Cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Nghệ An.

Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 về đích

(PLO)- Để hoàn thành dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, toàn ngành giao thông đã cùng vượt qua nhiều khó khăn, thách thức.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 1 (2017-2020) được Quốc hội khóa XIV thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2017, gồm 11 dự án thành phần, có tổng chiều dài 654 km.

"Với việc thông xe cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo vào dịp 30-4 tới, toàn bộ giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành đúng chỉ đạo của Chính phủ. Để có kết quả ngày hôm nay, toàn ngành giao thông đã cùng nhau vượt qua nhiều thách thức." - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM về việc triển khai giai đoạn 1 của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

cao-toc.jpg
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy. Ảnh: VL
cao tốc bắc nam
Cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Nghệ An. Ảnh: ĐẮC LAM

Nỗ lực vượt qua khó khăn, trở ngại

. Phóng viên: Đây là lần đầu tiên chúng ta làm một tuyến đường bộ cao tốc trải dài từ Bắc tới Nam với điều kiện tự nhiên, địa hình khác nhau. Vậy theo ông, đâu là những khó khăn khi triển khai dự án này?

+ Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy: Như chúng ta thấy, 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được triển khai trong giai đoạn cả nước tập trung phòng, chống đại dịch COVID-19, nhiều thời điểm giãn cách xã hội không thể huy động nhân sự, vận chuyển máy móc vào công trường. Song song đó, dự án đi qua khu vực có địa hình, địa chất phức tạp, nền đất yếu đòi hỏi phải theo dõi, điều chỉnh kịp thời về thiết kế kỹ thuật để đảm bảo chất lượng.

Hết dịch, giá nhiên liệu, vật liệu có thời điểm tăng cao đột biến; khó khăn về việc khai thác, cung ứng nguồn vật liệu xây dựng thông thường, đặc biệt là đất đắp nền đường. Thêm vào đó, tại một số địa phương, thời tiết và khí hậu cực đoan, mùa mưa đến sớm và kéo dài hơn thường lệ khiến nhiều thời điểm không thể thi công…

“11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được triển khai trong giai đoạn cả nước tập trung phòng, chống đại dịch COVID-19.”

. Ngành giao thông đã vượt qua những khó khăn đó như thế nào để đưa dự án về đích đúng tiến độ, thưa ông?

+ Chính phủ, Thủ tướng đã dành sự quan tâm đặc biệt, sâu sát, quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp, tháo gỡ khó khăn; đã ban hành nhiều nghị quyết với cơ chế đặc thù để giải quyết vướng mắc, khó khăn về nguồn vật liệu. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, quyết liệt, vượt qua mọi khó khăn, giải quyết dứt điểm các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình.

Về phần mình, Bộ GTVT đã phát động các phong trào thi đua với mục đích vừa động viên, cổ vũ vừa là mệnh lệnh để các chủ thể tham gia dự án nỗ lực phấn đấu, tổ chức triển khai ba ca, bốn kíp, thi công xuyên lễ, Tết. Đồng thời, từ bộ trưởng đến các thứ trưởng thường xuyên kiểm tra công trường để chỉ đạo và giải quyết các vấn đề vướng mắc.

Trên công trường, các ban quản lý dự án đã tập trung giải quyết nhanh những thủ tục liên quan cho nhà thầu; linh hoạt trong việc áp dụng mọi cơ chế giải ngân nhằm hỗ trợ, duy trì năng lực tài chính cho các nhà thầu tăng tốc thi công. Cạnh đó, các ban quản lý dự án tăng cường kiểm soát chặt chẽ từng khâu, từng thủ tục, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra tiêu cực, sai phạm; kiểm soát nghiêm chất lượng thi công của nhà thầu.

1.000

là số kilomet của tuyến cao tốc Bắc - Nam sau khi hoàn thành 11 dự án thành phần, cùng với hơn 300 km cao tốc đã được khai thác, đáp ứng nhu cầu vận tải, khắc phục tình trạng ách tắc và tai nạn trên Quốc lộ 1.

Các đơn vị tư vấn bám sát hiện trường, luôn có cán bộ thường trực giám sát chặt chẽ về quy trình, chất lượng thi công, đẩy nhanh nghiệm thu thanh toán, kịp thời xử lý ngay những điều chỉnh, bổ sung thiết kế kỹ thuật nếu có.

Các nhà thầu linh hoạt điều chỉnh tiến độ thi công, tăng cường nhân lực, thiết bị, tài chính… Đồng thời tổ chức thi công ba ca, bốn kíp để đẩy nhanh tiến độ, bù lại phần khối lượng bị chậm. Họ cũng thực hiện đúng với cam kết thi đua về tiến độ hoàn thành từng gói thầu, đảm bảo hoàn thành dự án đúng tiến độ yêu cầu; tuyệt đối không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng.

Với tinh thần đó, hàng ngàn kỹ sư, công nhân đã làm việc ngày đêm, phát huy tinh thần đi trước mở đường và với tình yêu đất nước, yêu nghề, họ đã vượt qua tất cả sự khắc nghiệt của thời tiết và môi trường lao động. Họ cũng vượt lên những sự nhớ nhung, xa cách người thân và gia đình, kể cả trong những ngày lễ, Tết để bám máy, bám công trường, thi công không ngơi nghỉ.

Theo đó, nắng đủ thì thi công bê tông nhựa, mưa nhiều thì chuyển sang làm cầu, cống, hộ lan, biển báo. Thời tiết có thể bất lợi nhưng sản lượng không thể không lũy tiến. Tinh thần ấy, khí thế ấy, giải pháp linh hoạt ấy đã tạo nên đột phá ấn tượng tại các công trường.

11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam

Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 dài 652,9 km, được chia thành 11 dự án thành phần, gồm tám dự án thành phần đầu tư công và ba dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

1. Cao Bồ - Mai Sơn (15,2 km, qua Nam Định - Ninh Bình), tổng mức đầu tư 1.607 tỉ đồng bằng nguồn vốn đầu tư công, khánh thành vào ngày 4-2-2022.

2. Cam Lộ - La Sơn (98,3 km, qua Quảng Trị - Thừa Thiên-Huế), tổng mức đầu tư 7.669 tỉ đồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, khánh thành vào ngày 31-12-2022.

3. Mai Sơn - Quốc lộ 45 (63,4 km, qua Ninh Bình - Thanh Hóa), tổng mức đầu tư 12.111 tỉ đồng bằng nguồn vốn đầu tư công, khánh thành vào ngày 30-4-2023.

4. Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (43,2 km, qua Thanh Hóa), tổng mức đầu tư 5.534,4 tỉ đồng bằng nguồn vốn đầu tư công, khánh thành vào tháng 10-2023.

5. Nghi Sơn - Diễn Châu (50 km, qua Thanh Hóa - Nghệ An), tổng mức đầu tư khoảng 7.293 tỉ đồng bằng nguồn vốn đầu tư công, khánh thành vào tháng 10-2023.

6. Nha Trang - Cam Lâm (49,1 km, qua Khánh Hòa), tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỉ đồng, là dự án PPP, khánh thành vào tháng 6-2023.

7. Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu (dài 6,61 km) bắc qua sông Tiền nối hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long, tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng bằng nguồn vốn đầu tư công, khánh thành vào tháng 12-2023.

8. Vĩnh Hảo - Phan Thiết (100,8 km, qua Bình Thuận), tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỉ đồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, khánh thành vào tháng 6-2023.

9. Phan Thiết - Dầu Giây (99 km, qua Bình Thuận - Đồng Nai), tổng mức đầu tư hơn 12.577 tỉ đồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, khánh thành vào ngày 30-4-2023.

10. Diễn Châu - Bãi Vọt (49,3 km, qua Nghệ An - Hà Tĩnh), tổng mức đầu tư 11.157,82 tỉ đồng theo hình thức PPP, khánh thành vào tháng 4-2024.

11. Cam Lâm - Vĩnh Hảo (78,5 km, qua Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận), tổng mức đầu tư 8.925 tỉ đồng theo hình thức PPP, khánh thành vào tháng 4-2023.

Năm bài học kinh nghiệm để làm cao tốc

. Vậy đâu là những bài học kinh nghiệm để chúng ta triển khai tiếp giai đoạn 2, sớm nối thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam, thưa ông?

+ Để phát huy những kết quả đạt được, chúng tôi nhận thấy phải quán triệt những bài học kinh nghiệm đã được rút ra và rất có giá trị thực tiễn:

Một là, phải huy động sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và toàn xã hội vì sự nghiệp phát triển chung của đất nước.

Hai là, bám sát thực tiễn, chủ động, kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc để đề xuất các giải pháp, các cơ chế, chính sách giải quyết. Hướng giải quyết là giảm thiểu các thủ tục hành chính và các khâu trung gian, tập trung trách nhiệm, rút ngắn thời gian thực hiện. Tinh thần như Chính phủ đã quán triệt “Khó khăn ở đâu thì giải quyết ở đó, ở cấp nào thì cấp đó giải quyết, tránh các hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm ảnh hưởng đến tiến độ và mục tiêu chung của các dự án”.

Ba là, công tác giải phóng mặt bằng luôn là đường găng của các dự án nên cần phải đi trước một bước. Vì vậy, các địa phương cần tập trung chỉ đạo triển khai đồng thời một số công việc để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Cụ thể như di dời hạ tầng kỹ thuật, xây dựng khu tái định cư, giao mỏ vật liệu, xác định bãi đổ thải, hạn chế tối đa việc bàn giao mặt bằng “xôi đỗ” gây khó khăn trong quá trình thi công. Đặc biệt, các tỉnh cần quan tâm xây dựng các khu tái định cư đảm bảo tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ.

Đại diện Viện Chiến lược và phát triển giao thông:

Cao tốc làm thay đổi căn bản vị thế của các địa phương

Các cao tốc giai đoạn 1 đi vào hoạt động sẽ giúp tăng cường năng lực lưu thông hành khách và hàng hóa, tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển cho người dân. Cao tốc còn giúp mở rộng thị trường, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị với các khu vực khác; rút ngắn khoảng cách và khắc phục sự chênh lệch trong phát triển giữa các vùng, miền. Theo tính toán, khi các tuyến cao tốc được đưa vào khai thác sẽ giúp tiết kiệm chi phí xã hội, đóng góp một phần vào tăng trưởng GRDP của các tỉnh nằm trên các tuyến cao tốc.

Đặc biệt, cao tốc đã làm thay đổi căn bản vị thế của các tỉnh, tạo động lực, khơi thông các tiềm năng phát triển, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế. Đây cũng là một trong những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ…

Ông ĐỖ MINH TUẤN, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa:

Đầu tư nút giao để phát huy hiệu quả cao tốc

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam có vai trò rất quan trọng với địa phương và cả nước. Cụ thể, tại tỉnh Thanh Hóa, dự án kết nối với hệ thống giao thông tỉnh bằng các nút giao, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư. Chính vì vậy, tỉnh Thanh Hóa đã ưu tiên bố trí gần 9.000 tỉ đồng ngân sách địa phương để đầu tư các tuyến kết nối với cao tốc nhằm phát huy tối đa hiệu quả của dự án.

Bốn là, nhu cầu vật liệu đắp nền đường rất lớn, các địa phương cần chủ động có kế hoạch khai thác, cung cấp đủ nguồn vật liệu theo tiến độ thi công của dự án. Đồng thời, địa phương cần kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc vật liệu, quản lý chặt chẽ giá vật liệu. Kiên quyết không để xảy ra các hiện tượng đầu cơ, nâng giá, ảnh hưởng đến tiến độ và chi phí xây dựng công trình.

Năm là, các chủ đầu tư, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế và các nhà thầu phải xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, chi tiết, phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời huy động đầy đủ nhân lực, tài chính, máy móc, thiết bị hiện đại, tổ chức thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng. Tuân thủ tuyệt đối yêu cầu kỹ thuật của dự án, các quy định của pháp luật liên quan, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Với tinh thần đó, toàn ngành phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành toàn bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau, hoàn thành mục tiêu cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc. Mục tiêu để những con đường mở ra cơ hội mới, sớm đưa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường thành hiện thực.

