Phản ánh đến báo Pháp Luật TP.HCM, hai hộ dân ở huyện Thủ Thừa, Long An cho biết mình vừa bị thương lái "giả" lừa mua heo, không trả tiền.
Theo thông tin bạn đọc phản ánh, hai hộ dân nuôi heo ở xã Mỹ An và Mỹ Phú đã làm đơn tố cáo khi bị một nhóm người có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức giả làm lái mua heo, không trả tiền.
Theo đó, ông Huỳnh Văn Út (71 tuổi, ngụ xã Mỹ Phú) trình báo: vào sáng 25-10, ông gọi đến thương lái quen để bán đàn heo 12 con của mình, lái trả lời để sắp xếp lên xem đàn heo.
Sau đó, khoảng 30 phút, từ số điện thoại ...906 đã gọi lại nói sẽ đến xem và bắt heo, rồi trả giá 53.000 đồng/kg heo hơi.
Khoảng 10 giờ sáng, ông lại nhận được cuộc điện thoại số ...813 gọi đến, bảo tìm đến nhà để giữ heo, không cho heo ăn sợ tăng cân.
“Đến 11 giờ 30, có ba người chạy ba xe lôi, lùa 12 con ra khỏi chuồng để cân, rồi cho 8 con lên lồng sắt, tính tổng số tiền là 46 triệu, nói gửi lại 4 con để chiều bắt tiếp, thanh toán tiền luôn, rồi chở heo đi. Đến hơn 16 giờ, số điện thoại …906 gọi lại cho tôi, nói cho heo ăn dùm đi, 5 giờ sáng hôm sau sẽ bắt.
Rồi đến 5 giờ ngày 26-10, số điện thoại …906 gọi lại, nói tôi bắt nồi cháo đi, chuẩn bị đem lòng heo lên nhậu, trả tiền luôn. Sau đó, chờ lâu tôi gọi điện thoại lại, không bắt máy và không liên lạc được nữa. Sợ cuối tuần không ai làm việc nên sáng 31-10, tôi đã làm đơn trình báo ra cơ quan công an vụ việc” - ông Út kể lại.
Tương tự, chị VNA (40 tuổi, ngụ xã Mỹ An) cũng bị lừa mất 9 con heo. Theo chị A, vào ngày 12-10, chồng chị có gọi điện thoại cho một người quen, nhờ kêu dùm thương lái quen biết để bán đàn heo.
Sau đó, lái heo gọi điện thoại lại hỏi mấy con, nhà ở đâu, rồi hẹn sáng hôm sau đến coi heo. Tuy nhiên, đến chiều, chồng bà A gọi điện thoại lại, người lái heo này trả lời heo còn nhiều nên không mua.
“Hơn một tiếng sau, có hai người đàn ông đến nhà coi và mua heo. Vợ chồng tôi có hỏi, thì nói là lái heo tên Út mập, quen biết hay mua heo khu vực này, nhà ở xã Nhị Thành. Hai người này trả giá và đồng ý mua 8 con với giá 50 triệu đồng rồi hẹn sáng sớm hôm sau bắt.
Đến 5h ngày 14-10, có khoảng 6 người đi trên xe máy và 3 chiếc xe lôi đến bắt heo, khi lùa heo lên xe xong, 4 người đi xe lôi rời đi. Một người đàn ông và một người phụ nữ ở lại, rồi đưa số điện thoại ...372, nói buổi trưa bắt heo ở gần đây rồi trả tiền luôn.
Trưa đó, chồng tôi có gọi đòi tiền thì người này nói bận công việc ở Bến Lức, một tí sẽ chuyển khoản. Chờ hoài không thấy, chồng tôi liên lạc lại không được, tìm đến địa chỉ đã cho, không có người tên này, biết bị lừa chồng tôi đã báo công an vụ việc” - chị A nói.
Chiêu trò lừa đảo này khiến cả hai gia đình rất bức xúc, cho rằng trước giờ người nông dân buôn bán thường được các thương lái hứa hẹn rồi sẽ trả, không ngờ lần này lại bị lừa vì sơ ý và cả quá tin. Người dân mong muốn cơ quan chức năng sớm tìm ra nhóm người này để xử lý và cảnh tỉnh đến nhiều người biết, tránh bị mắc lừa.
Theo nhiều người dân ở địa phương, không riêng về gia súc, gia cầm mà các loại nông sản khác, người dân vẫn thường xuyên tin tưởng các thương lái dù lạ, hay quen "hứa thanh toán" vẫn không nghi ngờ, nghĩ rằng người mua sẽ sớm trả tiền. Vì lúc mua, có khi thương lái hoặc cho nhân viên đến mua nên người dân cứ nghĩ chuyện thanh toán sau là "chuyện bình thường", dẫn đến lợi dụng sơ hở này đã xuất hiện thương lái "giả" lừa gạt.
----------------
Phóng viên Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với lãnh đạo UBND xã Mỹ An và xã Mỹ Phú, được biết, lực lượng công an xã đang điều tra, xác minh về việc người dân bị thương lái lừa mua heo, không trả tiền rồi không liên lạc được.
Ông Dương Vũ Ny, Chủ tịch UBND xã Mỹ An, cho biết: "Thời gian qua, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền đối với người dân, nhằm cảnh giác các loại tội phạm, trong đó các chiêu trò lừa đảo, mua bán hàng hóa, nông sản của người dân. Do đó, người dân cần nâng cao ý thức hơn nữa. Khi mua bán cần yêu cầu thanh toán rõ ràng, không cả tin để rồi mất tài sản của gia đình".