Cảnh sát Trung Quốc hiện đang truy lùng những thành viên trong gia đình của Sedirdin Sawut (39 tuổi), bao gồm vợ, cha ruột, cha vợ và hai anh họ của anh ta. Những người này đã gần như mất tích hoàn toàn sau khi vụ đánh bom xảy ra.
Nhiều bằng chứng cho thấy những người này có vai trò hỗ trợ cho Sawut trong vụ tấn công vào sân ga Tân Cương, khiến một thường dân thiệt mạng, 79 người khác bị thương.
Song song với đó, giới chức cũng ráo riết tìm kiếm tung tích của hai người đàn ông khác, bị tình nghi là có mối quan hệ đặc biệt với Sawut và rất có thể cũng liên quan trực tiếp đến vụ việc.
Một người phụ nữ người Duy Ngô Nhĩ ở nhà ga Tân Cương. Ảnh: Reuters
Sawut là một trong hai người đã bí mật mang dao, bom vào nhà ga Tân Cương với mục đích đánh bom khủng bố. Hai người này được xác định là thành phần của những nhóm tôn giáo cực đoan. Dù cả hai đã thiệt mạng nhưng chính phủ Trung Quốc mới chỉ công khai danh tính của một người. Cuộc tấn công khiến chuyến thăm của chủ tịch Tập Cận Bình phải hủy bỏ. Đây là chuyến thăm đầu tiên của chủ tịch mới đến Tân Cương kể từ khi ông đắc cử.
Vụ đánh bom lần này có nhiều chi tiết lạ khiến cảnh sát Trung Quốc bối rối. Mặc dù trước đó từng xảy ra một vài vụ tương tự, nhưng hầu như không có dấu hiệu của hoạt động khủng bố có tổ chứ. “Những lần trước, người cài bom thường tìm cách rời khỏi hiện trường, nhưng trong vụ này rõ ràng cả hai đã xác định sẽ mất mạng”, một cảnh sát giấu tên cho biết.
Một số nhận định cho rằng tình hình căng thẳng ở Tân Cương một phần là do chính sách khá mạnh tay của chính phủ đối với khu vực đặc biệt này. Trong đó bao gồm cả việc kìm hãm và khống chế đạo Hồi cũng như các hoạt động văn hóa, ngôn ngữ của người Duy Ngô Nhĩ.
Tháng 10-2013, một chiếc “xe điên” đã tông thẳng vào đoàn khách du lịch ở Thiên An Môn, Bắc Kinh, khiến ba người thiệt mạng. Tháng 3-2014, một nhóm khủng bố đã dùng dao đâm chết 29 dân thường ở Côn Minh. Trong một năm qua, khoảng 100 người đã chết vì các cuộc xung đột, tấn công, bất ổn chính trị, tôn giáo ở khu vực này.
An Khương