẫn đến tử vong.

BS Qui lưu ý khi trẻ mắc SXH, phụ huynh chỉ nên hạ sốt cho trẻ bằng thuốc hạ sốt cơ bản như paracetamol, tránh dùng ibuprofen có thể gây xuất huyết tiêu hóa, làm tình trạng xuất huyết của trẻ nặng hơn. Bên cạnh đó, nên tăng cường sức đề kháng cho trẻ với vitamin C.

Theo BS Việt, các trẻ có tình trạng sốc nếu được hồi sức kịp thời sẽ qua nguy kịch và không để lại di chứng đặc biệt. Tuy nhiên, tình trạng bệnh còn phụ thuộc vào cơ địa, các trẻ thừa cân, béo phì, có bệnh nền tim, phổi, gan, não… nếu mắc SXH sẽ dễ diễn tiến nặng hơn.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm