Cảnh giác với chiêu lừa chỉ cần like, share... vẫn có thu nhập cao

(PLO)- Các đối tượng sử dụng chiêu lừa tuyển dụng với công việc chỉ cần xem video, thả tim, like, share… trên mạng xã hội để chiếm đoạt tiền.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian qua, Pháp Luật TP.HCM nhận được một số phản ánh của bạn đọc về việc bị lừa đảo qua tuyển dụng “việc nhẹ lương cao” trên mạng xã hội.

Mất tiền vì tìm việc trên mạng

Cách đây một tháng, vì muốn tìm kiếm việc làm tại nhà để tăng thu nhập, chị NTT (ngụ Đồng Nai) vô tình lướt trên Facebook thấy có lời mời tuyển dụng. Sau khi bấm vào xem, khoảng 1 phút sau có một tài khoản gửi tin nhắn từ một công ty tuyển dụng đến hộp thư chat của chị T.

Người lao động tìm việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Người lao động tìm việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM.
Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Tin nhắn có nội dung: “Hiện tại công ty mình đang tuyển người làm việc tại nhà, ngày bỏ ra 2-3 tiếng là có thu nhập từ 300k-700k rồi đó ạ. Công việc của bạn là xem video, thả tim, like, share, làm nhiệm vụ tăng tương tác, làm nhiệm vụ phúc lợi… cho nền tảng Facebook, YouTube và Zalo để tăng lưu trữ truy cập và giao dịch thông qua website công ty ACBL”.

Sau đó, tài khoản này tiếp tục gửi bảng tuyển dụng, có logo, mộc đỏ của công ty nhằm tạo sự tin tưởng với chị T.

Chị T cho biết: Ban đầu họ sẽ hỏi mình có thẻ ngân hàng không và yêu cầu mình tải một app của công ty về và họ sẽ hướng dẫn cách mình đăng ký. Tiếp đó, họ yêu cầu chụp ảnh CMND để làm hồ sơ. Lần đầu họ kêu chuyển 550.000 đồng, làm xong nhiệm vụ thì họ chuyển lại cho mình đúng với số tiền trên, cộng thêm hoa hồng, lương đầy đủ. Hôm sau, họ bắt chị T làm giống như ngày đầu. Nhưng lần này bắt chuyển 4 triệu đồng, vì hệ thống báo hôm nay phải hoàn thành 2-4 nhiệm vụ.

“Tưởng vậy là xong, họ lại tiếp tục bắt tôi giao dịch thêm lần thứ ba là 15 triệu đồng và nói lần giao dịch này tôi sẽ được rút tiền cả gốc lẫn lời. Chuyển xong, họ lại báo hệ thống báo phải hoàn thành nhiệm vụ thứ tư và lần này phải chuyển 50 triệu đồng. Vì tiếc và sợ mất số tiền đã chuyển nên tôi lại đi mượn tiền của người thân để chuyển tiếp” - chị T nói.

Cũng theo chị T, tiếp sau đó phía công ty liên tục kêu chị phải chuyển tiền với số tiền hơn 100 triệu đồng, không chuyển sẽ đóng băng số tiền đã chuyển trước đó.

Đến lúc này, chị T mới biết mình bị lừa nên không làm theo các yêu cầu phía công ty gửi đến. Kết quả, sau hơn ba ngày chuyển tiền, chị T đã bị lừa mất 69,5 triệu đồng.

Tương tự, chị NTP (ngụ Bình Định) bị mất hơn 25 triệu đồng cũng với chiêu trò like, share, làm nhiệm vụ tăng tương tác trên các nền tảng mạng xã hội như trên.

Người dân không tham gia đầu tư qua mạng viễn thông, mạng Internet, mạng xã hội và chuyển tiền cho những tài khoản ngân hàng mà mình không quen biết.

“Việc nhẹ lương cao” không thể đến dễ dàng

Trao đổi với PV về thị trường lao động hiện nay, ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia về thị trường lao động, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, cho biết hiện nay nhu cầu tuyển dụng lao động đang bắt đầu khởi sắc. Đặc biệt, tại các trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên và Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM đang có rất nhiều thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động.

Theo đó, nhu cầu tuyển dụng cũng rất đa dạng từ trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, phổ thông… Tùy vào trình độ chuyên môn và kinh nghiệm làm việc mà các nhà tuyển dụng đưa ra những mức lương tương ứng.

Ông Tuấn nhận định: Tình trạng lừa đảo việc làm như báo thông tin đã xuất hiện lâu nay và đang được các cơ quan chức năng tích cực ngăn chặn.

Để tránh rơi vào bẫy lừa đảo, người lao động cần lưu ý một số điều. Thứ nhất, người lao động cần biết rằng vị trí của mình ở phân khúc nào để tìm một công việc tương ứng với trình độ và chuyên môn. Thứ hai, khi tiếp nhận thông tin tuyển dụng một cách dễ dàng, bằng những kênh thông tin không chính thống, người lao động cần phải đặt dấu chấm hỏi ngay. Thứ ba, khi người lao động được tuyển dụng thì phải tìm hiểu xem doanh nghiệp đó ở đâu, nguồn gốc như thế nào.

“Một điều đáng buồn là hiện nay những người bị lừa tuyển lao động khi tìm việc trên mạng xã hội đa phần là các em sinh viên mới ra trường. Các em nghe theo lời dụ dỗ về công việc thuận lợi, thu nhập cao là rất dễ rơi vào bẫy. Người lao động cần lưu ý thêm khi làm việc phải xuất phát từ thấp đến cao và không có “việc nhẹ lương cao” đến một cách dễ dàng” - ông Tuấn chia sẻ.•

Công an đã từng cảnh báo về công việc like, share trên mạng

Trước đây, Công an TP.HCM và công an các quận, huyện đã nhiều lần cảnh báo về các hình thức lừa đảo qua mạng xã hội với công việc hằng ngày thả tim, theo dõi các trang mạng xã hội.

Theo đó, phương thức, thủ đoạn của các nhóm phạm tội là lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin và nhu cầu kiếm tiền nhanh, không cần bằng cấp, kinh nghiệm, làm việc tại nhà của bị hại.

Công an TP.HCM cũng đưa ra các biện pháp phòng ngừa cho người dân để nâng cao cảnh giác đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng viễn thông, mạng Internet, mạng xã hội.

Theo đó, người dân không tham gia đầu tư qua mạng viễn thông, mạng Internet, mạng xã hội và chuyển tiền cho những tài khoản ngân hàng mà mình không quen biết để tránh bị lừa. Chia sẻ, cảnh báo với người thân, hàng xóm các phương thức, thủ đoạn của tội phạm này…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm