Sau hai ngày làm theo chỉ đạo của Thủ tướng về việc quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19, hầu hết các bến tàu, xe, sân bay ở các TP lớn trên cả nước đều vắng hơn hẳn. Các đơn vị quản lý bến xe, nhà ga, sân bay đều thực hiện nghiêm việc kiểm tra các hành khách đi/đến để phòng dịch hiệu quả.
TP.HCM: Người dân chấp hành tốt ở bến xe
Chiều 29-3, cả hai bến xe Miền Đông và Miền Tây ở TP.HCM đều rất vắng vẻ.
Tại Bến xe Miền Đông không có tình trạng tập trung đông người. Các nhân viên ngồi chờ một số xe xuất bến dù chỉ có vài hành khách trên xe. Tuy vậy, việc vận chuyển hàng hóa của các xe khách vẫn diễn ra bình thường.
Trao đổi với PV về phương án giảm các tuyến liên tỉnh, ông Đỗ Phú Đạt, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, cho biết nếu doanh nghiệp có 10 xe thì chỉ được xuất bến bốn xe (giảm 60%). Bốn xe này cũng chỉ được chở 20 người/xe.
“Bến sẽ từ chối phục vụ hành khách và nhà xe nếu không thực hiện theo quy định. Ngoài ra, bến xe cũng phối hợp với Thanh tra giao thông (Sở GTVT) để tiến hành kiểm tra thường xuyên” - ông Đạt cho hay.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, bến này đã có những động thái tích cực cho việc kê khai y tế như trang bị 20 máy tính bảng, hướng dẫn tại quầy thông tin...
“Cơ quan nhà nước cần có chế tài xử phạt cụ thể khi các doanh nghiệp vận tải không thực hiện đúng quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, doanh nghiệp vận tải có thể mạnh dạn từ chối hành khách nếu không chấp hành các quy định phòng, chống dịch” - ông Đạt kiến nghị.
Tình trạng vắng khách cũng được PV ghi nhận tại Bến xe Miền Tây. Theo thống kê của bến xe, hiện doanh nghiệp vận tải chỉ hoạt động 40%-42% số chuyến xe. Những tuyến buýt liên tỉnh như số 601 (Bến xe Biên Hòa), tuyến số 618 (Khu du lịch Đại Nam) đã ngưng hoạt động.
Ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Bến xe Miền Tây, cho biết bến xe vừa kiểm tra trên giấy tờ và vừa kiểm tra thực tế để kiểm soát lượng khách lên xe.
Thứ nhất: Tiến hành kiểm tra, giám sát khi doanh nghiệp vận tải bán vé. Sau đó, bến xe thực hiện rà soát số lượng vé bán ra thì mới cho xuất bến.
Thứ hai: Khi xe xuất bến tại cổng, bảo vệ sẽ kiểm tra số người thực tế trên xe, nếu đảm bảo điều kiện mới cho xuất bến.
“Đa số người dân đều chấp hành tốt. Vì vậy, theo thống kê thực tế của Bến xe miền Tây, chưa có trường hợp nào bến xe phải yêu cầu doanh nghiệp sang khách” - ông Phương nói.
Rất ít hành khách mua vé ở Bến xe Miền Tây ngày 29-3. Ảnh: THU TRINH
Nhân viên kiểm tra thân nhiệt cho hành khách tại ga Đà Nẵng ngày 29-3. Ảnh: TẤN VIỆT
Ga tàu, sân bay giảm chuyến
Theo khảo sát của PV, hiện tại mỗi ngày tại ga Sài Gòn (TP.HCM) phục vụ hai đôi tàu Thống Nhất (hai chuyến đi, hai chuyến về ga Sài Gòn) và một đôi tàu Sài Gòn - Nha Trang.
Một quản lý tại ga Sài Gòn cho biết thời điểm đầu tháng 4 sắp tới, nhà ga tiếp tục hủy thêm một đôi tàu Thống Nhất.
Tại khu vực bán vé, PV ghi nhận lượng hành khách tới mua vé rất ít. Tuy vậy, hành khách mua vé vẫn phải bốc số thứ tự và xếp hàng chờ tới lượt theo quy định.
Nhà ga vẫn thực hiện nghiêm ngặt việc đo thân nhiệt; yêu cầu hành khách đeo khẩu trang và khai báo y tế.
Tại sân bay Tân Sơn Nhất, trong ngày 29-3, tần suất khai thác các chuyến bay của bốn hãng hàng không trong nước giảm chỉ còn 28 chuyến.
Theo số liệu ghi nhận từ Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam-CTCP (ACV) trong ngày 29-3, toàn mạng bay nội địa và quốc tế (hiện chưa ngưng khai thác) có hơn 200 chuyến do bốn hãng khai thác. Trong đó, các hãng hàng không quốc tế khai thác khoảng 50 chuyến bay đi/đến Việt Nam.
Riêng sân bay Tân Sơn Nhất trong ngày có khoảng 120 chuyến xuất phát đến các sân bay nội địa và quốc tế, trong đó có 27 chuyến bay của các hãng hàng không quốc tế.
Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ: Ngưng nhiều chuyến xe
Tại Hà Nội: Sở GTVT TP Hà Nội đã chỉ đạo dừng hoàn toàn hoạt động của xe buýt đến ngày 15-4. Các phương tiện khác được hoạt động bình thường nhưng phải thực hiện nghiêm các yêu cầu về y tế như khử khuẩn, đeo khẩu trang…
Trao đổi với PV, đại diện các bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát, Mỹ Đình… đều cho biết hầu hết xe khách liên tỉnh đã cắt giảm chuyến hoặc dừng hoạt động vì không có khách. Hiện số lượng xe xuất bến chỉ vài chuyến/ngày, thậm chí có xe chạy rỗng.
Tại Đà Nẵng: Ghi nhận của PV ngày 29-3, ga Đà Nẵng rất vắng khách.
Bà Lê Thị Tuyến, Đội trưởng Đội khách vận (Chi nhánh vận tải đường sắt Đà Nẵng), cho hay hiện mỗi ngày ga Đà Nẵng đón bốn đôi tàu cho hai chiều ra/vào, giảm ba đôi tàu so với trước đó.
Ga Đà Nẵng đã được bố trí nhân viên y tế cùng lực lượng công an túc trực nhằm hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Mỗi hành khách vào ga đều phải đeo khẩu trang, xịt rửa tay khử khuẩn, khai báo y tế…
Khi xuống tàu, 100% hành khách ra ga bằng lối đi riêng có đội ngũ phòng, chống dịch túc trực và hướng dẫn hành khách. Những hành khách có biểu hiện bệnh sẽ lập tức được xử lý theo quy trình phòng, chống dịch nhóm A.
Tương tự, tại Bến xe trung tâm Đà Nẵng cũng vắng vẻ trong dịp cao điểm chống dịch. Ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Sở GTVT TP Đà Nẵng, cho hay sở đã yêu cầu các đơn vị vận tải khách theo tuyến cố định phải khảo sát, đánh giá nhu cầu đi lại để chủ động đăng ký điều chỉnh phương án chạy xe phù hợp.
Tại Quảng Nam, ông Lê Văn Sinh, Giám đốc Sở GTVT, cho hay trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, nhu cầu đi lại của người dân rất ít. Sở đã thống nhất với Sở GTVT TP Đà Nẵng tạm dừng khai thác tất cả tuyến xe buýt giữa hai tỉnh từ 13 giờ ngày 28-3.
Tại Cần Thơ: Sáng 29-3, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ Lê Tiến Dũng đã có thông báo tổ chức lại hoạt động vận tải trên địa bàn TP.
Theo đó, Cần Thơ sẽ tạm ngưng hoạt động bốn tuyến xe buýt liên tỉnh đi Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng kể từ ngày 29-3 đến 15-4. Cạnh đó, giảm phân nửa số chuyến đối với bốn tuyến xe buýt nội ô TP.
Cũng theo thông báo, giám đốc sở này yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải tạm dừng hoạt động các tuyến cố định đến Hà Nội, Bình Thuận, Đà Nẵng và Quảng Ninh. Riêng các tuyến cố định từ Cần Thơ đi TP.HCM giảm 60%; các tuyến cố định đi các tỉnh, TP khác giảm 50% số chuyến.
Ngoài ra, các tỉnh Đồng Tháp, Cà Mau, Bạc Liêu, Tiền Giang… cũng đều giảm 50% số các tuyến xe liên tỉnh đi TP.HCM. Đồng thời, các chuyến xe này chỉ được chở dưới 20 người.
Dừng các chuyến bay nội địa đi/đến TP.HCM, Hà Nội Ngày 29-3, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn ký văn bản hỏa tốc gửi Cục Hàng không Việt Nam về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, bộ này yêu cầu từ 0 giờ hôm nay (30-3) đến hết ngày 15-4, các hãng hàng không Việt Nam hạn chế tối đa đường bay nội địa. Cụ thể, đường bay Hà Nội - TP.HCM và ngược lại, mỗi hãng hàng không Việt Nam được khai thác một chuyến/ngày. Đường bay Hà Nội - Đà Nẵng/Phú Quốc - Hà Nội, mỗi hãng hàng không Việt Nam được khai thác một chuyến/ngày. Tương tự, các đường bay TP.HCM - Đà Nẵng/Phú Quốc - TP.HCM, mỗi hãng được khai thác một chuyến/ngày/đường bay. Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục Hàng không chỉ đạo dừng toàn bộ chuyến bay trên các đường bay nội địa còn lại đi/đến Hà Nội và TP.HCM. Đối với các sân bay, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không chỉ đạo các cảng hàng không phối hợp với chính quyền địa phương rà soát việc cách ly của tổ bay người nước ngoài. Từ đó đảm bảo thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống dịch của Bộ Y tế. Vẫn có nhà xe vi phạm Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết hiện nay các chuyến bay, bến xe vẫn có phương tiện di chuyển về các địa phương. Tuy nhiên, tất cả phải tuân thủ quy định, đảm bảo an toàn trong quá trình di chuyển. Sở GTVT có yêu cầu các bến xe dán số điện thoại đường dây nóng của sở và thanh tra giao thông để hành khách hỏi hoặc phản ánh các vấn đề liên quan. Ông Trần Quốc Khánh, Chánh Thanh tra giao thông, Sở GTVT, cho biết qua một ngày kiểm tra việc tuân thủ các quy định của Sở GTVT (28-3), Thanh tra sở đã phát hiện bốn nhà xe vi phạm. Cụ thể, một xe chở quá 50% sức chứa, hai xe không khai báo y tế và không có nước rửa tay. Đặc biệt, một xe gom công nhân từ Long An, Tiền Giang về quận Tân Bình làm việc đã chở hơn 100% sức chứa. Đối với những trường hợp vi phạm trong bến, thanh tra yêu cầu không cho xuất bến. Đồng thời, thanh tra yêu cầu bảo vệ phân tán những nơi có trên 20 người tập trung tại bến xe. |