Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (Trung tâm VNCERT/CC) - Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết trong quá trình theo dõi, tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác, đơn vị này tiếp tục ghi nhận một số hình thức giả mạo các ngân hàng (NH) để lừa đảo.
Giả mạo tin nhắn ngân hàng
Các đối tượng lừa đảo sử dụng tin nhắn với mã định danh các NH như V, S để gửi đến người dùng điện thoại. Bạn đọc Thanh Hiền phản ánh từng nhận được tin nhắn với mã định danh từ NH S với nội dung: “Tai khoan cua quy khach da dang ky chuong trinh quang cao tren TikTok, moi thang thu phi 5,600,000VND. Vui long an vao https:/… de kiem tra hoac huy”.
Tin nhắn rác không chỉ gây phiền hà mà còn đẩy khách hàng trở thành nạn nhân của nạn lừa đảo chiếm đoạt. Ảnh: VT |
“Tôi không có tài khoản của NH S cũng như TikTok nên tôi đã bỏ qua tin nhắn này. Tuy nhiên, tôi lo ngại rằng bạn bè hoặc người thân của tôi nếu không chú ý có thể trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo này” - chị Hiền nói.
Cũng với thủ đoạn này, một tin nhắn mạo danh NH V được gửi đến người dùng điện thoại với nội dung: “Tai khoan cua ban da mo dich vu tai chinh toan cau, phi dich vu hang thang la 3,600,000VND se bi tru trong 3 gio. Neu khong phai ban mo dich vu vui long nhan vao...”. Kèm theo đó là một đường link có đuôi xyz.
Theo Cục An toàn thông tin, đối tượng lừa đảo đã sử dụng tên định danh của các NH để gửi tới người dùng thông qua tin nhắn. Đáng chú ý, các tin nhắn này xuất hiện chủ yếu tại TP.HCM.
Theo ghi nhận, vào cuối tháng 9-2022, một số người dân khu vực quận 1 phản ánh nhận được tin nhắn từ tên định danh của NH V với nội dung: “Tai khoan cua ban dang duoc dang nhap tren thiet bi khac, neu khong phai ban dang nhap vui long vao https://v... de sua doi mat khau hoac thoat khoi thiet bi kia”.
Trung tâm VNCERT/CC khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức phòng ngừa, cảnh giác với những tin nhắn nghi ngờ lừa đảo.
Trước đó, Cục An toàn thông tin cũng đã thông tin cụ thể về phương thức tấn công của các đối tượng xấu trong các vụ tấn công lừa đảo nhắm vào các tổ chức tài chính, NH.
Đánh giá cho thấy các tin nhắn giả mạo này không xuất phát từ hệ thống của các tổ chức tài chính, NH và doanh nghiệp viễn thông, mà được phát tán thông qua các thiết bị phát sóng di động giả mạo (IMSI Catcher/SMS Broadcaster).
Nhà mạng hỗ trợ khách hàng xác thực tin nhắn
Theo nhà mạng MobiFone, thời gian gần đây đơn vị này cũng ghi nhận một số hình thức lừa đảo mới nhằm đánh cắp thông tin dịch vụ NH, qua đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.
Để ngăn chặn tình trạng tin nhắn giả tràn lan, MobiFone đã cung cấp kênh tra cứu hoàn toàn miễn phí cho khách hàng.
Trong trường hợp nhận được tin nhắn nghi giả mạo tin nhắn NH, khách hàng thực hiện chuyển tiếp tin nhắn đó tới đầu số 9241 để hệ thống hỗ trợ tra cứu và trả về thông tin cho khách hàng. MobiFone sẽ tra cứu tin nhắn có được gửi từ hệ thống của MobiFone trong vòng bảy ngày hay không.
Với khách hàng sử dụng mạng Viettel, khi nhận được tin nhắn từ các định danh tổ chức tài chính, NH nghi ngờ là tin nhắn giả mạo, khách hàng có thể chuyển tiếp/sao chép nội dung tin nhắn nghi ngờ gửi đến đầu số 9548. Hệ thống Viettel sẽ kiểm tra và gửi tin nhắn phản hồi kết quả tra cứu cụ thể cho khách hàng. Thời gian hỗ trợ tra cứu là trong vòng bảy ngày kể từ thời điểm khách hàng thực hiện tra cứu trở về trước. Tin nhắn này cũng hoàn toàn miễn phí.
Được tra cứu xem tài khoản ngân hàng an toàn hay lừa đảo
Trung tâm Giám sát an toàn thông tin mạng quốc gia (NCSC) cũng cung cấp tính năng “Tra cứu tài khoản”. Việc này cho phép người dùng có thể tra cứu một tài khoản NH là tài khoản lừa đảo hay an toàn dựa trên danh sách các tài khoản đã được báo cáo và kiểm duyệt nghiêm ngặt bởi đội ngũ của trung tâm.
Khi truy cập vào tính năng “Tra cứu tài khoản” trên tinnhiemmang.vn, người dùng sẽ thấy danh sách các tài khoản được báo cáo đã kiểm duyệt. Các thông tin bao gồm số tài khoản, chủ sở hữu và NH phát hành kèm theo trạng thái “lừa đảo”, “an toàn” hoặc “đang xác minh” của tài khoản đó.
Khi chọn xem một tài khoản cụ thể, ngoài việc có thể xem các thông tin về tài khoản, người dùng còn có thể xem các bình luận, đánh giá của mọi người về tài khoản này...
Trường hợp nghi ngờ một tài khoản nào đó là lừa đảo, người dùng có thể nhập số tài khoản vào ô tìm kiếm để kiểm tra xem tài khoản này đã được xác nhận là lừa đảo hay không.
Nếu không tìm thấy kết quả, người dùng có thể báo cáo tài khoản nghi ngờ/có dấu hiệu lừa đảo để NCSC kiểm duyệt thông tin và bổ sung vào danh sách tài khoản lừa đảo để cảnh báo đến mọi người. Ngoài ra, người dùng cũng có thể báo cáo về một tài khoản uy tín để được xác nhận là tài khoản chính chủ (an toàn) sau khi được đội ngũ của NCSC kiểm duyệt.