. Xin cảm ơn ông.•

27-p45-chuyende-anhbaiphu.jpg
Tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ được khánh thành vào ngày 28-4.
Ảnh: HUỲNH HẢI

Ngày mai, khánh thành cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Diễn Châu - Bãi Vọt

Ngày 26-4, ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Điều hành 3, Ban quản lý dự án 85 (Bộ GTVT), cho biết cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã chính thức đưa vào khai thác, vận hành lúc 7 giờ cùng ngày.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78,5 km, đi qua ba tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Tuyến cao tốc này sẽ đấu nối vào cao tốc Nha Trang - Cam Lâm ở phía bắc và cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết ở phía nam, thông tuyến cao tốc từ TP.HCM đến TP Nha Trang (Khánh Hòa). Cao tốc có hai nút giao là Quốc lộ (QL) 27 tại huyện Ninh Sơn và QL1 tại huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận.

Sáng 26-4, Công ty CP Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã cắt cử lực lượng phân luồng giao thông tại các nút giao QL27 và QL1. Công ty cũng bố trí lực lượng hướng dẫn các phương tiện vào trạm dừng nghỉ tạm. Tuy nhiên, trong ngày đầu thông xe, tuyến cao tốc này khá ít phương tiện lưu thông.

Theo ông Long, phương án chung về đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã được Bộ GTVT phê duyệt. Hệ thống biển báo đã được lắp đặt đầy đủ trên toàn tuyến cao tốc.

Theo đó, đoạn tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo được giao cho Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) quản lý vận hành, bảo trì, đảm bảo việc vận hành khai thác an toàn, thông suốt.

Phương án chung về đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã được Bộ GTVT phê duyệt. Hệ thống biển báo đã được lắp đặt đầy đủ trên toàn tuyến cao tốc.

Để chuẩn bị đưa vào khai thác, công ty đã tổ chức diễn tập PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên tuyến cao tốc. Trước đó, ngày 20-4, Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã chấp thuận kết quả nghiệm thu dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo để đưa vào khai thác, sử dụng. Cao tốc này sẽ được khánh thành vào ngày mai (28-4), dự kiến tổ chức thu phí vào ngày 2-5.

Cũng trong ngày mai, đoạn 30 km của tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt sẽ được thông xe. Toàn tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt dài hơn 49 km, điểm tiếp nối dự án cao tốc đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu tại nút giao QL7A và điểm cuối tại điểm giao QL8A (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) - nối cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi (Hà Tĩnh).

Ông Nguyễn Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng, cho biết hôm nay sẽ hoàn thành phần thảm và xong hệ thống hộ lan, an toàn giao thông… Nhà thầu đang huy động tối đa kỹ sư, công nhân, thiết bị, máy móc thi công rải bê tông nhựa đoạn qua hầm Thần Vũ và nút giao với QL46B.

Ông Ngô Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Ban điều hành dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt (Bộ GTVT), cho biết: “Hiện nay, 30 km cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu đến nút giao QL46B đã cơ bản hoàn thành. Dự kiến đến tối 28, sáng 29-4, bà con nhân dân có thể chạy xe qua đoạn cao tốc này”. Riêng đoạn cao tốc từ nút giao QL46B qua cầu Hưng Phúc sang đến Bãi Vọt theo hợp đồng sẽ thông xe vào tháng 5-2024.

Dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông, dài khoảng 50 km, đi qua hai tỉnh Nghệ An (44,4 km) và Hà Tĩnh (4,9 km). Dự án được khởi công vào tháng 5-2021 với tổng vốn đầu tư hơn 11.150 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng 5.090 tỉ đồng và nguồn vốn nhà nước là hơn 6.060 tỉ đồng.

ĐẮC LAM-HUỲNH HẢI

Đọc thêm